Nguyễn Thu Hằng: Trong thời đại số, phóng viên không thể chỉ biết viết tin

Thứ bảy - 30/09/2023 09:39
Gần 6 năm làm báo, Nguyễn Thu Hằng từng thử sức từ thiên tai, dịch bệnh đến những đề tài phức tạp, đòi hỏi khả năng nghiên cứu và phân tích dữ liệu. Và dù ở thể loại nào, cô phóng viên trẻ ấy vẫn luôn nghiêm túc tìm tòi những cách thể hiện mới có thể thu hút độc giả.
ảnh FB (1)


Ròng rã dọc miền Trung đưa tin bão lũ, 45 ngày bám trụ tại tâm dịch Đà Nẵng là hai đợt công tác không bao giờ quên của cô phóng viên trẻ Nguyễn Thu Hằng, cựu sinh viên K58 Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Có chuyến đi bắt đầu bằng một chỉ đạo bất ngờ, vài tiếng đồng hồ chuẩn bị ngay sau khi nhận nhiệm vụ và chưa xác định ngày trở về. Ba lô trên vai Hằng chất chứa niềm mong mỏi tái hiện tới độc giả những câu chuyện chân thật nhất ở mỗi mảnh đất cô đặt chân tới.

Với những thế hệ sinh viên sau này của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, chị Hằng là một "tiền bối" trong nghề mà chúng tôi thường theo dõi để học hỏi. Chúng tôi có dịp trò chuyện với chị về hành trình làm báo đầy thử thách của một cô phóng viên trẻ.

2

Cộng tác với báo Tuổi trẻ từ năm ba đại học, Thu Hằng nhận ra mình chưa đủ trải nghiệm để chiến đấu dài hơi với nghề, hay nói theo cách của chị là “còn dốt lắm”. Sau khi tốt nghiệp, chị quyết định tạm dừng làm báo và hoạt động trong một tổ chức phi chính phủ. Trải qua 2 năm, Hằng quay lại với nghề báo khi thấy bản thân đã vững vàng hơn. Chị lựa chọn vào TP.HCM để bắt đầu lại từ con số 0 cùng mong muốn có thêm góc nhìn mới trong công việc và cuộc sống.

“Với tôi, điều quan trọng nhất trước những thay đổi là sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi xác định vào Sài Gòn, tôi lo lắng cả về môi trường sống lẫn việc bắt đầu lại với nghề báo. Nhưng tôi tự tin vì đã chuẩn bị cho riêng mình một bộ quy tắc để biết nên và không nên làm gì. Tôi dành thời gian tìm hiểu thời tiết Sài Gòn, đọc nhiều về con người Nam Bộ, cố gắng hiểu nút thắt trong đời sống văn hóa của họ vài chục năm trở lại đây. Quá trình thích nghi nhờ vậy mà suôn sẻ hơn” - Hằng kể.

Vào Nam đã 4 năm, công tác qua hai đơn vị báo chí, Thu Hằng coi mỗi lần chuyển dịch như một chuyến tàu mới và phải xác định rõ nơi mình muốn tới.

3 (2)

Giai đoạn 2020 - 2021 đánh dấu sự trưởng thành của Thu Hằng qua những tháng ngày tác nghiệp bền bỉ ở các sự kiện thời sự nóng. Mưa bão triền miên, sạt lở rình rập, ghẻ da do lội nước hàng cây số, nguy cơ nhiễm Covid-19 cao… không ngăn được bước chân cô phóng viên trẻ. Cô trân trọng mỗi chuyến đi và từng nhiều lần xung phong vào các điểm nóng nhất. Có lần nhận thông báo trở về cơ quan, Hằng còn tiếc vì sợ bỏ lỡ thông tin.

“Đôi lúc mệt, tôi cũng than thở: Sao phải khổ thế hả Hằng? Nhưng ý nghĩ dừng lại chưa bao giờ xuất hiện trong đầu tôi. Chẳng có nghị lực phi thường hay bí quyết cao siêu gì cho những tình huống khó khăn đó, chính xác là tôi “lết” qua. Cứ vượt từng thử thách, giải quyết từng vấn đề, tất cả lại đâu vào đấy. Trong cái khó, mình sẽ nhận được nhiều bài học, có “đất diễn” và câu chuyện để kể lại sau này.”

5

Một trong những câu chuyện Hằng luôn tự hào khi nhắc tới là hành trình viết lên “Giải cứu Đà Nẵng” – bài báo tái hiện chân dung các chiến sĩ diệt Covid-19 ở tâm dịch Đà Nẵng. Ý tưởng bài viết bắt đầu khi chị vô tình trò chuyện cùng thành viên trong đoàn y, bác sĩ cứu trợ bệnh viện Đà Nẵng. Cách họ xây dựng chiến lược để đưa thành phố thoát khỏi thế dịch căng thẳng khiến Hằng liên tưởng tới việc bày binh bố trận trên chiến trường khốc liệt.

Trên Facebook cá nhân, Hằng từng đề cập Giải cứu Đà Nẵng là sản phẩm có quá trình thực hiện gian nan nhất của mình, có thể ví như nhặt từng mảnh vụn bánh mì. Chị chỉ mất 1 - 2 ngày để hình dung bài nhưng thời gian theo dấu câu chuyện lại kéo dài gấp nhiều lần. Danh sách phỏng vấn dự kiến gồm hơn 20 nhân vật, chị tiếp cận và phỏng vấn được 13 người. Sau cùng, Hằng chỉ có thể đưa vài nhân vật vào bài viết, từ 120 trang bóc băng chắt chiu thành bản thảo 6000 từ. Được tòa soạn yêu cầu rút ngắn để đạt dung lượng 3000 từ, Hằng rơi nước mắt vì bỏ chữ nào cũng tiếc, cắt chi tiết nào cũng xót. "Các sếp đề xuất sửa một số từ vì thô, nhưng phải có chúng thì bài mới thật. Với Giải cứu Đà Nẵng, tôi phải đấu tranh để bảo vệ từng từ mình viết. Khi bài xuất bản, cả độc giả và những y, bác sĩ tôi từng phỏng vấn đều khen bài hay và gửi lời cảm ơn đến tôi." - Hằng chia sẻ.

6

Phỏng vấn 13 nhân vật trực tiếp tham gia trận chiến cam go ấy là điều không dễ dàng. Trước sự tò mò của tôi về cách tiếp cận và khai thác thông tin từ nhân vật trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, Thu Hằng chia sẻ:

“Với thiên tai, dịch bệnh, việc phóng viên có mặt tại hiện trường, quan tâm sẻ chia sẽ dễ nhận được thiện cảm từ bà con nhân dân, nên tiếp cận nhân vật không khó. Cái khó là tìm ra những nhân vật, câu chuyện cảm xúc giữa nhiều đau thương, mất mát".

Trường hợp tâm dịch Đà Nẵng, tôi gặp nhiều cản trở hơn về tình hình sức khỏe, lịch công tác dày đặc của nhân vật. Phóng viên bắt buộc phải chờ đợi và tận dụng cơ hội. Tôi nhiều lần chờ nhân vật trước cửa bệnh viện hàng giờ đồng hồ vì bản thân họ cũng không rõ khi nào mình hết ca làm việc. Các y, bác sĩ phải tranh thủ từng phút giây nghỉ ngơi nên phóng viên chúng tôi không nỡ làm phiền họ lâu.

Với những yếu nhân, chính trị gia, một cách hiệu quả là mưa dầm thấm lâu, xuất hiện liên tục để họ quen mặt, từ quen thành tin. Ngoài ra, có thể liên hệ qua các kênh liên quan. Tôi đã thông qua đội ngũ truyền thông của Bộ Y tế để được phỏng vấn cựu Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ở giai đoạn dịch bệnh căng thẳng.”

7


Để có được những bài viết, hình ảnh chân thật trên mặt báo, những phóng viên như Thu Hằng có thể đã đi bộ, lội bùn hàng km, túc trực nhiều ngày giờ ở bệnh viện mặc nguy cơ phơi nhiễm cao,… Trước những câu hỏi về khó khăn, Hằng luôn trả lời lạc quan, không chút chần chừ. Điều khiến cô lăm tăn nhiều nhất ở những chuyến công tác ấy là “có bỏ lỡ gì không”, “có làm phiền thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi của nhân vật hay không”.

Khi được hỏi về những thiệt thòi, khó khăn của một phóng viên nữ, Hằng chia sẻ: “Không những không thiệt mà còn có nhiều lợi thế hơn ấy chứ. Tất nhiên, phụ nữ phải đối mặt với một số vấn đề như sức khỏe yếu, khó bảo vệ bản thân trước động cơ xấu của người khác giới,... nhưng tôi đoán đồng nghiệp nam cũng gặp bất lợi riêng. Phụ nữ muốn cương có cương, nhu có nhu. Trong một vài trường hợp, một phóng viên nữ sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn tin hơn phóng viên nam. Ví dụ giữa hiện trường bão lũ, sự nhẹ nhàng, tình cảm của nữ phóng viên giúp nhân vật dễ trải lòng. Phụ nữ cũng được mọi người xung quanh quan tâm chăm sóc rất nhiều trong những chuyến đi.” – Hằng chia sẻ.

8

Phụ trách nhiều lĩnh vực quan trọng, phức tạp, Thu Hằng luôn giữ quy tắc kể chuyện thật, nhanh và toàn diện nhất có thể. Cô đặc biệt đề cao việc tạo ra sản phẩm có tính phát hiện, sáng tạo để tăng thu hút.

Khi nhắc tới những thách thức mà nghề báo phải đối mặt như trí tuệ nhân tạo, suy giảm công chúng, cạnh tranh với mạng xã hội, Thu Hằng khẳng định các phóng viên sẽ không tồn tại với nghề lâu nếu chỉ biết làm những sản phẩm đơn giản.

“AI bây giờ đã viết được tin nhanh nhưng tôi cho rằng ít nhất trong 5 - 10 năm nữa, nó chưa thể viết bài chuyên sâu, tạo ra sản phẩm có độ kiến tạo như một nhà báo thực thụ. Do đó, để không bị thay thế, việc đầu tiên là gạt bỏ suy nghĩ làm báo chỉ để viết tin. Phóng viên, nhà báo cần bớt dễ dãi, tự thích nghi với công nghệ và sửa đổi khiếm khuyết trong sản phẩm. Công nghệ tạo ra sự xuất hiện của quá nhiều cái mới, độc giả ngày càng khó tính hơn".

9

Theo Thu Hằng, để làm được điều trên, nhà báo, phóng viên nên trang bị các bộ kỹ năng mới ngoài quay, chụp, viết đơn thuần. Cô đang theo đuổi xu hướng báo chí dữ liệu và bắt buộc phải thành thạo kỹ năng sử dụng công cụ phân tích dữ liệu. Hằng cũng đề cập tới một lựa chọn khác là sử dụng các công cụ lập trình web để đưa thông tin dưới dạng tương tác, thu hút và giữ chân độc giả.

Tôi được nghe nhiều về thời sinh viên sôi nổi của chị Hằng tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Tứ Hùng Cup, Báo chí hát, CMP,... chương trình nào cũng thấy mặt cô sinh viên Thu Hằng. Tôi hỏi thì chị cười:

“Chắc ngày xưa rảnh quá ấy mà. Khi nhìn lại, tôi thấy các nhiệm vụ của hoạt động ngoại khóa Viện mình khá giống quá trình điều phối thực hiện sản phẩm báo chí tôi đang làm hằng ngày - có đủ bộ phận quay, chụp, lên nội dung. Khoa dạy chúng ta kỹ năng và hệ thống tư duy, còn CMP, Tứ Hùng, Báo chí hát lại dạy mình cách làm.”

“Khi nhắc đến một số cái tên như anh Minh Chiến, anh Việt Bino, chị Anh Thư, chị Thu Quỳnh, anh Trung Hà,... Hằng có cảm xúc gì?” – Tôi hỏi. 

“Vui lắm, thanh xuân đó. Họ là những người anh chị, người bạn gắn bó và chứng kiến quá trình trưởng thành của Hằng từ khi lên đại học, kết nối tôi đi làm báo. Bọn tôi gặp nhau từ ngày này qua ngày khác mà không chán. Đến bây giờ tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Có lẽ đó là sợi dây liên kết của tôi với Viện Báo khi đã ra trường nhiều năm.”

Sự gắn bó với các thế hệ đồng môn nhắc nhớ Hằng rằng cô luôn một sinh viên Khoa Báo. Cuộc trò chuyện kết thúc bằng thông điệp cô gửi tới những sinh viên tương lai của Viện: ngoài sự chỉ dạy từ thầy cô, hãy chủ động tìm hiểu xu hướng báo chí mới trên thế giới để trang bị bộ kỹ năng phù hợp.
 

11

 

Tác giả: Phạm Yên Hoà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây