“Ăn” thú rừng, rưng rưng người khóc!

Thứ sáu - 22/10/2021 16:29
Trong hơn một năm ròng sắm sanh trang phục, thiết bị và “học lỏm” kiến thức của dân buôn hàng con (thú rừng) nhằm vào vai chủ một chuỗi nhà hàng “Đặc sản núi rừng” đi lùng hàng mối lớn, nhóm phóng viên (trong đó có nam sinh viên K63 của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) đã chứng kiến một thế giới khốc liệt, thảm sát hoang thú đến cá thể cuối cùng và chà đạp lên các quy định đạo lý cùng luật pháp. “Bến đỗ” của tất cả các chuyến đi trong bài viết này chỉ là địa bàn Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) lên dọc tuyến quốc lộ 7 “huyền thoại”: xuyên các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đến giáp biên giới Việt - Lào. Chỉ là một khúc đường ở một trong 63 tỉnh thành của nước Việt đã như thế này, thử hỏi tài sản thiên nhiên chúng ta để lại cho con cháu có phải chỉ là một sự “tận diệt” chua xót và đáng xấu hổ hay không?Bẫy lớn, súng to. Vạc lửa nấu cao hổ, cao sư tử, cao da tê giác vài trăm độ và có vam khóa sắt với camera theo dõi “nồi cao tiền tỷ” với nhiều cặp mắt người giàu nhìn táu hạu 3 ngày đêm. Những “đầu gấu đầu mèo” cơ bắp ngổ ngáo. Xăm trổ xanh lèo đầy mình. Đeo vàng miếng và nanh hổ to như quả chuối. Các cuộc nhậu dốc cạn mình cho rượu, gái và thịt rừng. Đi qua cái mẽ ngoài đó, chúng tôi gặp những kẻ “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” theo đúng nghĩa đen mà các cụ đã chỉ dạy: thiên nhiên bị chọc tiết, con người đau đớn vì tra tay vào còng hoặc vướng vòng lao lý. Loạt phóng sự đã đăng trên báo Dân Việt.
“Ăn” thú rừng, rưng rưng người khóc!
Bài 1:       
Hóa kiếp đủ loại “hàng trong Sách đỏ”

Vào vai một “tay chơi” hoặc một “người buôn” trong thế giới buôn bán thú rừng ở thời điểm này, phải nói là “chưa bao giờ khó thế”. Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị 29 về nghiêm cấm buôn bán sử dụng động vật hoang dã, triệt phá các tụ điểm vi phạm trên cả nước, tỉnh Nghệ An cũng liên tiếp ra quân xử lý. Hàng nghìn người dân Nghệ An ký cam kết không sát hại, bán buôn và ăn thịt thú rừng. Các đối tượng bắt đầu rút vào hoạt động bí mật. Họ lợi dụng mạng xã hội một cách tinh vi để giao dịch, ít tiếp xúc trực tiếp.
 
1

Những “ông trùm” tinh vi thời 4.0

Họ kiểm tra kĩ nhân thân từng người. Nguyên tắc: ai giới thiệu người vào “sân chơi” thì người đó phải là người các đối tượng nắm được đằng chuôi: tức là biết nhà cửa, địa chỉ, người thân (để có thể sẽ tiến hành trả thù). Thế nên, chúng tôi đã có nhiều cuộc tìm hiểu mà vĩnh viễn không bao giờ dám công bố ở trên báo, thậm chí không dám phối hợp với công an kiểm lâm để xử lý. Vì thế, chúng tôi phải in card-visit nói rõ mình là chủ chuỗi nhà hàng đặc sản: với địa chỉ giả, số điện thoại “sim ảo mang tên người khác”, zalo “ảo tung chảo” - đăng các hình ảnh minh họa nhậu thú hoang, bán hàng rừng “rinh rượp”.

Qua nhiều cuộc “thẩm tra lý lịch” lạnh sống lưng, chúng tôi đã ngồi chung bàn nhậu với Minh (đã đổi tên một số nhân vật), một trùm buôn thú rừng ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Giống như nhiều dân anh chị buôn động vật hoang dã xuyên quốc gia khác, Minh được tôi luyện qua các va chạm với nhiều lực lượng trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, nên rất cáo già.

Minh đang có một nhà hàng lớn mang tên ghép giữa mình và con trai. Ở đây bán đủ mặt hàng vi phạm Luật Việt Nam và Chỉ thị của Thủ tướng. “Tin tưởng” nhau rồi, Minh mới lộ nguyên hình là một “tập đoàn” buôn hàng rừng “khủng”. Có hàng là gửi hình liền. Em bắt được con cầy hương, em chơi súng săn. Và chúng nó đi săn ầm ầm bán cho em. Cầy hương bị bẫy gãy chân, cái bẫy kẹp vẫn dính vào chân con này nhé. Em quay video gửi bác, xem con vật giãy giụa hẳn hoi. Nếu “máu” thì đến, em làm 7 món luôn. “Trút (tê tê) thì em cắt tiết và làm bảy món”. Nói rồi, Minh mở điện thoại đắt tiền ra, cho chúng tôi xem video loài vật hiền lành quý hiếm “buôn một con đã dính án hình sự” đang giãy dụa, máu chảy tong tỏng…

Nhà hàng của Minh ở cách Khu Sinh thái Mường Thanh (huyện Diễn Châu) không xa. Chuồng nhốt thú rừng sống, cầy bị gãy chân do dính bẫy rất rộng. Thịt rừng đông lạnh thì dĩ nhiên là nhiều hơn.

Chúng tôi bước vào, camera giấu phải cực kín, thái độ thật thản nhiên và phải có mối quen “dẫn” trước. Khắp nơi trong khu vực của Minh và những người như Minh, bao giờ cũng có một giàn camera giám sát. Thấy nghi, khách về, là họ sẽ trích xuất video, soi kĩ từng chi tiết, từng hành vi “ngáo ngơ” của đối tượng. Thử đủ trò, tinh vi nhất là trò đột ngột hỏi giá các loại thú rừng mà “ông chủ nhà hàng đặc sản” (là tôi, nhà báo nhập vai) đi tìm mối vẫn hay…  mua. Tay gấu, cả bốn chiếc, anh vẫn mua giá bao nhiêu? Cầy hương hai triệu mấy một ký thì bác lấy được? Chồn đèn, chồn bạc má thì sao? À, buôn ngoài Hà Nội, anh biết thằng Khang vẫn lấy hàng từ Mô Dăm Bích về không? Đột ngột, anh ta khoe “hàng vảy”, tức là con Trút theo tiếng Bắc Trung Bộ, tức là con tê tê, con xuyên sơn giáp theo cách gọi phổ thông. Rồi bất ngờ hỏi: bên ngoài đó, các anh làm món gì cho khách? Vảy nó bóc ra bán giá bao nhiêu? Nếu không là dân “trong nghề” (hoặc đã được tập huấn kỹ) đảm bảo bị Minh bóc mẽ sau một nốt nhạc.

Trong nhà tràn ngập các loại thú nhồi tiêu bản, đại bàng, chim ăn thịt các loại đứng oai phong, bên dưới là beo lửa, mèo rừng mắt xanh lè, nhia răng hù dọa. Minh khoát tay: “Tất cả đây là hàng do em giết thịt, giữ lại làm kỉ niệm, dân chơi mà!”. Đặc biệt, trong điện thoai của Minh có lưu rất nhiều video mô tả cảnh anh ta cắt tiết, giết thịt, chế biến đủ món với các con tê tê (trút) cùng nhiều loài hoang thú. Cao điểm, Minh gọi điện thoại, có người đi ô tô, xách đến một con tê tê nặng hơn 3kg, vẫn đang cuộn tròn, thỉnh thoảng chú ta thò đầu ra ngơ ngác nhìn… lô xô bát đĩa trên bàn nhậu.

Một toán khách đến, vừa đuổi bắt rồi dùng gậy sắt đập chết một con cầy hương - chú ta đi bập nhễnh do dính bẫy nát bàn chân - ở trong lồng sắt lớn nhốt nhiều loại thú khác; Minh vừa hò hét người ta cắt tiết, dùng máy khò (thui) con vật bằng ngọn lửa ga xanh lèo đỏ đọc, Minh vừa giải thích về cơ chế buôn bán thú rừng và qua mặt cơ quan chức năng. Minh cho biết, thợ săn cả vùng này đi vào rừng tìm thú rừng cho anh ta bán. Thú từ Lào về và nhiều món “phục vụ người giàu” khác thì từ châu Phi. Cái gì cũng có.
 
1 2

“Cứ lên mạng đọc về bọn buôn tê tê bị bắt, là thấy em ngay”

Như để kiểm tra xem khách là loại người nào, Minh gọi đến rất nhiều “bà con”, trong đó có anh trai của Minh, tên là Hải. Các gã cao to, xăm trổ, nhiều người định cư lâu năm bên Lào để “làm ăn”.  Anh trai Minh tự tin vỗ ngực, uống hết nửa ly rượu đại, loại cốc to như ly bia hơi: “Anh chả cần hỏi về em, cứ lên báo ở trên mạng mà đọc. Em “nổi tiếng” lắm. Đi buôn tê tê sang Trung Quốc, bị bắt ở Quảng Ninh, nhiều vụ lớn. Kệ, em vẫn ngồi uống rượu với anh mà. Sướng khổ là do… ta tự nghĩ ra”.

Minh khoe mình có súng săn hiện đại. Chúng tôi “ngâm cứu” thì khẩu đó là CPC, chắc trị giá vài chục triệu đồng, loại “trứ danh”. Anh trai Minh đòi đứng khỏi cuộc nhậu cho khách xem “cả rổ tay gấu”. Cái nào cũng lông lá móng vuốt. Tôi đã xem bộ tay gấu tương tự gồm 4 chiếc ở xã bên, nên tự tin bảo, anh lạ gì, vấn đề là bán dưới giá 16 triệu đồng/tay gấu thì anh mua. Nếu không thì cân nhắc đã. Hải hiểu ý. Ngồi khoe về đủ mánh đi hàng con xuyên từ Lào về Việt Nam và sang Trung Quốc. Minh bảo, đã thế em mang tê tê ra cho anh luôn.

Tôi đồng ý. Tiệc chưa tàn, trong bếp, vợ Minh xinh xắn, trẻ măng, bế đứa con còn lẫm chẫm tập đi, cứ ngồi mô tả về các mặt hàng “nhà em” có sẵn. Cậu đầu bếp trẻ măng đang giết một con cầy. Đầu con vật vô tội bị cắt lìa, thui vàng, mắt nó trợn lên, răng nhia ra trắng ởn. Vài cái ria đen dài chưa kịp cắt cạo vẫn vểnh lên, trông con vật vừa bị sát hại vẫn toát lên vẻ láu cá. Có gì đó hài hước một cách bi thiết.

Vài phút sau, tại căn bếp “kín đáo” ấy, có một gã xách đến chiếc bao tải xác rắn màu xanh nhạt. Anh ta bảo: 3 triệu đồng/kg tê tê sống. Con này 4kg. Con gì? “Hàng vảy”. Đây là cách họ nói giảm, nói tránh, nói kiểu ám hiệu để đề phòng tai vách mạch rừng. Con động vật rừng này có vảy, giá chợ đen rất đắt. Nó được giới khoa học, giới bảo tồn liệt vào danh sách loài động vật hoang dã bị săn lùng và buôn bán nhiều nhất thế giới. Ai buôn bán vận chuyển, chỉ “dính” một con là hoàn toàn có thể “bị khởi tố hình sự”? Minh tự hào: “Khách nhà em, “chén” hết thịt xương con vật tội nghiệp rồi, thứ mà họ cân, đếm, cất giấu kĩ nhất để đem về là bộ vảy này!”.

Nhờ bộ vảy này mà cô (chú) ta có thể dũi hầm, xuyên núi để kiếm thức ăn, đào hang hoặc trốn chạy “thiên địch” hoặc kẻ thù nguy hiểm nhất là bọn hai chân: “thợ săn”… Tin vào sức mạnh “xuyên sơn” nhờ bộ vảy của tê tê, nên người Trung Quốc và người Việt Nam (cùng với việc săn lùng nó để ăn thịt) đã sẵn sàng mù quáng bỏ nhiều tiền ra để tìm mua “hàng vảy” về  làm… “thần dược”.

Trở lại câu chuyện, Minh và người bán tê tê hỏi tôi: “Anh lấy mấy con”, bạn tôi đỡ lời: “Lấy một con ăn thử thôi. Nếu sếp thích thì lấy nhiều sau”. Họ bỏ con tê tê ra khỏi bao tải, chú ta cuộn tròn xoe, cứng ngắc. Họ cầm đuôi con vật hiền lành và ra sức rũ để chú ta không cuộn tròn nữa. Gã lực điền cầm đuôi hất mạnh một cái, con tê tê lại duỗi ra dài  bốn năm chục xăng ti mét, vảy, đầu, chân, đuôi như động vật thời tiền sử. Hết lực “vảy”, chú tê tê lại co mình, như cuộn dây cáp, như quả bóng xù xì. Họ đặt chú ta lên cân. Ngã giá.

Anh Nguyễn Văn Thái, Giám đốc Tổ chức Save Viet Nam’ Wildlife, Phó Chủ tịch Hội Tê tê Thế giới: tê tê là loài mà người ta hầu như, trong tự nhiên, không tìm thấy đối thủ nào có thể ăn thịt được nó. Nó mang dáng vẻ của một loài “khủng long thời tiền sử”. Cá sấu, hổ, sư tử, chó rừng, linh cẩu - tất cả, cứ thấy chú ta cuộn tròn với lớp vảy cứng lởm chởm dựng ngược lên, là chào thua.

Kệ các nỗ lực bảo tồn của nhân loại tiến bộ, ở nhà hàng này và nhiều nhà hàng khác mà chúng tôi khảo sát, họ giết tê tê rất thường xuyên. Đánh tiết canh, quay video. Trong quá trình chúng tôi điều tra, Phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An đã liên tiếp bắt nhiều vụ buôn bán vận chuyển tê tê trên địa bàn. Và từ tài liệu điều tra về ổ nhóm trên đã được nhóm Phóng viên chính thức báo cáo lãnh đạo Công an tỉnh, làm việc trực tiếp với Trưởng phòng PC03, trực tiếp dẫn điều tra viên đi trinh sát...
 

Bài 2:
Trong hang ổ của trùm “hàng con” xuyên lục địa

Khi xâm nhập thế giới của những kẻ buôn hàng ngà (ngà voi), hàng vảy (tê tê), hàng con (động vật hoang dã tươi sống) rồi hàng tê (sừng tê giác)…, chúng tôi còn sững sờ trước quá nhiều “hàng độc” với các chiêu thức quái dị. Không chỉ là các hành vi lén lút buôn bán động vật hoang dã quý hiếm trái phép để trục lợi, không chỉ là nhẫn tâm kiểu mông muội “con người là chúa tể và ăn tiệt giống tất tật các loài còn lại”.
 
2 1

“Để nguyên lông, máu, mủ, thịt thối của hổ và sư tử thế này chứ”

Lương (nhân vật đã được đổi tên), người xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Là tay sẵn sàng cung cấp nhiều mặt hàng rừng, cao hổ, sừng tê, tay gấu, sau thời gian thăm dò thận trọng và bài bản, đã bắt đầu ngả bài với chúng tôi ở các địa điểm giáp ranh các huyện Yên Thành và Diễn Châu (tỉnh Nghệ An). Hổ con ở đâu ra? “Họ mua hổ con từ Lào về hoặc mua hổ “bán trộm” từ khu sinh thái nuôi hổ “bảo tồn” mà tự dưng hổ đẻ, ông chủ không biết. Vài trăm triệu một đôi hổ con chứ rẻ à. Nó chết thì ngâm rượu, buộc dây sắt tạo thế “rồng cuộn hổ ngồi” tửu táng cho chúng mà bán để dân chơi vừa uống vừa ngắm”, Lương vừa lái chiếc bán tải phiên bản mới nhất vừa rủ rỉ.

 Nhóm chúng tôi tận mắt xem công nghệ “uốn tay chân hổ” trong bình rượu và chụp ảnh. Vừa qua, đối tượng Lô Văn Tuấn, SN 1990, người xã Châu Thôn, huyện Quế Phong đang mang hổ từ “đồng bằng” (nơi chúng tôi đang có mặt) qua thị xã Thái Hòa để bán thì bị công an tỉnh Nghệ An bắt. Tang vật là hai con hổ nhỏ mới chỉ nặng 1,7 kg. Sau khi tài liệu điều tra của loạt bài này được chúng tôi mang đến tận phòng làm việc nộp cho Công an tỉnh Nghệ An, vào 1/8/2021, các đối tượng đã bị bắt tại Diễn Châu với tang vật là 7 con hổ nhỏ. Trần Trung Hiếu, Nguyễn Văn Lai (ngụ tại Hương Sơn, Hà Tĩnh) còn lùi xe, lao thẳng vào xe công an truy đuổi trước khi thúc thủ... Những sự thật trắng trợn đó đã cho thấy, chuyện của Lương không chỉ đúng mà còn có cả bằng chứng hình ảnh, bản án trước và sau khi Lương nói, rất sinh động. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Nghệ An bắt các đối tượng nuôi hổ tại nhà. Hổ bị nhốt và cho ăn trong chuồng mũm mĩm như chó mèo.

Chúng tôi biết nhiều và từng tố cáo nhiều vụ tương tự rồi, song, phải đến hôm nay, Lương mới “vạch truồng” vấn đề ra ám ảnh đến thế này: nếu họ đã định ngăn chặn, thì một cái lông hổ cũng không đi qua biên giới được.  “Có nhà nuôi cả chục con hổ, khu này hổ nhiều vô kể, nuôi giấu đến mức người làng cũng không dễ gì biết được. Một nhà vừa nuôi vừa giao cho các “nông hộ” khác nuôi đã lên tới hai trăm mấy mươi con. Đang COVID-19 nên không xuất được hàng. Càng nuôi càng tốn, có con lên đến vài tạ rồi…”, Lương nói.

“Chúa Sơn Lâm” oai phong năm nào, giờ được nuôi như chó mèo ở một thế giới tăm tối không có màu xanh diệp lục, không có ánh sáng mặt trời. Họ đào hầm hào, giam các ngài hổ vào đó và nuôi. Hổ dễ đẻ như chó mèo, lớn nhanh như lợn dê. Giá bán chợ đen thì mỗi con hổ lại lên đến tiền tỷ.

Cách nhà Lương độ hai cây số, đi qua trường xã, rẽ vào một con ngõ nhỏ. Ngôi nhà nguy nga hiện ra án ngữ mấy mặt ngõ. Mạnh (đã đổi tên nhân vật) và anh trai đều là dân xuất khẩu lao động. Thấy anh Lương đã giới thiệu sum xoe, “nắn gân” ném đá dò đường độ 45 phút nữa, cu cậu mới thận trọng vào buồng, chui xuống gậm giường, khệ nệ ôm ra một cặp ngà voi khổng lồ. Lặng lẽ, cu cậu vẫn quần lửng, lại vào buồng vác ra một chiếc ngà voi nữa. Mạnh trầm ngâm: “Nó là một bộ. Em đang cho đánh bóng thật đẹp, bịt vàng ở các gốc ngà. Rồi làm chân đế bằng gỗ quý cho chúng. Bộ này hơn hai trăm năm mươi triệu. Anh trưng bày, có khi rất giống cặp ngà voi trắng trong dinh vua Bảo Đại đấy!”.

Tôi ngã giá, yêu cầu Mạnh chế tác thật đẹp rồi mới lấy. “À, mà chú chở ra Hà Nội giao hàng cho anh. Chứ nhận hàng ở đây, nhỡ có đứa nào báo công an, dọc đường anh bị tóm, mất hàng và có khi còn đi ở tù”. Tôi tỏ vẻ sành sỏi và cho nhân viên ghi số tài khoản của Mạnh để tiện “cọc tiền” (đặt cọc mua hàng). Mạnh đồng ý và liên tục gửi ảnh, video về việc chế tác, lắp bệ, bịt vàng cho cặp ngà voi châu Phi đó hòng lôi kéo khách.

Qua thời gian giao dịch, Mạnh bắt đầu tâm sự rất nhiều chuyện. Hóa ra nhà cao cửa rộng, cuộc sống tiện nghi tưng bừng mà Mạnh và anh trai (cũng một nhà cao tầng kế bên) có được hôm nay là do đi xuất khẩu lao động. Mạnh đi CHLB Đức, rồi lưu lạc sang tận xứ Scandinavia Na Uy, làm đủ thứ nghề “chập chờn” đen trắng khác nhau. Cao điểm, cậu cho tôi xem giấy tờ với dòng chữ màu đỏ trên một tấm thẻ có dán ảnh và tên tuổi năm sinh của chính Mạnh: “Detainee” (người bị tạm giữ)”. “Em bị đi tù ở bên đó 3 năm…” – Mạnh kể.

Hàng mà Mạnh giữ trong nhà và giữ ở nhiều nơi khác (phân tán để tránh bị tịch thu hoặc dính án nặng nếu chẳng may bị các lực lượng “đột kích” kiểm tra xử lý) khá nhiều loại. Lục cục chui vào buồng, Mạnh cân nhắc mãi mới cho tôi đi theo. Các bộ ngà voi bỏ trong tải xác rắn trắng đục nhàu nhĩ được vác ra. Từng chiếc cong vút, sáng ngà, nhọn hoắt. “Hàng này em nhập từ châu Phi, anh mà thấy có dấu hiệu không phải ngà xịn thì em tặng anh luôn” – Mạnh thề thốt lần nữa rồi cho tôi xem… hàng sừng tê giác. Tôi nhìn, ngơ ngác vì “hàng” gì mà nó đỏ hồng, rực rỡ, vàng rươm, “xinh” như một vành trăng khuyết. Trong bóng tối nhập nhoạng. Hóa ra, dưới miếng sừng tê giác mỏng dính, vân vi là đèn của chiếc smart-phone đắt tiền. Mạnh đoan chắc: đó là cách kiểm tra sừng tê xịn hiệu quả nhất. “Nếu sừng này là rởm, bác cứ quay lại đây em đền gấp 10 lần” – tay buôn quả quyết.

Thấy khách có vẻ “phê” và hứa hẹn với cả bộ 4 chiếc tay gấu lông lá, móng vuốt, tanh tưởi để lên cân, Mạnh hào hứng mở tủ đông lấy cả một rổ nanh hổ, móng vuốt hổ và móng vuốt sư tử. Vợ Mạnh đang nấu cơm phải lấy lý do trưa rồi để chạy ra trước hiên nhà hái rau, vì mùi quá thối. Thịt hổ vương vãi từ các cuộc nhổ răng, nanh, móng vuốt “chúa sơn lâm” trước khi đem nấu cao. Tôi xòe tay, Mạnh thả vào một chuỗi dây chuyền vàng to bằng đầu đũa. Nặng trĩu với cái răng nanh hổ to đùng. “45 triệu đồng/chiếc. Đảm bảo cả Việt Nam không có chiếc thứ hai”. Mạnh tự tin. Tôi vẫn xòe tay chê bịt nhiều vàng quá nên đắt và mất “vẻ đẹp tự nhiên” của mãnh thú. Mạnh hiểu ý. Cậu ta hất cánh tủ lên cao, mùi hôi thối lại xộc ra tiếp.

Mạnh khệ nệ, có vẻ muốn đem tất cả “gia sản” các bộ phận của hoang thú đang có trong nhà ra. Tất cả được “bánh đúc bày sàng” trưng ra trên một cái khay lớn đủ để xếp 3 bộ ấm chén. “Phải để nguyên lông, máu, mủ, thịt thối thế này người ta mới tin. Kẻo lại bảo móng, răng, nanh hổ làm bằng xương, bằng nhựa… Đấy, thợ trước đến họ mua sỉ vừa chọn mất nhiều rồi, nên anh mua nhiều em giảm giá cho” – Mạnh nói.

Mạnh nói có vẻ “thật thà”. Quả là một cuộc lựa hàng buồn nôn. Tôi ra bể nước, xả vòi và vốc xà phòng vào tay rửa đến chục lần. Song, dường như cả ký ức và xúc cảm của tôi bị ám mùi giết chóc quái dị đó thì đúng hơn.
 
2

Nấu cao da tê giác, chuyện chắc chắn chỉ có ở… Việt Nam

Trong “nghĩa địa của thú rừng” mà Mạnh - và những trùm tương tự mà chúng tôi biết - đang tích trữ, buôn bán, thường thì rất đa dạng, có đủ các “hàng Phi” (từ châu Phi), “hàng con” (thú rừng đang sống), hàng “tê” (tức tê giác)… Điều rất lạ là con tê tê thì không gọi là “hàng tê”; mà kêu là con trút, gọi tiếng lóng là “hàng vảy” - vì vảy tê tê bán “được giả” nhất, đắt hơn cả thịt của chúng.

Giữa thế giới đó, với tôi, quái dị nhất có lẽ là la liệt các “mô” tròn tròn, màu vàng óng ả, lông lá mượt mà. Các khúc nhô lên tròn, đều, nhẵn, quả thật khó mà đoán đúng ngay mặt hàng đó khi nhìn lần đầu. Mạnh nháy mắt: “Ấm tích ấm ủ của hổ và sư tử đực”. Tôi sững người: dương vật hổ, sử tử. Họ cắt cả cụm, gồm hai tinh hoàn và dương vật của “ông ba mươi” (hổ) và “lãnh chúa rừng xanh” (sư tử). Họ không cắt kiểu thiến, mà khoanh cả vùng da lớn có chứa hai tinh hoàn và dương vật.

Bất giác, tôi nhớ đến nỗi xấu hổ của mình trong lần đi châu Phi cách đây chưa lâu. Đoàn có tôi là nhà báo được mời, đi trực thăng thị sát nạn săn bắn tê giác, voi, sư tử ở Vườn quốc gia có đường biên bảo vệ rộng lớn nhất thế giới Kruger (Cộng hòa Nam Phi). Khi chiếc trực thăng màu xanh hạ độ cao, thấy bên bờ suối có con tê giác vừa bị giết, máu nó còn phun đỏ ối trên cát nóng. Tôi và Diva Hồng Nhung tiến đến, máu tê giác còn vấy cả lên giày dép. Viên phi công và cả nhà điều tra đang lấy mẫu vỏ đạn và AND của con vật xấu số cùng hỏi tôi: sao giết tê giác cắt lấy sừng rồi, mà người châu Á các anh lại cắt cả dương vật của con vật đó làm gì? Tôi chưa biết nói thế nào, anh bạn nhà báo tên là Tonggai (từng sang Việt Nam điều tra rồi) bèn thở dài: “Họ nghĩ rằng ăn gì bổ nấy. Họ tin mù quáng rằng, ăn, uống dương vật của loài mãnh thú có sức mạnh huyền thoại này thì sức mạnh… chăn gối của họ sẽ được cải thiện”. Gã râu chổi xể mỉm cười chua chát: “Không lẽ khả năng tình dục ở nơi ấy ai cũng yếu như vậy sao?”.

Thấy tôi không mặn mà lắm với món dương vật hổ, sư tử (có lẽ là của cả tê giác), Mạnh quay ra mời mua cao nấu từ da tê giác. Quả là thế giới này không ai có thể tin được, kể cả các nhà bảo tồn danh tiếng, chi tiết và sâu sát nhất các diễn biến về sự mùa quáng coi cơ thể và các bộ phận cơ thể động vật hoang dã là “thần dược”. Đưa ra cao, lại còn thiết kế hộp gỗ đánh véc ni nâu bóng, có khắc chữ, ghi rõ cao hổ, cao tê (da tê giác), Mạnh còn cho chúng tôi xem những video nồi cao da tê giác sôi ùng ục, nâu nhuyễn ra sao, tay đòn khuấy cao phải tinh vi và độc đáo thế nào. Mạnh khoe cả: “Những gì mà “tờ rơi”, rồi “Công dụng thần kỳ” của cao tê giác được in ấn trình bày cẩn thận, bắt mắt mà chúng nó đang bán ầm ầm thành phong trào kia, là do bọn em nghĩ ra và thiết kế đầu tiên đấy. Da tê giác của Mạnh được trưng ra, bao giờ cũng kèm theo cái thước đo. Kể cả chụp lên ảnh gửi cho “đối tác”, Mạnh cũng kê vào thước có từng chỉ dấu xăng-ti-mét rất “khoa học” vào. Để người ta hình dung về “sự vô đối” của da tê giác - loài vật nặng vài tấn, cao 3m với lớp da dày vài xăng ti mét, không có kẻ thù nào trong tự nhiên chiến thắng nổi chúng.

Ít lâu sau, qua mạng xã hội “bí mật” của Mạnh (ai tin tưởng mới được “kết bạn”), tôi thấy cậu ta còn đưa cả cái “thẻ” mang tên mình với dòng chữ “DETAINEE” (người bị giam giữ) lên. Hóa ra, ông trùm này có vẻ tự hào vì mình xông pha khắp các quốc gia để làm ăn. Và đó là bằng chứng về việc hàng rừng, hàng con xuyên lục địa của Mạnh là xịn xò.


Kỷ lục chưa từng có trong bảo tồn cứu hộ hổ tại Việt Nam

Suốt quá trình nhập vai, chúng tôi thường trực với câu hỏi không dễ trả lời nổi. Rằng, việc Lương, Mạnh và các đường dây buôn bán kiểu đủ mặt hàng quái dị kiểu trên, không quá khó để xâm nhập, vậy mà không hiểu sao cơ quan chức năng vẫn nói là họ đang bất lực? Làng nuôi hổ, các đường dây buôn hổ vẫn thi thoảng bị bắt với tang vật là vàng ruộm các “ngài” chúa sơn lâm, thế tại sao các “làng nuôi hổ” với dòng chảy hổ con về, hổ lớn xuất chuồng đi khắp nơi, sao khó triệt phá vậy?

Trước tình trạng đó, cuối tháng 4/2021, PV Dân Việt tiếp tục đi “tố cáo” và đề nghị công an địa phương vào cuộc.

Đầu tháng 8 này, đồng chí Thượng tá Trần Phúc Thịnh, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra Tội phạm về Môi trường, Công an tỉnh Nghệ An hào hứng gọi điện thông báo cho tôi từ hiện trường: vừa bắt được hai đối tượng với tang vật là 7 con hổ con (xem ảnh) đích thị tại địa bàn huyện Diễn Châu. Như trên đã viết, các đối tượng vận chuyển 7 “chúa sơn lâm” là Trần Trung Hiếu và Nguyễn Văn Lai (ngụ tại Hương Sơn, Hà Tĩnh) còn manh động đến mức lùi xe tông thẳng vào xe công an hòng tẩu thoát. Mỗi con hổ chỉ vài tháng tuổi, mới chỉ nặng 3-5kg/con, lập tức được đưa đi cứu hộ.

Tối cùng ngày, “tóm” tiếp trùm tên Hùng ở Diễn Châu, với 4 cá thể tê tê đang sống, đem đi cứu hộ, “chủ” tra tay vào còng, đưa về Trụ sở Công an để điều tra mở rộng.

Tiếp đó, rạng sáng hôm qua, ngày 4/8/2021, từ nguồn tin điều tra “ăn sâu bám rễ” của chúng tôi, Công an Nghệ An đã huy động hàng trăm cán bộ chiến sỹ, sau quá trình hóa trang điều tra công phu, đã quyết liệt thu giữ 17 cá thể hổ trưởng thành khác tại 2 “hang hổ” xã Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Hổ bị nuôi nhốt trái phép trong điều kiện nhẫn tâm, có cá thể lên tới vài tạ (theo nguồn tin riêng trước đó của chúng tôi, vì COVID-19 nên không thể xuất hàng, hổ càng ngày càng… to béo). Liên tiếp trong một hai ngày, bắt tới 24 cá thể hổ cả lớn lẫn bé, Nghệ An và giới bảo tồn Việt Nam đang gặp một “khủng hoảng” cứu hộ hổ với các kỉ lục chưa từng có. Đơn vị nào sẽ nuôi đàn hổ này (và có thể còn nhiều nữa) khi có nhu cầu cứu hộ? 7 chú hổ con được gửi lên VQG Pù Mát đã khiến các chuyên gia lao đao, vì họ đâu có chuyên môn sâu nuôi hổ, mai kia chúng lớn sẽ phải làm sao, hổ nuôi nhốt sinh sản (cả đời chưa ra rừng bao giờ) này làm sao có được tập tính hoang dã của tổ tiên chúng để tái thả về rừng? Đàn hổ 17 con hôm 4/8/2021 từ Đô Thành này cũng sẽ đi về đâu? Gửi cho các khu nuôi nhốt kiểu tư nhân, liệu có được sự minh bạch không?

Theo các chuyên gia bảo tồn hàng đầu Việt Nam, các chuyên án trên đang giữ “kỷ lục Việt Nam” về bắt giữ các đường dây nuôi nhốt, vận chuyển, buôn bán hổ trái phép, cũng như trong cứu hộ hổ. Với chúng tôi, đây là kỉ lục chưa từng có trong nghề làm báo điều tra và phối hợp với các cơ quan sức mạnh tử tế khác để giải quyết vấn đề bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ mái nhà chung trái đất. Bảo vệ các giá trị tốt đẹp chung của nhân loại tiến bộ.
 

Bài 3:
Xuống chợ phiên, buôn thú rừng với các “má hồng”

Đã qua rồi cái thời người Thái, người Mông hồn nhiên dựng cột và đặt mũi khoan cổ xưa của mình bên bờ suối để chế tác nòng súng kíp. Vào rừng bắn con nai, cõng “nạn nhân” về - như bại tướng cõng đồng đội tử thương - chia cho dân bản mỗi người một miếng của san hào. Giờ là thời điểm mà các quy định luật pháp về bảo tồn rất chặt chẽ, súng tự chế được “vận động giao nộp” cho nhà nước triệt để, ai bắt con chim trời, săn con thú hoang đều là sai hết. Bế con tê tê hiền như cục đất từ rừng về có thể bị khởi tố hình sự; bắn con voọc xám làm món giả cầy có thể khiến năm tráng đinh của xã Tam Quang, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cùng ra vành móng ngựa và đi ở tù.

Nhưng, phàm cái gì khan hiếm thì càng đắt đỏ, vì lợi nhuận cao, bất chấp tất cả. Không tin, mời xem chúng tôi xuống một chợ phiên xúng xính.
 
3

Các ông bà trùm phức tạp ở chợ phiên “đơn giản”

Các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn của miền Tây xứ Nghệ. Hỏi nhà hàng thì bảo không có thú rừng đâu. Đặt hàng thì con gì cũng có. Mà phải mối quen nhé. Lúc đem đồ ăn ra, thì cũng chỉ là các miếng đã xào nấu, áp chảo, nướng vàng, còn lẩu lâu nữa chửa giám định nổi nó là thịt xương của con gì. Bếp làm thế nào thì giấu diếm kĩ, thực khách tuyệt đối không được bén mảng.

Chợ phiên bán sóc, cầy, dúi, lợn rừng. Con sống có, con thui vàng nhia răng cũng có. Cả một chợ ếch nhái nhảy chồm chồm. Sóc các loại bị dính bẫy nhốt trong lồng, cô chú ta trồi trổ hòng tẩu thoát, bị nan lồng sắt đâm, mặt mũi toe toét máu, khiến mấy khách nhậu cứ khoái chí kêu là sóc mõm đỏ. Gà rừng chết xã xượi bán xanh đỏ tím vàng. Gà lôi chân đỏ tươi như cục tiết nằm thuồi luồi, cựa sắc như thanh kiếm nhỏ trắng ngà. Dọc quốc lộ, bà con bày đủ loại chuột núi vừa đi săn về. Thi thoảng có vài con cầy hoa quả đã thui rơm đen nhẻm. Dúi thì có khi bán một dãy lốc nhốc, mỗi lồng sắt to bằng cái bánh chưng vuông nhốt một chú, cả dãy cao ngất như bức tường. Trên hội nhóm kín ở mạng xã hội facebook, zalo, họ có cả hội đi săn chồn đèn, chồn bạc má các loại. Bán bẫy, giao dịch tưng bừng, toàn video bắt cầy, chồn tàn ác và giết thịt hỉ hả.

Tuy nhiên, để mà “xử nghiêm” được những hành vi trên không dễ. Bởi, hầu hết kiểm lâm, công an không “để mắt” nhiều tới việc bán các con vật rừng kiểu sóc, cầy, dúi, chồn, gà rừng, gà lôi… Vì, đúng là mới đây chúng ta có quy định về việc xử lý các
vi phạm liên quan đến động vật rừng thông thường thật, mức phạt có thể lên tới hàng tỷ đồng và án tù lên tới mười mấy năm. Song, những kẻ bán lẻ tẻ thì chắc là chỉ… xử lý hành chính thôi. Thành ra, luật chưa đủ sức răn đe. Nên cả người đi xử lý và người vi phạm nhiều khi cứ “lờ” đi một cách bất thành văn.

Dần dà, sự “tồn tại ngang nhiên” của các trò giết chóc thiên nhiên vi phạm luật kia đã khiến nhiều người nghĩ đó không phải là vi phạm nữa.

Quan trọng hơn, khi mà chúng tôi đi các buổi chợ phiên thấy bán tràn ngập cầy, dúi, sóc, gà rừng, gà lôi, chim trời các loại như thế thì nó đã vô hình hay hữu ý trở thành “địa chỉ tin cậy” cho người bán và người mua các loại thú rừng rủ nhau đến “ủ mưu”, “giao dịch”. Từ đó, họ lén lút buôn bán những con quý hiếm hơn, đắt đỏ hơn, được bảo vệ nghiêm cẩn hơn. Và lãi lờ cao hơn. Ví dụ, ở chợ phiên Tam Thái (ven Quốc lộ 7, thuộc xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) thì ngoài các dãy bán “động vật rừng thông thường”, nhiều đối tượng đã tiến một bước nguy hiểm hơn đến lĩnh vực buôn thú rừng quý hiếm săn bắt ở Việt Nam và nhập lậu từ Lào về.

Họ biến các sạp tạp hóa, các kệ bán thú rừng thông thường thành “đại lý” giao dịch. Ai đến mua các loài trên (đã là phạm luật một cách trắng trợn) đều hỏi có các con quý hơn không (và “vi phạm” ở mức cao hơn!). Nhiều chủ hàng leo lẻo nói về có bán “hàng cấm, hàng trong danh sách đỏ”, phải chờ đến khi chợ phiên bớt đông mới dám mang ra. Kẻo  công an với kiểm lâm họ đến bắt. Chúng tôi chứng kiến những người đi thu tiền của người đi chợ (như kiểu vé chợ), họ thấy “hàng rừng” bán la liệt, song vẫn thản nhiên gặp từng người thu phí mà không ý kiến gì. “Chuyện nào đi chuyện nấy”, chắc họ nghĩ thế.

Cách đây mấy năm, một chủ tiệm “Tạp hóa” là Trần Gia Ngũ, nhà đối diện UBND xã, kề ngay chợ phiên Tam Thái, đã bị công an ập vào bắt giữ với tang vật là 3 tủ đông chứa gần 500kg thịt động vật rừng, trong đó có khoảng 50 con khỉ hoang dã hầu hết đã bị giết nằm như thây người, vài con đang cầm tù chờ lên thớt. Công an và chính quyền địa phương phải dùng máy cẩu mới khênh được các tủ đông khổng lồ ấy đi xử lý.
Đó chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm”, nơi có các “ông chủ” lái xe bán tải đời mới sang Lào “cõng” thú hoang về, các nhóm người đầu tư mọi thứ cho thợ săn tấn công vào rừng già.
 
3 1
 
Những “tiểu thương” nhốt cả một “vườn thú” trong… tủ đông

Để chứng minh cho nhận định này, vừa qua, nhóm PV đã dày công theo dõi một đối tượng tên Tím ở chợ Tam Thái. Cô này má phấn môi son, là người dân tộc Thái, từng bị “tóm” vì buôn nhiều loài thú quý hiếm. Giờ vẫn ngựa quen đường cũ.

Chúng tôi tiếp cận, Tím đề phòng một cách tinh ranh. Dù hứa giao dịch qua gặp mặt trực tiếp rồi, nhưng zalo của nàng thoắt kết bạn với chúng tôi rồi lại chặn ngay. Lúc nào cũng bảo: anh là nhà báo phải không, chị là công an hay kiểm lâm à? Tuy nhiên, vừa thấy cái lợi nhỏ, lập tức, Tím thui cầy, chồn, gửi một lúc 6 mặt hàng cho khách chọn. Có lần đang ngồi tỉ tê. Tôi đã bịt khẩu trang kín bưng với lý do phòng dịch COVID-19, vì sợ Tím nhận ra mình là nhà báo (vì tôi cũng hay xuất hiện trên truyền thông). Tuy nhiên, đang ngồi xem thịt lợn rừng cả đùi, lông lá, to đoành; cả thịt chồn, cầy rừng với bao nhiêu “hàng cấm” khác ở trong… gậm bàn. Thì bỗng dưng Tím hô to: “Cất ngay, bọn nhà báo nó đến kìa”.

Tôi tái mặt, chắc nàng má hồng ấy nhận ra mình rồi. Bên kia, cô bé má hây hây, eo thon áo chẽn xứ Thái vẫn lỏn lẻn mỉm cười - vừa lật sấp lật ngửa lũ cầy, dúi đã thui vàng; vừa tâm sự với khách. Nàng khẽ cường làm duyên khí thấy  một gã vác cả Gimbal (chân máy chống rung khi cầm thiết bị quay trên tay và di chuyển), vác cả máy ảnh với ống kính hoành tráng đang săm soi.

… Tôi chưa kịp định thần, thì Tím đã vác đùi lợn rừng, khúc gì như sơn dương, mấy tảng của các loại cầy hoa quả và chồn gấu (tên địa phương) - mỗi con to cả chục ký lô sau khi giết mổ làm sạch - đem giấu kĩ trong sàn đất gầm tủ. Hiệu tạp hóa của Tím khá to. Tôi nhìn ra, tay cầm máy quay vẫn lia cô em xinh đẹp bán dúi thui vàng. Nó lia sang phía Tím. Tím quay mặt đi, nín thở nhìn tôi, “em sợ bọn nhà báo lắm”…

“Đi lại” mãi, Tím mới tĩnh tâm lại. “Em là dân chuyên nghiệp rồi. Chuyên buôn bán đồ rừng mà. Nhìn mặt thì biết chứ gì. Hàng của em là hàng xịn, nếu sai cứ vào nhà em mà đốt. Vì em lấy từ thợ săn, vận chuyển đi bán khắp nơi. Em bị bắt nhiều rồi, nên hơi đề phòng thôi. Vả lại dạo này đang bị kiểm lâm với công an “làm căng”.

Tin tôi buổi sáng, chiều Tím lại chặn zalo, gọi điện thì bảo em chỉ bán cá suối thôi sao anh điều tra về em. Lại thêm hàng xóm cũng bảo, “mày tin làm gì cái bọn đó”, thế là Tím tuyệt giao với chúng tôi cả tháng. Có lần cô nàng thách thức: “To gan lắm, dám lừa để điều tra về tôi hả”. Ít lâu sau, thấy chúng tôi không “bắt bớ kiểm tra” gì, Tím lại kết bạn và lại ngọt nhạt chào đủ thứ hàng rừng. Cầy cáo thu cả một sân ngót chục con, chuyển đi khắp nơi.

Tím bận với chợ phiên, nên đã nhờ người đưa chúng tôi vào nhà Tím xem “hàng rừng nguyên con”. Quả là những cảnh mà đời làm báo hiếm khi phải gặp lại. Anh chồng người dân tộc Thái của Tím rất hiền lành, tuy nhiên sau nhiều lần bị sờ gáy và nghe nói bị phạt rất nặng… (và rất tốn kém tiền “ngoại giao”), thành thử anh ta cũng đề phòng cao độ. Ngó biển số xe ô tô. Gọi điện cho vợ hỏi kĩ có phải “em” vừa trông hàng ngoài chợ phiên vừa điều khách vào nhà xem đồ rừng trong tủ đông không? Cho chúng nó xem “con” gì?

Anh chồng của Tím ăn mặc lôi thôi, áo quần sờn rách, trước trán đeo một cái đèn pin rẻ tiền cỡ to. Trời nắng chang chang giữa chính ngọ, đèn pin bật cứ như anh ta nghĩ lúc đó là 12 giờ đêm. Hỏi, anh làm gì mà đeo đèn pin giữa ban ngày? À, có chục con dúi vừa mua, tôi nhốt trong cái lồng to, cho nó ăn măng và lá cây gì ấy. Mở ra cho ăn thì chúng nó cắn đứt hết nan tre chạy khắp nơi, vào góc buồng, vào chuồng lợn, rúc tít trong gậm giường. Thế là phải đeo đèn đi tìm. “Gớm, thế này em Tím về, em ấy “lột da” bác!”. Anh chồng cười hiền. “Mai thợ săn nó lại mang ra bán, nhiều lắm. Con này mua tận gốc, họ đào bắt trong rừng được, cũng rẻ”.

Nói rồi, anh dẫn chúng tôi đi sang khu nhà bên cạnh. Thủ đoạn các đối tượng giống hệt nhau. Phân tán hàng rừng tới các căn nhà khác nhau, để phòng bị bắt thì cũng không… trắng tay cùng lúc; và bị bắt với số lượng nhỏ hơn thì mức án hoặc mức phạt cũng nhẹ hơn. Mỗi nơi, Tím để một ít “hàng con”. Tôi mở một tủ đông dài. Vác ra một con vật nặng đến hơn chục cân. Trơn truội, cứng quèo. Lạnh buốt. Tôi lót nilon đặt “em bé” xuống sàn nhà. Bức ảnh tôi chụp vào khoảnh khắc đó thật ám ảnh, ít ra là với người bấm máy. Con cầy hoa quả, hoặc dân địa phương gọi là cầy (chồn) gấu, hoặc gì đó - thợ săn, dân buôn, dân nhậu, họ không là nhà động vật học nên gọi rất bừa. Đủ các loài cầy, cầy hương hay cầy mực, cứ gọi tất là chồn.

Con vật to, nằm ôm chân ôm tay như một bào thai trong bụng mẹ. Nhưng nó to và nặng tới cả chục cân. Bên cạnh là vô thiên lủng thú hoang bị giết, có con vỡ toang cơ thể vì đạn súng săn, có con bị nứt toác do thui rơm cẩu thả. Chúng tôi vừa nấn ná trả giá giả vờ thì đã có khách đến lấy. Lưu lượng hàng trôi qua các tủ đông, các sàn giết mổ nhà Tím khá lớn.

Bên cạnh nhà Tím là nhà bà Hường. Bà Hường buôn còn ác liệt hơn Tím. Tiếp tục “nằm vùng”, chúng tôi liên tục nhận được hình ảnh, các lời mời đặt cọc, ngay trong năm 2021, “họ bắn được con voọc 9 cân, chú có lấy không” (xã bên, cùng huyện, 5 đối tượng ra tòa vì bắn 2 con voọc, một gã 4 năm, một gã 3 năm đi ở tù, song dường như họ không sợ); “trên bản họ bắn được hai con khỉ hơi nhỏ, con 7 kg, con 6 kg. Họ vẫn phần đấy, chú lấy thì chị chuyển ngay, đủ chục con khỉ là nấu được nồi cao”. “Chị có 6 con cầy hoa quả, cầy gấu, con to 10 kg, con bé 4 kg. Nếu lấy tối nay chị gửi hàng”. Liên tục liên tục các chuyến đi săn và hàng rừng về ào ào, chỉ hai ba tin nhắn và hai ba lần thu hồi tin nhắn, chúng tôi thử gọi lại thì hàng đã được “next” (bán) đi rồi.
 

Bài 4:
Trong thế giới lộn ngược của các “sát thủ rừng xanh”

Các “sát thủ rừng xanh” với một thế giới có gì đó “lộn ngược” theo nghĩa xót xa nhất. Bất chấp đạo đức và luật pháp, họ tàn sát muôn thú đến mức Kiểm lâm VQG Pù Mát vào rừng gặp các lán thợ săn và la liệt “như những sọ người”.

Vì khỉ, voọc, vượn bị giết nhiều, bao năm xương, sọ cứ lóp nọ đè lớp kia. Có khi họ bắn cả đàn khỉ hoang, moi ruột nướng ăn, còn xác khỉ thì bỏ vào bao tải, ném gói thuốc “rã thịt” vào. Ngâm xuống suốt, rồi đi săn tiếp. Vài hôm sau quay lại, lũ khi biến thành bao tải xương sạch bóng. Bán cho người ta nấu cao.

Một thợ săn xã Tam Thái trực tiếp kể với chúng tôi, họ bạt đầu khỉ, bất chấp nó lại lục van xin, rồi cứ thế múc óc ăn sống để...”chữa bệnh hen”. Các “vựa buôn thú” chỉ nghĩ cách “chạy chọt” và ủ mưu gom thật nhiều xác thú rừng, bất kể khi làm lông khỉ voọc xong, trông cứ y như các xác người nằm sấp. Tại “lò mổ thú hoang” của Trần Gia Ng. ở Tương Dương, khi phá án, công an phải mang máy cẩu vào cẩu 3 cái tủ đông với 500kg thịt thú rừng đi, trong đó có hơn 50 con khỉ bị giết như thây người.

Phải chăng họ đã nhìn các giá trị cuộc sống “lộn ngược” so với phần còn lại của thế giới? Viêng Văn Hằng (xa Tam Quang) đi tù vì bắn voọc, chúng tôi đến thăm, vợ Hằng (mới 14 tuổi), bế con ra, khóc kể về món thịt khỉ luộc lên ăn mỗi lần chồng đi săn. Nếu không sợ quá lời, có thể nói đó là một sự mông muội đáng trách.

Lỗi là do tất cả chúng ta!
 
4

“Núi” vi phạm trưng ra Quốc lộ và bày giữa chợ phiên

Nhìn lại cả một quá trình, với các tài liệu điều tra "ăn sâu bám rễ" của chúng tôi. Có thể thấy: các "chợ phiên" (và mặt trái của nó) bán thú rừng thông thường cần phải được dẹp bỏ, xử lý nghiêm. Bởi, bảo vệ đa dạng sinh học là bảo vệ cả chuỗi sinh thái có quan hệ tương hỗ sống còn với nhau. Đừng nghĩ con này chưa trầm trọng ("mức án" khi vi phạm chưa nặng) như con voọc, con sơn dương hay con tê tê thì… bỏ qua. Thực tế, nhiều con vật hiện nay được bảo vệ đặc biệt (buôn 1 cá thể đã xử lý hình sự) như tê tê. Bao năm trước, chúng là loài bị buôn bán giết hại nhiều bậc nhất trong các loài ở Việt Nam, người ta bắt được rồi hóa giá (tức là giết thịt) hàng xe tải một lúc. Đến giờ, nhờ sự đấu tranh của những người tâm huyết và các tổ chức bảo tồn quốc tế, chúng đã được "nâng tầm bảo vệ". Cho nên, các loài đang "công khai" bán ngoài chợ phiên như ở bài trước mô tả, chúng sẽ trở thành loài đặc biệt và đi vào "Sách đỏ" trong nay mai cũng là dễ hiểu. Nếu không bảo vệ từ bây giờ, theo đúng quy định luật pháp của ta, thì e rằng tất cả sẽ là… quá muộn.
Chúng ta có Luật, có công ước, đặc biệt có Chỉ thị của Thủ tướng về việc này, ai không làm đúng chức phận, cũng cần bị xử lý nghiêm. Việc này là cấp thiết.
Thủ đoạn “biến thể như virus” của thế giới “hàng con”

Tất nhiên, nhiều khi, sự ra quân chưa quyết liệt như cần phải có, thì các đối tượng vẫn "an toàn" dưới các mánh khóe, vỏ bọc khá tinh vi hiện nay.
Xin được phân tích.
Chúng tôi đã theo Tím về nhà cô taở xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An (như đã mô tả ở bài trước). Lại theo bà Hường, hàng xóm nhà Tím, về với các tủ đông la liệt thú rừng cứng quèo phủ tuyết trắng. Họ đều tiết lộ: hàng "các đối tượng" đi ô tô lấy bên Lào về, rất nhiều. Hàng thợ săn khiêng thứ rừng già ra để bán.
Các tố cáo liên tục gửi đến Vườn Quốc gia Pù Mát và nhóm PV Điều tra Dân Việt, đều cho thấy nội dung khá giống nhau: các "trùm"sau khi có hàng, luôn gửi ở nhiều gia đình tại các bản làng khác nhau để tránh bị bắt giữ quy mô lớn. Bắt giữ nhỏ lẻ một cái đùi nai, một cái đầu sơn dương hay vài con cầy cáo thì thường… cơ quan chức năng ngại làm. Vì phạt hành chính sẽ như phủi bụi so với siêu lợi nhuận từ các đường dây này. Trước đó, các lái buôn đi chợ bên Lào, gom hàng đủ, chở trong xe đông lạnh lớn (trà trộn trong hàng hóa), hoặc có "quan hệ đặc biệt" đi riêng một chuyến bằng xe bán tải.
Vào tháng 10/2020, vụ bắt giữ Nguyễn Cảnh Hiếu (SN 1972, xã Mông Sơn) trên địa bàn huyện Con Cuông với 50kg thú hoang gồm mèo rừng, nhím, cầy.. là ví dụ cụ thể. Hiếu cũng đi xe bán tải kiểu này. Thường thì, từ bên kia biên giới về, chúng dùng chăn, chiếu, bao tải cuốn "hàng rừng" vào để tránh bị phát hiện. Chúng cũng thuê người khiêng theo "đường tiểu ngạch" trong đêm. Người bản địa tham gia chở hàng rừng, tiết lộ với nhóm PV: thường họ đi chở măng khô, mọc nhĩ qua trạm gác nhiều lần để cơ quan kiểm soát quen mặt đã, khi nào an toàn, lễ lạt, tết nhất, đêm khuya vắng mới đi hàng rừng….
Tinh vi hơn, các đối tượng "trùm sò" tố cáo triệt hạ lẫn nhau để giành lãnh địa. Có người 3 lần đi tìm lực lượng kiểm lâm để tố cáo. Chúng tôi và lãnh đạo VQG Pù Mát vào cuộc, thì họ giăng một thiên la địa võng theo dõi ngược lại. Yêu cầu xe chúng tôi phải dừng ở đâu, người của họ đứng ở đâu để họ đón, số người còn lại và xe của chúng tôi phải đi chỗ khác. Lúc ngồi quán cà phê thì chúng tôi cầm điện thoại ở tay, từ nhà sàn cách đó cả trăm mét họ vẫn dùng ống nhòm nhìn thấy và đề nghị "các anh phải cất điện thoại".
Chúng tôi gọi món gì, anh ta cũng nhắn tin mô tả, khiến ai đó lạnh gáy kiểu như mình đang là nhân vật sắp bị bắn tỉa với một tay súng trong… phim hành động Mỹ vậy. Các đối tượng lập những nhóm kín trên mạng xã hội, giao dịch tinh vi, tiền chuyển khoản cho số tài khoản không phải của "chủ hàng", lúc giao cũng bịt mặt, đứng ở ngã ba đường và người giao thì chỉ là shiper chưa ai hỏi đã leo lẻo "chúng tôi vô tội", "chúng tôi không biết gì cả". (Chúng tôi đã "dẫn đường" để Công an tỉnh Nghệ An vào tận hiện trường khu vực này lập chuyên án).
Đem hàng về nội địa, họ tiếp tục phân tán, cất giấu ở rất nhiều tủ đông khác nhau. Khi có dấu hiệu bị điều tra, lại xé lẻ ra thêm nữa. Thậm chí ném tất ra sân, ra vườn, coi như con chó, con bò thui rơm ai đó vứt bỏ lăn lóc. Kể cả nó là con hổ, con nai rừng thì tôi cũng chẳng biết ai vứt ở đó, nó "nỏ" (không) phải là của tôi. Chả ai làm gì được. Khi các nhóm thợ săn đi rừng về, ra đến khu có sóng điện thoại là họ gọi cho các đầu nậu, ai mua là nửa đêm ship đến tận nhà..
Thường thì hàng rừng đến nhà buôn hoặc bàn ăn của người tiêu dùng, nó phải qua bốn cấp mua đi bán lại. Thợ săn được đầu nậu thu gom chăm sóc, đặt hàng, thậm chí đầu tư tiền, gạo nước, súng ống và cả sự "bảo kê". Khi có "hàng rừng" là đại lý cấp 1 tại thôn bản hoặc tại xã này gom lại, giết mổ, chụp ảnh, "báo cáo" với các đại lý, các chủ đường dây "chân rết". Cấp nào "có cửa" của cấp ấy, dù muốn cũng không dám qua mặt nhau.
Vận chuyển hàng ra khỏi địa bàn, trước đây có một số nhà xe (như xe Tr.Tr) vô tư nhận thùng xốp đông lạnh. Họ nghĩ là họ vô tội vì "tôi là shiper". Song, gần đây, cơ quan chức năng "xiết" quản lý các nhà xe chở khách bắt đầu biết sợ. Chủ buôn tiết lộ: một số nhà xe bắt đầu đồng ý vận chuyển các con vật "thông thường" hơn như lợn rừng, dúi rừng, cầy cáo, chứ không dám vận chuyển voọc, sơn dương, tê tê hay gấu, hổ... Tuy nhiên, với các "xe riêng", "vận chuyển hàng đắt tiền cho người tin tưởng" ai đặt cái gì đều có cái đó. (Các phân tích trên, chúng tôi có được là do xâm nhập, ghi hình, ghi âm, điều tra kĩ, có video kèm theo).
Kế hoạch “xử đẹp” người đặt hàng bị nghi là “dzich”
Bên cạnh nhà Tím là nhà bà Hường với các tủ đông vô số hàng rừng các loại. Có lần, một nhà hàng ở thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) đặt vài loại thú rừng. Con bà dùng xe máy chở gần ba chục cân cho họ. Dọc đường bị công an bắt với tang vật là 15kg. “May mà 15kg khác, con chị đã nhanh trí vứt ra ngoài rệ sông Lam”, bà này kể. Con bà bị goi hỏi lấy lời khai nhiều. Sau đó, vì đoán là nhà hàng kia đã “thông đồng” (dzich) với cơ quan chức năng để chơi đểu nên con bà Hường bèn gọi một nhóm bạn là dân xã hội chạy xe khách đường dài để tính chuyện “xử đẹp”. Chúng tôi (nhà báo hóa trang) và nhiều người lăn xả vào khuyên răn, nên trọng án?” đã không xảy ra.
 
4 1

Trước khi bạt chỏm đầu, múc óc khỉ ăn, nó cứ lạy em mãi

Muốn biết các chủ buôn trong khu vực cửa rừng già này làm ăn to thế nào, xin hãy nghe lại chuyện về ông Trần Gia Ng., SN 1956 và là chủ hiệu "Tạp hóa"(láng giềng của Tím và bà Hường) ở bản Lủng (gần như đối diện với UNBD xã Tam Thái). Khi cơ quan chức năng ập vào kiểm tra đã thu giữ tới nửa tấn thịt động vật hoang dã ở thời điểm kiểm tra.
Xin thưa, với thủ đoạn xé lẻ hàng, giấu trong các tủ đông rải rác ở nhiều thôn bản, với sự trầy bửa vi phạm nhiều lần và tái phạm liên tục của các đối tượng, thử hỏi: lượng hàng mà ông Ng. và Tím, rồi bà Hường ("các sát thủ rừng xanh") buôn một tháng là… bao nhiêu? Tài liệu của công an ghi rõ: kiểm tra tủ trong cơ sở kinh doanh tạp hóa nhà ông Ngũ, có 51 con khỉ (!) đã bị giết thịt, 2 con khỉ sống chờ hành quyết; 12 con cầy, trong đó 4 cầy bay đặc biệt quý hiếm, 1 con mèo rừng và nhiều đầu, chân lợn rừng. Nhiều nguồn tin uy tín khẳng định, ông Ng. giờ vẫn ngựa quen đường cũ, y như Tím và bà Hường.
Một số thợ săn, khi tiếp xúc với chúng tôi, cho xem súng săn tự chế, tiết lộ cách mua súng săn hiện đại qua mạng xã hội và vận chuyển xe khách đến tận nhà. Họ kể, đi săn cả báo, beo, nai, hươu, voọc, khỉ, mèo rừng, lợn rừng. Họ rình ngược lại cơ quan chức năng, cho người canh gác, ngửi mùi khói nấu nướng, xem độ đục của nước suối để phát hiện các lực lượng tuần tra bảo vệ rừng. Thợ săn đi cả tuần trong rừng, khiêng gấu về bán vài chục triệu; con beo lửa bán bốn chục triệu đồng cho đầu nậu. Có khi, họ tin mù quáng vào khả năng trị bệnh và bổ béo của óc con khỉ đang sống, ăn sống. Ở trong rừng, bắt khỉ, họ chặt bay chỏm xương sọ khỉ rồi múc óc ăn. "Con khỉ nó chắp tay lạy mãi, em tháo bẫy định thả nó. Song thằng bạn bảo, phải ăn, để nó chữa hen (?). Thế là, nó dìm chết con khỉ xuống suối, rồi chặt bay mảng đầu. Em với nó ăn", Q. - một thợ săn, gia đình chuyên cung cấp hàng rừng, kể trong cuộc mời chúng tôi đến nhà xem hàng và nhậu nhoẹt ở xã Tam Thái.
"Nhiều loài, bọn em chán không ăn, cũng chả có sức mà mang về, nướng ăn vài miếng rồi vứt bỏ. Có lần cõng hai ngày mới đem được con gấu, cõng 4 ngày mới mang được con beo (vài chục ký lô) về bán. Anh mà đi săn như bọn em, đi nhiều ngày, qua nhiều dãy núi, đi giáp biên giới Việt - Lào, đi trong mưa rừng kinh khủng. Thì anh sẽ hiểu bọn em vứt bỏ hết những con thú dính bẫy mà bán được ít tiền ra sao", thợ săn kể.
Liên tục các cuộc bắt, xử lý, tịch thu hàng, nói thật, các chủ buôn chẳng giàu có gì. Họ là "sát thủ rừng xanh" thật sự, dù trực tiếp hay gián tiếp. Những ngôi nhà như vườn thú, có điều con vật nào nằm trong tủ đông chờ… lên mâm hoặc vào vạc lửa nấu cao. Thợ săn đi rừng và bị xử tù vì sự ra quân nghiêm khắc của các lực lượng tuần rừng thế hệ mới.
Cùng anh Hoàng Hữu Sơn, kiểm lâm VQG đến bản Liên Hương, xã Tam Quang, huyện Tương Dương, thăm gia đình hai đối tượng bắn voọc xám và đi tù cách đây chưa lâu, thấy vợ con họ nheo nhóc đến đắng lòng. Viêng Văn Hằng, trụ cột gia đình, lĩnh án 4 năm tù vì bắn voọc, để lại cô vợ dại mới 14 tuổi đầu và đứa con ẵm ngửa. Bố già nằm sống thực vật ở góc nhà sau tai biến. Tôi chụp bức ảnh mẹ Hằng bệnh tật run cầm cập ngồi bên bếp lửa leo lét, có con chó ảo não nhìn bâng quơ.
Các cụ bảo, ăn của rừng, rưng rưng nước mắt là vì thế!
Xin được đặt lại câu hỏi đầu bài: Lỗi này cho ai?

Bài cuối:

“Biệt đội giải cứu thú rừng” và những lá chắn thép!

Câu chuyện về một “cung đường thú hoang” với những đường dây phi pháp dọc Quốc lộ 7 của tỉnh Nghệ An khá đặc biệt. Vẫn là một câu chuyện thực tế đôi khi quá khốc liệt ấy, nhưng nó có hai chiều kích mạnh mẽ của cảm xúc gần như đối nghịch. Một bên là bẫy bắt, giết chóc, nuôi nhốt trái phép thú quý hiếm; nấu cao, hổ sư tử và cao da tê giác khét tiếng. Các đường daya buôn bán thú rừng mưu ma chước quỷ. Một bên là các “biệt đội” do kiểm lâm VQG Pù Mát làm nhạc trưởng, ăn rừng ngủ thác cả nửa tháng ròng, giăng dây thừng kéo nhau qua nước lũ ngập đến cổ để giải cứu thú rừng. Và, không thể không nhắc đến những vị lãnh đạo huyện tổ chức hội nghị “nói không với thịt thú rừng”, rồi ảnh lớn với lời cam kết xúc động của các đồng chí đóng thành pano trang hoàng dựng ở ngã ba đường để lan tỏa lẽ sống nhân ái với thiên nhiên trong toàn thể bà con mình. Không thể không nói đến các điều tra viên lão luyện của lực lượng công an đã trở thành “tấm lá chắn thép” bảo vệ thú hoang, chặt đứt các đường dây tội phạm tinh vi nhất.

Toàn những chuyện “kỷ lục Việt Nam” ở trên cùng một miền rừng huyền thoại.
 
5

Bật khóc khi “hô hấp nhân tạo” cho đàn khỉ hoang

Miền Tây xứ Nghệ là kho báu thiên nhiên đã được ghi nhận và tôn vinh trên toàn cầu. Đây cũng là nơi duy nhất trong lịch sử Việt Nam mà người ta từng chụp được bức ảnh con hổ ở trạng thái hoàng toàn hoang dã “ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng” giữa đại ngàn Pù Mát. VQG Pù Mát rộng hơn 95.000ha, rộng thứ 3 trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Với sự màu mỡ đó, nơi đây đã từng là thủ phủ của các toán thợ săn khắp nơi dồn về. Từ năm 1998, khi chụp được bức ảnh hổ huyền thoại kia, hơn 20 năm trôi qua, người Việt Nam, kể cả giới nghiên cứu “ở rừng nhiều hơn ở nhà” cũng chưa từng ghi nhận được phân, nước thải hay dấu chân hổ nào ngoài hoang dã nữa. Mà có thời dài, bẫy ảnh (máy ảnh chuyên dụng để lâu ngày trong rừng, khi có thú hoang đi qua nó sẽ tự chụp bất kể ngày đêm), không chụp được thú quý, mà ghi lại toàn hình ảnh từng đoàn người vào rừng săn thú, phá rừng. Cá biệt, họ phá hủy, ăn trộm cả máy ảnh (‘bẫy ảnh”) của một dự án Châu Âu.

Ở bài trước, chúng tôi đã đưa ra những bức ảnh rợn người: toàn đầu lâu linh trưởng xếp hàng dài, xương các loại thú xếp đống ven các lán thợ săn “định cư” ở trong rừng thẳm. Các bức ảnh của đội “Anti Poaching” (Biệt đội giải cứu thú rừng, do Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam quản lý, “dẫn lối” là kiểm lâm VQP Pù Mát) đã đi tuần rừng với sự giám sát hành trình của các thiết bị hiện đại nhất thế giới. Họ chứng kiến các loài muông thú rên xiết và chết chóc trước bẫy và súng săn. Họ cấp tốc tìm cách cứu động vật rồi thậm chí ghi hình đưa lên fanpage “Cùng tôi bảo vệ rừng Pù Mát” để hiệu triệu điều tử tế cho các “linh hồn rừng”. Nhiều status (bài đăng) có tới hàng triệu lượt người quan tâm và bày tỏ cảm xúc. Những rông núi có đến hàng trăm cái bẫy thú, xếp thành thiên la địa võng kéo dài vài cây số. Thợ săn dọn cả lối đi trong rừng để dụ thú đi theo lối đó và sa chân vào bẫy. Họ dựng cả lán “vĩnh cửu” ở trong rừng già, để lần nào đi săn cũng “lập văn phòng đại diện” tạm trú ở đó. Công an vận động giao nộp súng tự chế, thì họ nộp khẩu cũ, khẩu hỏng cho có “số lượng”, rồi sắm sanh súng hiện đại, giấu trong rừng, đi săn về lại giấu ở lán. Súng có kính ngắm, đo khoảng cách từ nòng súng đến con thú một cách “tối tân”. Súng có ống ngắm hồng ngoại “điểm xạ” giết thú chẩn xác cả ban đêm.

Nếu xem những bức ảnh, video kèm bài viết này thì độc giả sẽ hiểu nỗi vất vả của đội giải cứu thú rừng. Đội mưa, vượt lũ, vắt cắn máu chảy lêu lao, lại vây bắt thợ săn máu lạnh với họng súng săn đen ngòm giữa rừng già cách đường xe máy vài ngày đi bộ. Họ đã bật khóc khi từng đàn khỉ hoang dính bẫy nằm thoi thóp, có chú được cứu sống thả lại hoang dã, có chú thiếp đi một giấc vĩnh cửu trên tay các “bảo mẫu” đeo đèn pin, giắt dao rừng và cõng mì tôm với nồi niêu lều bạt.

Cả Việt Nam, chỉ có đúng một đội Anti Poaching như vậy thôi. Các thành viên được công an huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An (nơi đặt trụ sở VQG Pù Mát, cũng là trụ sở của Đội) dạy võ thuật, được đi đến Cúc Phương - VQG đầu tiên của Việt Nam với trạm cứu hộ thú quý để học hỏi kĩ năng chăm sóc cứu hộ động vật và được truyền cảm hứng về tình yêu muôn loài với lý tưởng sống của người làm bảo tồn. Và, họ được trang bị các thiết bị hiện đại phục vụ việc quản lý báo cáo các hành trình/ điểm đến, các thông số - hình ảnh trong quá trình theo chân kiểm lâm đi tuần rừng dài ngày (không có sóng điện thoại, không internet, không đường xe cộ, không có khu dân cư). Đặc biệt, trong quá trình cứu hộ tê tê, đội còn được trang bị cả thiết bị bay không người lái nhập nguyên chiếc từ Úc, có thể phát sóng, dò sóng, theo dõi các cá thể tê tê sau tái thả chính xác đến từng xăng-ti-mét.
Giữa thảm cảnh buôn bán thú rừng tràn lan ở nhiều nơi, cùng với việc triệt phá các đường dây buôn bán sử dụng thịt thú rừng để tăng sức răn đe, cũng cần “giảm nguồn cung” từ các cánh rừng với sự lùng sục của thợ săn. Anh Lương Văn Kính, ngoài 40 tuổi, người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Anh Lương Văn Kính, suốt mấy chục năm đã tàn sát không biết bao nhiêu thú dữ, đặc biệt là các loài hiền lành mà “được giá” như vượn, voọc, khỉ. Có khi anh bắn con voọc mẹ chết, cả đàn con phủ phục xin chết theo. Thế rồi các tổ chức bảo tồn đến nghiên cứu và quyết định “cảm hóa” anh Kính, đem cái “tài” luồn rừng hiểu tập tính thiên nhiên và muông thú của anh ra để chống lại thợ săn trộm. Giữa đại ngàn, anh Kính chỉ cho chúng tôi cách băng rừng khi mà lũ lớn. Anh nhìn dòng suối đục “nhẹ” là biết phía trước có thợ săn trộm đang lập lán nấu ăn, ngửi mùi khói trong gió xa xôi đã hiểu là rừng này đang lắm thợ săn oanh tạc. Chỗ nào thú uống nước, chỗ nào lá cây bị lật trái ven các lối chuột chạy, tức là có thú lớn hoặc con người vừa đi qua. Nhờ các kĩ năng “ma rừng” ấy, mà nhiều vụ triệt phá các nhóm đặt bẫy, giết thú đã thành công, khiến anh Kính trở thành điển hình trên… cả nước.
 
5 1

Lập “danh sách đen” các sát thủ hoang thú rồi tìm cách… giác ngộ!

Trung tâm Bảo tồn Động vật Hoang dã Việt Nam (SVW) đã làm tất cả những gì có thể làm để bảo vệ bằng được hàng trăm nghìn héc-ta rừng màu mỡ, hoang thú đang dần hồi sinh đông đàn dài lũ của miền tây xứ Nghệ. Đóng giả dân chơi, bắt những con buôn thú rừng, đưa ra xét xử. Vào rừng sâu, bắt giữ thợ săn với tang vật là sơn dương, lợn rừng, sóc, khỉ, voọc xám, nhẹ thì phạt hành chính, nặng thì cùng lúc dăm bảy người đi ở tù. Dân buôn trên mạng xã hội, rao bán cái gì thì cán bộ nhảy vào đặt hàng cái đó, dụ đến chỗ giao hàng, phối hợp với kiểm lâm và công an “tóm” nốt. Các nhà hàng, cứ bán thú rừng là phạt từ 20 đến 50 triệu đồng, động vật hoang dã, dù con chim sẻ, con sóc chuột, cứ bắt giết nó là sai. Động vật quý hiếm thì khởi tố hình sự, một con tê tê bé nhỏ hiền lành bỏ vào túi rết xách đi bán, cũng có thể khiến kẻ vi phạm vào tù.

… Họ đã làm tất cả những gì có thể làm. Các loài vật được giải cứu, cá nào thể đủ điều kiện sức khỏe và không mang dịch bệnh thì thả về tự nhiên. Cá thể nào còn yếu, cần phục hồi sức khỏe và tập tính tự nhiên thì họ đem về lập cả các Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã (đặt ngay tại trung tâm VQG Pù Mát trên địa bàn). Gấu, vượn, tê tê, cầy gấu, kì đà hoa, rái cá, khỉ các loại. Và đầu tháng 8/2021 vừa rồi, 7 con khỉ nhỏ bị bắt khi vận chuyển qua huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) rồi tất cả những loài bị bẫy bắt, buôn bán, nuôi nhốt trái phép (bao năm qua) đã được đưa về đây để cứu hộ trước khi tái thả. Riêng số tê tê quý hiếm mà trung tâm thả về lại VQG Pù Mát đã là hơn 500 cá thể. Nhiều con được gắn chíp, theo dõi bằng máy bay không người lái nhập về từ Úc. Một kỉ lục thế giới.

Chưa hết, những người trẻ yêu rừng, bảo vệ thiên nhiên như một lẽ sống ấy còn đi đến tận cùng của vấn đề. Khi hóa trang điều tra về các đường dây buôn súng tự chế, đạn dược và thú rừng các loại. Họ lập “danh sách đen” các đối tượng thường xuyên buôn bán thú rừng từ Lào về Việt Nam hay trong nội địa liên tỉnh thành, rồi các “chủ tiệm tạp hóa” trá hình. Cuối cùng, thời gian qua, họ tổ chức tới 12 cái “hội thảo” đặc biệt. Cấp huyện, cấp xã, cấp thôn bản. Lập danh sách từng thợ săn, từng tay buôn thú rừng. Đến tận nơi tuyên truyền, mời đi nghe các cuộc phổ biến kiến thức về chống săn bắt buôn bán thú rừng, luật pháp nghiêm khắc với vấn đề này ra sao, sự nguy hiểm của tàng trữ sử dụng phi pháp vũ khí vật liệu nổ. thế nào “Ai thợ săn chúng tôi biết. Nếu anh ta trốn không tham gia thì tôi mời bố mẹ, vợ con anh ta tham gia rồi về nói lại. Khi chúng tôi đã tuyên truyền rồi, nhớ rồi, mà vẫn vào rừng bắn thú quý, thì đi ở tù dài năm, cũng đừng có khóc bảo tôi không biết”. Sau đó là “xử điểm”, có kẻ nửa đêm chở đầu lâu và tứ chi, thân mình sơn dương đi từ rừng ra, bị bắt và đi ở tù. Như dã viết ở bài trước, Viêng Văn Hằng và Viêng Văn Thủy, hai đối tượng ở bản Tùng Hương (huyện Tương Dương) đi tù với các mức án 4 năm và 3 năm vì bắn hai con voọc. Điều này đã thức tỉnh nhiều người dân và cực kì hiệu quả trong việc “dẹp loạn” cho các cánh rừng quý.

Từ tâm huyết đó, nên chắc chắn huyện Con Cuông đang giữ một “độc quyền” đáng xúc động ở Việt Nam: là thủ phủ đặt nhiệm sở của VQG, là “trái tim” của kho báu rừng và muông thú màu mỡ nhất Việt Nam, từng là nơi mà người viết bài này viết sách, viết giáo trình điều tra với chi tiết “mở tủ lạnh của nhà hàng ra đen kịt gần chục cái tay gấu”. Nhưng, đến nay, vào vai khảo sát toàn huyện, không quán ăn nhà hàng nào dám bán thịt thú rừng. Vì có sự ra quân thật sự của cơ quan hữu trách từ cấp cao nhất đến mỗi bản làng, tổ dân phố. Trong khi ở huyện Kỳ Sơn (cũng ven QL7) có thể đặt mua súng kíp, đạn súng săn và cả núi bẫy thú rừng (bày bán la liệt giữa chợ huyện!), thì ở Con Cuông, điều này đang là không thể. Các tín hiệu vui đó, khiến người ta nghĩ đơn giản rằng: khi mà bất kì ai có vài trăm nghìn đổ lên đều có thể đút tay túi quần vào quán gọi “một đĩa vi phạm” ra (thịt thú rừng), thì không có lý do gì cơ quan chức năng không xử lý nổi. Đội Anti Poaching và cán bộ các ban ngành, người dân Con Cuông đã làm theo điều đơn giản đó một cách thật thà.

Chúng tôi thật sự xúc động, khi mà trong cuộc họp tại hội trường lớn ở huyện, ảnh tuyên truyền về tàn sát thú hoang, về thiên nhiên Pù Mát phóng to, in đẹp, dựng san sát ngoài hiên để “cổ động”, bên trong, dù đeo khẩu trang ngừa COVID-19, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, đứng đầu các ngành công an, biên phòng, quân đội, phụ nữ, liên đoàn lao động cùng hứa “Nói không với thịt thú rừng”. Và ít hôm sau, pa nô hoành tráng mọc lên khắp các ngã ba ngã tư đường: in ảnh đồng chí cán bộ đứng đầu các ban ngành, người nào cũng đưa ra các slogan (khẩu hiệu, phương châm hành động) nói không với thịt thú rừng. Đơn giản, không còn người mua (người ăn) thì không còn kẻ giết thú.

Dựng pano, in ảnh và lời tuyên bố của “các sếp”: nói không với thịt thú rừng”

Lời cam kết in thành tờ rời của ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông khiến chúng tôi cảm kích: "Là lãnh đọa UBND huyện Con Cuông, tôi cùng tất cả công chức, viên chức trên địa bàn huyện từ chối sử dụng thịt và các sản phẩm từ động vật hoang dã trái phép để bảo vệ cộng đồng".

Thượng tá Nguyễn Văn Phương, chỉ trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện, chị Lữ Thị Khuyên, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện; rồi đại diện bên Công an, đoàn thanh niên, liên đoàn lao động huyện… - tất cả đều có in ảnh và lời cam kết “không sử dụng động vật hoang dã” của mình trên pano dựng ở ruộng lúa xanh mơ màng ven đường nhựa hoặc đầu cây cầu dây văng hiện đại nổi tiếng bắc qua sông Lam… Nhiều đại biểu nữ mặc áo cóm của người Thái miền Phủ Tương, nụ cười tỏa nắng trên pano lớn,  xinh ơi là xinh.

Tất nhiên, lá chắn trực tiếp nhất bảo vệ thiên nhiên (mái nhà chung của tất cả chúng ta) phải là các… bản án. Khi đạo đức không thể lên tiếng qua tự ngấm và tự răn sửa mình thì cần có chế tài đủ mạnh. Lực lượng tuần rừng ở trong vùng lõi, ăn mì tôm và sống như “người rừng” để bắt giữ xử lý từng thợ săn. Còn công an địa phương cũng quyết liệt không kém. Có huyện nào ở Việt Nam mà công an huyện dãy võ thuật cho cả biệt đội đi tuần rừng. Có nơi nào người dân năm lần bảy lượt đến trụ sở VQG gặp Giám đốc Vườn để tố cáo các đường dây buôn thú rừng xuyên quốc gia, xuyên tỉnh thành rồi trực tiếp dẫn chúng tôi đi điều tra, xử lý sai phạm?

Liên tiếp các chuyên án lớn của công an tỉnh, công an huyện làm nức lòng bà con Nghệ An và cả nước. Cả chuyên án phát hiện, cứu hộ, “triệt phá” các đường dây, giải cứu một lúc 17 con hổ mỗi con 2-3 tạ, vây ráp quyết liệt (còn bị chúng tông vào xe cảnh sát hòng bỏ chạy) bắt một xe chở 7 chú hổ con, cùng ngày bắt đối tượng buôn tê tê tra tay vào còng… - tất cả đều là công sức, mồ hôi, thậm chí cả sự đương đầu với hiểm nguy tính mạng của các chiến sỹ tuyến đầu khi đối mặt với các đối tượng khét tiếng manh động. Buôn thú rừng đem lại siêu lợi nhuận chỉ sau có ma túy, buôn vũ khí và buôn người, thế nên, đây là một cuộc chiến cam go và đôi khi cả khốc liệt.

Dầu vậy, các “lá chắn thép” đã được dựng lên, các vụ án giải cứu thú rừng chưa từng có trong lịch sử Việt Nam đã được thực thi, chúng ta có quyền tin vào sự lan tỏa của các nhân tố lạc quan và đáng cảm kích hiện nay. Để bức tranh xám và tối màu về nạn tàn sát buôn bán thú rừng hoang dã, quý hiếm kia có được nhưng gam màu xanh hy vọng. Vâng, sau cơn mưa, trời lại sáng. Sự phục hồi của rừng và muông thú, luôn được trời đất ban cho những sức mạnh nhiệm màu.
(hết)

Từ đầu năm 2021 đến nay, Công an tỉnh Nghệ An đã đấu tranh, bắt giữ 15 vụ, 22 đối tượng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực động vật hoang dã, xử lý hình sự 12 vụ, 19 đối tượng, thu giữ 3.600kg động vật/sản phẩm động vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.

Chỉ trong vài ngày liên tiếp đầu tháng 8 năm 2021: 4 cá thể tê tê và 24 cá thể hổ đã được giải cứu từ tay các con buôn và người nuôi nhốt trái phép, nhiều nguồn tin quan trọng trong số này là xuất phát từ nhóm điều tra, tố cáo độc lập của Báo Điện tử Dân Việt.

Ngày 29/1/2021, đối tượng Bùi Đình Quốc, SN 1985 vận chuyển 3 cá thể tê tê trên xe máy 38M1-121 đã bị công an Nghệ An bắt giữ bắt giữ.

Tại Nghệ An, ngày 12/11/2020, ông Phạm Đình Dũng (SN 1966), lái xe ô tô bán tải đi mua 8 con chồn và một con hoẵng về để làm đám cưới con, thì bị công an bắt giữ.

Đêm 22/11/2020, kiểm lâm cơ động VQG Pù Mát phát hiện 2 đối tượng La Văn Đức, Châu Văn Xin (đều SN 2000, dân xã Châu Khê, huyện Con Cuông) đang chở một bao tải dính nhiều máu. Đây là loài được bảo vệ đặc biệt, nhóm IB.

Ngày 15/10/2020, công an huyện Con Cuông bắt giữ xe bán tải BKS 37C-36498, do Nguyễn Cảnh Hiếu điều khiển , trên xe có 2 bao tải, chứa 4 cá thể nhím, 4 con cầy và 2 con mèo rừng.​​​​​​

Tác giả: Nhóm phóng viên báo Dân Việt

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây