Hành trình thành đạo diễn quốc tế xuất sắc của cô gái Tày

Chủ nhật - 13/03/2022 12:32
Khi sân khấu LHP tài liệu quốc tế Amsterdam (Hà Lan) xướng tên Hà Lệ Diễm, cô đang ở hàng cuối, ngỡ ngàng trước những ánh mắt hướng về phía mình.
Hà Lệ Diễm với trang phục dân tộc Tày trong một lần tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hà Lệ Diễm với trang phục dân tộc Tày trong một lần tác nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đó, Diễm cùng hai đạo diễn mới quen trốn khỏi hàng ghế đầu, mà không biết ban tổ chức đã âm thầm có ý đồ khi sắp xếp chỗ ngồi. Đây là liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới, đã qua 34 mùa trao giải, năm nay diễn ra vào cuối tháng 11/2021.

Đến hạng mục Đạo diễn xuất sắc, hình ảnh bộ phim Children Of The Mist (Những đứa trẻ trong sương) xuất hiện trên màn hình lớn. Hà Lệ Diễm ngây người.

"Mình không có sự chuẩn bị nào cho bất ngờ lớn đến thế", Diễm nhớ lại. Ở buổi lễ này, đa phần người xung quanh đều ăn mặc sang trọng, còn cô khoác ngoài một chiếc áo jean bình dân. Trên sân khấu, cô gái người Tày, 30 tuổi, đến từ Bắc Kạn, Việt Nam, cảm ơn chương trình đã cho cô cơ hội được đứng đây cùng với bộ phim mà cô theo đuổi bốn năm qua.

Hà Lệ Diễm được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế Amsterdam cuối tháng 11/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Hà Lệ Diễm được vinh danh Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim tài liệu Quốc tế Amsterdam cuối tháng 11/2021. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Lớn lên ở bản Bung, Bắc Kạn, từ nhỏ Lệ Diễm được ông nội vốn là một giáo viên cấp 1 cho đọc nhiều sách. Chiều tan học sớm, lũ trẻ vùng cao thường la cà sau chân cô bạn để được nghe kể chuyện. Cái tính thích kể chuyện đã ngấm vào máu Diễm, để rồi hết cấp 3 cô chọn ngành báo chí với suy nghĩ sẽ được đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều thú vị và kể cho mọi người. Song khi ra trường công tác tại một số cơ quan báo chí và truyền hình lớn, Diễm vẫn cảm giác không phù hợp với cá tính ít nói và nội tâm của mình.

Qua hai khóa học làm phim tại Trung tâm hỗ trợ Phát triển tài năng Điện ảnh TPD năm 2012 và Trại sáng tác phim tài liệu Varan Vietnam 2016, Lệ Diễm quyết định đi theo con đường làm phim tài liệu độc lập. Đây là một quyết định rất dũng cảm bởi nhà làm phim độc lập phải tự đi tìm chủ đề, tự lo tài chính, tự tìm cộng tác viên mà tương lai chưa thấy đâu. Bù lại, Diễm được thỏa sức sáng tạo với đứa con tinh thần của mình.

Bộ phim ngắn đầu tay "Con đi trường học" ra đời khi Diễm còn là sinh viên, với 2 triệu đồng hỗ trợ của TPD. Thời đó cứ cuối tuần cô lại về quê, trèo đèo, lội suối đến với người phụ nữ bị HIV một mình nuôi con trai nhỏ. Với chiếc máy ảnh, Diễm theo chị vào rừng đẵn củi, chặt chuối hay ăn bữa cơm chỉ có món măng xào ớt cùng mẹ con chị. Sự thân thiết và gần gũi đã khiến hai mẹ con đi vào phim tự nhiên như hơi thở, để rồi giành giải Cánh diều bạc năm 2013 hạng mục phim ngắn (năm đó không có Cánh diều vàng). 

Hà Lệ Diễm là cựu sinh viên K64 Báo chí của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Khi đang còn là sinh viên, Diễm đã thực hiện phim ngắn "Con đi trường học". Phim sau đó đoạt giải Cánh diều bạc (không có Cánh diều vàng) tại Lễ trao giải Cánh diều vàng năm 2014.

"Con đi trường học" mở đầu với cảnh người phụ nữ lên rừng chặt củi – công việc vất vả nhưng có lẽ quen thuộc đối với người dân tộc vùng cao. Người phụ nữ ấy là Đặng Thị Ngoan, người dân tộc Dao, 28 tuổi, sống tại Bắc Cạn. Chị nhiễm HIV/AIDS từ người chồng nghiện hút (hiện đã mất). Con trai chị là Bàn Văn Chí 5 tuổi may mắn không nhiễm bệnh.

"Con đi trường học" là chân dung một người phụ nữ rơi vào bi kịch của số phận mà vẫn giữ được sự lạc quan đáng nể phục. Căn bệnh HIV/AIDS trong mình chị như một bản án tử hình treo lơ lửng trước mắt. Vật lộn với sinh kế vất vả là thế nhưng chị vẫn luôn hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cho đứa con trai. Một cách lặng lẽ, bộ phim gửi gắm nhiều chất vấn về chính sách xã hội đối với các số phận thiếu may mắn.


Sau đó, Diễm làm thêm được một số bộ ngắn khác, trước khi bắt đầu với phim tài liệu dài đầu tay Những đứa trẻ trong sương vào mùa thu năm 2017.

Phim theo chân cô bé người dân tộc Mông tên Di, 12 tuổi, sống trong bản cách trung tâm Sapa khoảng 12 cây số. Di rất ham học nhưng phong tục của người Mông, nhất là tục bắt vợ, có thể thay đổi tương lai của em. Bộ phim dài gần 100 phút là hành trình tuổi thơ vỡ vụn của cô bé trong sự giằng xé giữa một bên là giá trị truyền thống cần gìn giữ với một bên là sự xâm lấn của giá trị hiện đại.

"Tôi nảy ra ý tưởng làm phim trong một lần theo chân Di lên đồi chơi và chứng kiến cảnh các em ấy hồn nhiên chơi trò bắt vợ. Bỗng tôi thấy sợ khi hình dung chỉ vài năm nữa thôi trò chơi của các em có thể trở thành sự thật", Lệ Diễm kể.

Kể từ đó, mỗi năm nữ đạo diễn dành 5-6 chuyến lên bản ghi lại cuộc sống của Di. Không đứng bên ngoài ghi nhận sự việc, Diễm hòa vào đời sống của nhân vật, dù cô không biết tiếng. Chiếc máy quay theo sát trên vai khi cô ra đồng cấy lúa, gặt hái với nhà Di, khi theo chân cô bé đến trường hay được bố mẹ em "tha lôi" khắp các đám cưới, đám ma trong làng.

Nữ đạo diễn nhớ nhất một lần theo họ đi uống rượu ở một nhà dân trên đồi cao. Chẳng may cô ngã vào cái hố lợn đào, toàn thân bê bết không dậy nổi. Trong hơi men ngà say, bố mẹ Di mỗi người một bên dìu cô. Xuống đến lưng chừng đồi, mẹ Di thổi kèn lá du dương, bố kể chuyện, còn Diễm say mê quên cả bật máy quay.

Với nhân vật chính của mình, Diễm như một người bạn, người chị. Nhiều lúc cô lo lắng, thậm chí nổi giận khi Di chấp nhận uống rượu và sự tán tỉnh của những chàng trai. Mẹ và chị gái của Di đã rơi vào một cuộc hôn nhân từ tục lệ kéo vợ. Khi bị bố Di kéo đi, mẹ cô đã có người yêu và người đó đã tự tử. Diễm nơm nớp lo em gái nhỏ của cô sẽ không có được quyền tự do lựa chọn, trong một thế giới mà phong tục vẫn đè nặng lên gia đình, giai cấp, sự nghèo khó, hệt như sương mù che phủ ở chốn này.

Cuối cùng, cô bé Di đã không rơi vào một cuộc hôn nhân bắt vợ như chị gái và mẹ. Em kết hôn với người mình yêu khi bước sang tuổi 17 và hiện đã có con gái. "Câu chuyện của Di khiến tôi nhớ đến hai người bạn thân của mình cũng lập gia đình ngay khi học hết lớp 9. Khi đó tôi đã rất buồn", Hà Lệ Diễm bộc bạch.

a 3848 1647077792
Một cảnh trong Những đứa trẻ trong sương, khi đó vào năm 2020 nhân vật chính Di 15 tuổi. Tại LHP tài liệu quốc tế Amsterdam, ngoài giải trao cho cá nhân Hà Lệ Diễm, Những đứa trẻ trong sương còn được giải đặc biệt của ban giám khảo dành cho hạng mục phim đầu tay.


Những khó khăn ở thực địa chỉ là một phần trong quá trình đằng đẵng. Thời gian đầu làm phim này, gần như Diễm không nhận được sự ủng hộ của ai. Bà Liên Tô, mẹ của Diễm chia sẻ, không người mẹ nào muốn con gái mình vất vả nên kịch liệt phản đối việc con bỏ công việc ổn định ở các cơ quan báo chí lớn, thân gái một mình nay đây mai đó. Có những thời điểm hai mẹ con căng thẳng, bà nói nhiều nhưng Diễm chỉ im lặng.

Bạn bè thân thiết cũng phản đối và khuyên Diễm nên đi một con đường dễ hơn. "Nhưng cũng có nhiều người ủng hộ tôi", Diễm nói. Đó là người bạn thân nuôi cô ăn ở suốt nửa năm. Một người anh cho cô mượn chiếc máy quay, mà tận ba năm sau mới có tiền trả dần.

Đạo diễn Trần Phương Thảo, cô giáo dạy Diễm ở Varan chia sẻ, ban đầu Diễm chia sẻ về dự án phim này, cô đã can ngăn vì sợ cô học trò mất đi cơ hội phát triển. Cô đề nghị nên đi theo con đường truyền hình, song Diễm đáp: "Nhịp làm truyền hình không hợp với em".

Trong khoảng hai năm đầu quay Những đứa trẻ trong sương, đạo diễn Thảo chỉ nhận giúp đỡ như một người đi trước, chứ không phải nhà sản xuất. Dần dần qua các khung hình, chị nhận ra Diễm vô cùng bền bỉ. Dù cầm chiếc máy quay không hề tốt cho làm phim tài liệu, đi dép tổ ong trên địa hình đồi núi mà các thước phim vẫn mượt. Phim vẫn chưa thấy đâu, nhưng ekip cảm động trước niềm say mê của Diễm nên tin tưởng, khâm phục cô.

Hàng nghìn thước phim đã ra đời trong bốn năm. Điều nan giải là cần có tiền thuê người dựng và dịch tiếng Mông. Lệ Diễm đã làm hồ sơ gửi cả chục quỹ, song đến tận năm 2019, khi chất lượng hình dày dặn mới nhận được hỗ trợ đầu tiên từ một quỹ của Hàn Quốc, sau đó có thêm nhiều quỹ khác.

"Phim xong, chúng tôi biết sẽ có giải, bởi nó đúng là phim của Diễm, là con người cô ấy", đạo diễn Trần Phương Thảo chia sẻ.

Đối với Lệ Diễm, giải đạo diễn xuất sắc nhất chính là sự công nhận và bảo trợ tốt nhất cô nhận được. "Từ giờ quá trình xin tài trợ sẽ dễ dàng hơn, có thể con đường đi của tôi sẽ bớt phần chông gai, thêm phần đam mê hơn nữa", nữ đạo diễn người Tày nói.
 

Tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, hoạt động học tập của sinh viên luôn được gắn liền với thực hành. Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông trực thuộc Viện được đầu tư trang thiết bị máy móc hiện đại, là nơi các sinh viên ngành Báo chí làm quen với những máy quay, máy ảnh, bàn dựng, studio... Những thước phim đầu tay của các sinh viên theo nghiệp truyền hình cũng ra đời từ đây. Nhiều trong số đó sau khi ra trường trở thành phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý chủ chốt của các đài truyền hình trung ương và địa phương. Hàng trăm cựu sinh viên, học viên cao học của Viện đã đoạt các giải thưởng báo chí, làm phim quốc gia, quốc tế.
Viện còn hợp tác với Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam, báo Pháp luật Việt Nam... để mở các câu lạc bộ "Vườm ươm", tạo cơ hội cho sinh viên của Viện vừa học, vừa thực hành ngay tại cơ quan báo chí.


 

Tác giả: Phan Dương (Vnexpress.net)

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây