Phóng viên ảnh Nguyễn Khánh: “Hãy kiên định bước đi trên một hành trình dài”

Chủ nhật - 24/09/2023 17:59
Sau mỗi sự kiện, sự việc nổi bật của xã hội từ thời sự, ngoại giao, kinh tế đến thể thao… tôi thường vào báo Tuổi trẻ hoặc trang cá nhân của anh Nguyễn Khánh để tìm những khoảnh khắc đẹp, những câu chuyện giàu cảm xúc. Luôn có một giá trị khác biệt từ những sản phẩm báo chí của phóng viên ảnh Nguyễn Khánh.
Với tôi và nhiều thế hệ sinh viên sau này của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, anh Nguyễn Khánh như “thần tượng” mỗi khi nhắc đến. Gắn bó với báo Tuổi Trẻ 13 năm, Nguyễn Khánh đã 4 lần giành giải Báo chí quốc gia cùng nhiều giải thưởng báo chí trong nước và quốc tế.

Chúng tôi có dịp trò chuyện với Nguyễn Khánh dịp đầu năm học mới về nghề báo và chặng đường hơn 13 năm làm phóng viên ảnh với nhiều dấn ấn của anh.
 
1
3

Vào thời điểm đó, truyền hình hay một phóng viên viết nội dung là sự lựa chọn được nhiều sinh viên Báo chí hướng tới. Vì sao anh chọn hướng trở thành một phóng viên ảnh?

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là nơi đào tạo đa lĩnh vực, không chỉ báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình mà còn có truyền thông, quảng cáo,... và ảnh báo chí chỉ là một phần nhỏ của chương trình học. Nhiếp ảnh hồi đó với tôi chỉ dừng lại là đam mê thôi chứ chưa xác định sẽ trở thành một phóng viên ảnh trong tương lai.

Mọi thứ thay đổi vào năm cuối đại học khi tôi thực tập tại báo Tuổi trẻ. Trong 1 tháng liên tục đeo đuổi sự kiện cụ rùa Hồ Gươm bị bệnh, tôi chụp được bức ảnh cánh tay cụ rùa bị thương khi nổi lên thành hồ và khi đăng lên Tuổi Trẻ đã được đánh giá rất cao.

Tôi tiếp tục gắn bó với Báo Tuổi Trẻ, đến nay đã trở thành một phóng viên chính thức được gần 13 năm. Làm phóng viên ảnh từng ấy năm tôi nghĩ không phải một chặng đường đơn giản. Đó là 1 hành trình vất vả, kiên định.
 
2
4 lần nhận giải Báo chí Quốc gia của phóng viên ảnh Nguyễn Khánh.


Anh đã gắn bó với Báo Tuổi Trẻ từ khi ra trường đến bây giờ. Có lý do hay tình cảm đặc biệt nào cho quãng thời gian gần 13 năm?

Điều quan trọng ở Tuổi Trẻ chính là sự thôi thúc cá nhân đi lên. Ở trong môi trường báo chí chuyên nghiệp, có nhiều thứ rất khắc nghiệt và đặt yêu cầu cao cho phóng viên. Nhưng cũng chính điều đó đã giúp các phóng viên trở nên bản lĩnh hơn. Chính những yêu cầu và áp lực cao có thể giúp bạn làm việc hiệu quả gấp đôi, gấp ba so với người khác.

Thứ hai chính là sự sòng phẳng, tòa soạn luôn tạo điều kiện một cách tối đa miễn sao phóng viên tạo ra một sản phẩm ấn tượng. Nhờ điều kiện đó, khi làm việc tôi không bị lăn tăn những chuyện ngoài chuyên môn mà chỉ tập trung để có được những tác phẩm báo chí tốt. 

Nếu không làm ở Tuổi trẻ thì chắc tôi sẽ không có chỗ đứng như ngày hôm nay. Ở Tuổi trẻ không có ngôi sao, ngôi sao lớn nhất chính là tuổi trẻ.
 
5
Nếu được hỏi về nghề phóng viên ảnh, anh Khánh sẽ mô tả nghề này như thế nào?

Nghề phóng viên ảnh rất cực nhọc nhưng đầy thú vị. Đặc thù của nghề là bạn phải va chạm với cuộc sống, hiện trường một cách trực tiếp, thường xuyên đi vào những nơi mà người khác đi ra, từ bão lũ, cháy nổ, dịch bệnh... Chính những va chạm ấy khiến bản thân trưởng thành rất nhanh, giúp bạn mở rộng nhiều mối quan hệ, được đến những vùng đất khác nhau và tự nhiên cái vốn sống, vốn hiểu biết của bạn mở rộng rất nhanh và có cái nhìn đa chiều về cuộc sống.

Tất nhiên đây là công việc vất vả. Tôi nghĩ mỗi công việc đều có sự vất vả riêng và nghề phóng viên ảnh đòi hỏi sự va đập thực tế nhiều nhất để chụp ra những bức ảnh chân thực. Nhưng đối với tôi, được đến đó và phản ánh khách quan thông tin mà nhiều người không được tiếp cận và đang quan tâm đó cũng là một niềm vui.
 
image (2)
Người đàn ông chích ma tuý dưới chân cầu Long Biên (Hà Nội), ảnh chụp năm 2011 khi Nguyễn Khánh đang là sinh viên năm 3.

Trong nhiều năm theo đuổi nghề, anh có thể chia sẻ 3 sự kiện đã để lại trong anh nhiều kỷ niệm và cảm xúc nhất?

Đầu tiên là sự kiện cháy cây xăng trên đường Trần Hưng Đạo vào năm 2013. Tôi còn nhớ chiều hôm ấy sau khi nghe yêu cầu của tòa soạn, tôi lập tức đến hiện trường. Hiện trường lúc đó tiềm ẩn những nguy hiểm rất lớn, xe bồn đang  cháy và ở dưới là kho xăng, một vụ nổ kinh hoàng có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tôi không sợ hãi, cũng không nghĩ nhiều đến rủi ro mà chỉ tập trung ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng nhất. Tất nhiên cũng phải để ý đến an toàn của bản thân.
 
89767885 10216406277416547 1508174544764928000 n
Một cảnh sát PCCC bị lửa bén vào người khi đang làm nhiệm vụ - chụp tại vụ hỏa hoạn trạm xăng dầu số 9 thuộc Tổng công ty Xăng dầu quân đội, số 2B Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội chiều 3-6-2013. Ảnh: Nguyễn Khánh

Tôi không rời mắt khỏi hiện trường. Hôm đó, nhiều đồng nghiệp cũng đến nhưng không bám sát. Với ảnh báo chí, quan trọng nhất 80% là bạn phải luôn có mặt ở hiện trường, 20% còn lại là kỹ năng của bạn. Và chờ đợi là một yếu tố rất quan trọng. 

Ngày trước, tôi không phải là một người kiên trì nhưng sau một thời gian làm công việc này, tôi trở nên điềm đạm và nhẫn nại hơn. Vì đặc thù công việc, có những sự kiện mình chờ đợi rất lâu, có khi kéo dài cả tháng. Tôi coi đó là thứ để mình rèn luyện.

Sự kiện thứ hai vào năm 2019, tôi có chụp sản phụ Nguyễn Thị Liên, là bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối. Cô ấy đã từ chối xạ trị để giữ đứa con của mình. Ngày bạn ấy sinh mổ, tiên lượng rất xấu và có khả năng sẽ qua đời. May mắn ca mổ diễn ra thuận lợi, cả mẹ và bé đều bình an. Sau đó, Liên tiếp tục điều trị tại Bệnh viện K, còn bé Bình An được chăm sóc tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Tôi có nói với chồng Liên rằng nếu có bất kỳ chuyện gì hãy gọi cho tôi.

Và cuộc gọi ấy đến vào lúc 5 giờ sáng, mất ba hồi chuông tôi mới dám bắt máy, tôi lo sợ Hùng gọi tôi để báo một thông tin buồn về Liên, vì sau khi bé Bình An chào đời, sức khoẻ của Liên yếu đi rõ rệt, tiên liệu xấu. Nhưng trái với suy nghĩ, Hùng gọi để thông báo một tin mừng: “Sáng thứ hai vợ em xuất viện và đón con về nhà anh à”. Điều kỳ diệu đã đến, câu chuyện đầy nghị lực của Liên gieo vào tôi một niềm tin mãnh liệt: đó là niềm tin được sống, được yêu và làm những điều tử tế xuất phát từ trái tim.
 
image
Phóng viên Nguyễn Khánh cùng gia đình sản phụ Nguyễn Thị Liên.

Cuối cùng là câu chuyện tình bạn của vận động viên điền kinh Nguyễn Thị Oanh và Phạm Thị Huệ. Họ là hai vận động viên đầu tiên chạm vạch đích ở nội dung điền kinh 5000m nữ mang về 1 vàng và 1 bạc cho thể thao Việt Nam tại SEA Games 29 (2017) được tổ chức tại Malaysia. Sau khi hoàn thành phần thi, Phạm Thị Huệ khụy xuống sân do quá mệt. Oanh đã chạy đến đỡ bạn và động viên “Huệ ơi dậy đi, thắng rồi!!!”. Theo tôi biết, một năm trước đó, Oanh được chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận và cô gần như phải giã từ sự nghiệp. Nhưng vượt lên tất cả, cô gái ấy trở lại và cầm về tấm huy chương vàng danh giá, rồi lấy đó làm bàn đạp cho những thành công sau này. 
 
90138007 10216406271576401 9088320058702168064 n
VĐV Nguyễn Thị Oanh đỡ, động viên người bạn thân Phạm Thị Huệ vực dậy sau khi họ là hai vận động viên đầu tiên chạm vạch đích ở nội dung điền kinh 5000m nữ SEA Games 29 Ảnh: Nguyễn Khánh
Tôi chọn những câu chuyện như vậy vì nó truyền đi những thông điệp tích cực, rõ ràng. Khi chia sẻ, tôi muốn gửi gắm đến công chúng những điều tích cực trong bi kịch, có sự xót xa và tính nhân văn. 

Các kỷ niệm đến từ nhiều thể loại ảnh khác nhau, vậy với anh chụp thể loại nào là khó nhất? Vì sao?

Công tác trong nghề nhiều năm, tôi vẫn thấy rằng thật khó để nói hết đặc thù công việc của mình. Mỗi sự kiện tác nghiệp đều có tính chất khác nhau và quá trình chuẩn bị nó cũng có sự khác nhau. Không có sự kiện nào giống sự kiện nào, điều này đòi hỏi quá trình va đập, trau dồi rất nhiều. 

Phóng viên ảnh thường không chia theo mảng như nội chính, văn hóa,... giống như phóng viên viết. Mỗi thể loại đều có những đặc thù, cái khó riêng. Ví dụ như ảnh thể thao đòi hỏi những khoảnh khắc, trong những trận bóng đá, mình phải suy nghĩ rất nhiều, mình phải đi theo những đường bóng, những va chạm trên sân, hoặc đơn giản khi kết thúc trận đấu mình chụp ai, phải xác định và bắt trọn khoảnh khắc. 

Trong trận bán kết lượt về giải AFF Suzuki Cup 2016, cầu thủ Vũ Minh Tuấn của đội tuyển Việt Nam đã bật khóc sau khi ghi bàn thắng nâng tỉ số 2-1 cho Việt Nam trước Indonesia. Tôi nhớ khi đó khoảnh khắc này chỉ kéo dài khoảng 1-2 giây, khi Tuấn ghi bàn tôi đã có linh cảm về một điều gì đó. Và tôi đã đúng khi Tuấn chắp tay lạy người cha đã mất của mình, tôi không mất nhiều thời gian suy nghĩ để lách qua hàng rào bảo vệ và chụp liên tiếp hàng chục bức ảnh.
89930520 10216406272896434 2001889818648248320 n
Cầu thủ Vũ Minh Tuấn bật khóc sau khi ghi bàn thắng nâng tỉ số 2-1 cho Việt Nam trước Indonesia trong trận bán kết lượt về AFF Suzuki Cup 2016 trên sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Khánh

Giá trị quan trọng nhất trong ảnh báo chí là cảm xúc, khoảnh khắc đã khó rồi nhưng khoảnh khắc của cảm xúc còn khó hơn. Có được bức ảnh chạm đến cảm xúc của người xem là rất khó. Nó là thứ đòi hỏi ở người phóng viên sự quan sát, tập trung và cả sự nhạy cảm.

Mọi người nghĩ phóng viên ảnh chỉ chụp ảnh, đó là sai, để chụp bức ảnh ấy là một hành trình từ việc di chuyển, kết nối, tương tác, và phải suy ngẫm. Khi muốn có một bức ảnh với yếu tố đặc biệt, tôi phải tập trung quan sát, tìm tòi và phân tích rất nhiều thứ trong đầu, phải có sự suy đoán xem đâu là điểm sáng của vấn đề. 
 
6

Việc học tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã giúp anh có những kiến thức và kỹ năng gì nổi bật?

Ở Viện Báo, không chỉ tôi mà nhiều bạn bè, đồng nghiệp đều thấy những nền tảng kiến thức tại đây được đào tạo rất tốt. Trong quá trình học, tôi được tiếp cận với đầy đủ các loại hình báo chí từ báo in, báo điện tử, báo ảnh, phát thanh truyền hình cho đến truyền thông, PR. Tôi nghĩ việc được va chạm với đa dạng các loại hình giúp cho sinh viên sau khi ra trường có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp và được trang bị nhiều kỹ năng khi tác nghiệp. Nhờ vào đó sinh viên Viện Báo dần dần trở thành những nhà báo, phóng viên “đa-zi-năng” khi bước vào môi trường báo chí chuyên nghiệp.

Nhưng muốn thành công thì các bạn không được tham lam, các bạn phải kiên định trong một lĩnh vực cụ thể. Mỗi lát cắt đều rất khó, bạn cần nhiều thời gian để nắm bắt, đó là 1 hành trình dài, kiên nhẫn để bước đi trên con đường làm báo.
 
7


Anh có lời khuyên nào cho những bạn sinh viên muốn theo đuổi Ảnh báo chí?

Không phải tất cả những bạn học báo thì sẽ làm báo và không phải những bạn học báo thì mới có thể trở thành nhà báo. Nghề chọn người, và nhất là nghề báo, ai phù hợp, ai theo đuổi được, sẽ gắn bó được. Nói riêng về các bạn học ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, hầu như các bạn là những người giống tôi ngày trước: Yêu nghề và thích làm báo, thích chụp ảnh, thích được đi đây đi đó, thích sự tự do, thích có một cái tôi mới mẻ nên chọn trở thành sinh viên Báo chí.

Và để theo không chỉ Ảnh báo chí mà nghề báo nói chung, đầu tiên các bạn sinh viên trước tiên cần có bản lĩnh, lý tưởng, sự đam mê với nghề nghiệp. Đây là nền móng đầu tiên bởi phải có sự yêu thích thì các bạn mới có thể theo học 4 năm và kiên trì làm nghề sau khi ra trường.
 
8

Thêm vào đó hãy chủ động rèn luyện ở những sự kiện nhỏ. Những sự kiện có quy mô vừa và nhỏ là cơ hội quan trọng để một phóng viên ảnh có thể rèn giũa những kỹ năng cần thiết trước khi bước vào một sự kiện lớn hơn. Nó sẽ giúp bạn làm quen với không gian tác nghiệp, biết mình phải đứng ở đâu, chụp ảnh lúc nào và di chuyển ra sao.

Như khi tôi tham gia chụp các Nguyên thủ quốc gia, những vị lãnh đạo bắt tay,... trông đơn giản vậy thôi nhưng nó là sự va đập rất lớn, tôi phải cạnh tranh với rất nhiều người khác, phải tìm những góc máy “đắt”, phải vượt qua hàng rào an ninh,.. Tôi phải làm rất nhiều thứ và khoảnh khắc ấy trôi qua rất là nhanh!

Bên cạnh đó, hãy trau dồi các kỹ năng mềm. Các bạn sinh viên cần chuẩn bị cho mình những hành trang kiến thức cần thiết và tư tưởng vững vàng. Ngoài những sự kiên định, xông pha vừa kể trên thì sự thông minh, nhanh nhạy, khả năng làm việc nhóm, chăm chỉ, sức khoẻ tốt, kỹ năng về ngoại ngữ, khả năng chịu được áp lực công việc cao… sẽ trở thành ưu thế lớn khi làm nghề.

Trân trọng cảm ơn anh!

Tác giả: Minh Nguyệt - Hoàng Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây