Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ sáu - 23/06/2023 09:41
Với niềm đam mê viết lách từ nhỏ, nhà báo Phan Thanh Thủy đã theo đuổi nghề báo từ khi học cấp 2. Sau thời gian học tập tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN, chị trở thành một nhà báo công tác tại Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng tại khoa cũ (nay là Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), đem kiến thức, sự nhiệt huyết và kinh nghiệm đến các thế hệ sinh viên.
Thưa nhà báo Phan Thanh Thủy, cơ duyên nào đưa chị đến với nghề báo?
Làm báo với tôi là một cơ duyên, bởi tôi yêu thích nghề báo từ khi còn nhỏ. Ở thế hệ chúng tôi, việc hướng nghiệp hay chọn một nghề nào đó không được kỹ lưỡng như thế hệ bây giờ, nên với những người học chuyên Văn thì sẽ thích chọn những ngành thuộc khối xã hội.
Tôi có niềm yêu thích đặc biệt với Khoa Báo chí, năm lớp 7, tôi đã viết bài cộng tác cho báo Thiếu niên Tiền phong. Lên cấp 3, tôi viết cho báo Hoa Học Trò và cũng có nhiều bài được đăng. Khi một bài được đăng báo, tôi được nhiều bạn gửi thư, kết bạn vì họ thích bài viết của mình. Bài viết đầu tiên của tôi là phản ánh về việc các bạn học sinh đi phá đường tàu hỏa, vì hoàn cảnh khó khăn nên các bạn phải đi tháo ốc vít ở đường ray tàu hỏa, khi đó tôi đã viết theo dạng một bài phản ánh. Năm lớp 11, khi đó tôi đang làm cộng tác viên với báo Hoa Học Trò và mục Học đường có giới thiệu một số sinh viên tiêu biểu ở các trường đại học trong đó có một nhân vật tên là Giang - sinh viên của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN đã chia sẻ câu chuyện học nghề báo thích như thế nào và tại sao lại chọn ngôi trường này. Nhờ đọc được bài viết đó mà tôi đã quyết tâm phải thi đỗ vào Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN.
Lý do đầu tiên tôi chọn Khoa Báo chí là vì sở thích từ nhỏ. Khi học tại trường Nhân văn, ngày đó, sinh viên hầu như đều mong muốn ra làm nghề báo. Thời đó, tôi được học thầy Đinh Văn Hường và thầy có nói rằng: “Mỗi một loại hình báo chí thì có một thế mạnh và điều thú vị riêng nhưng với những người làm báo mà yêu chữ nghĩa, yêu viết lách thì đa phần đến thời điểm này, họ vẫn thích báo in, thích được viết để con chữ bay bổng”. Lúc đó, tôi đã nghĩ, mình hợp với nghề viết, nên tôi lựa chọn đi theo hướng làm báo in và báo điện tử. Sau khi ra trường, các bạn của tôi đều có lựa chọn là trở thành nhà báo và đa phần đều làm báo in và báo điện tử.
Hiện tại đã 15 năm kể từ ngày ra trường, tôi cùng đa phần bạn bè vẫn gắn bó với lựa chọn ban đầu đó và tích lũy cho mình nhiều kiến thức, kinh nghiệm trong nghề. Niềm yêu thích và may mắn được học trong môi trường có các thầy cô, anh chị khóa trước cổ vũ đã giúp cho quá trình học tập và định hướng nghề nghiệp của tôi rất suôn sẻ. Khi ra trường, tôi cũng rất may mắn được các cơ quan báo chí nhận thử việc, tôi đã đáp ứng được các yêu cầu của họ và được các nhà báo dìu dắt cũng như động viên để mình có động lực cố gắng, phấn đấu theo nghề.
Chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đáng nhớ trong hành trình làm nghề báo của mình?
Kỷ niệm thì tôi có nhiều lắm. Đầu tiên là kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên được vào năm cuối đại học, khi tôi được học những chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu và đào tạo báo chí - truyền thông như cô Đoàn Hương, thầy Vũ Quang Hào, thầy Đinh Văn Hường, thầy Dương Xuân Sơn… Và trong đó có thầy Trần Quang dạy môn Các thể loại báo chí chính luận. Đây là một trong những môn rất khó, nhưng trong giờ học của thầy, cả lớp lúc nào cũng sôi nổi, trò chuyện, đặt câu hỏi. Chân bị thương, đi lại rất khó khăn, nhưng thầy lúc nào cũng cầm mic đi quanh lớp để thảo luận với sinh viên. Đến cuối năm thứ tư, sinh viên chúng tôi nghe tin thầy bị đột quỵ. Hình ảnh thầy nằm trên giường bệnh khác xa khi thầy trên lớp với những bài giảng tâm huyết. Sau khi ra trường, chúng tôi vẫn về thăm thầy thường xuyên, nhưng thầy bị mất hết toàn bộ ngôn ngữ, nói rất khó khăn và không viết được nhiều nữa. Sau này, thầy có những tiến triển tốt hơn, thầy đã đi lại được, tập gõ lại chữ và tập nói những câu đơn giản. Hiện nay, thầy cũng kết bạn với sinh viên trên facebook và thường tương tác với tất cả các bài đăng của sinh viên. Mỗi lần như vậy, tôi và các bạn đều rất vui mừng, vì thấy thầy vẫn quan tâm đến thế hệ sinh viên. Đó là những tình cảm mà bản thân tôi luôn trân trọng, nâng niu. Dịp Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông kỷ niệm 30 năm truyền thống, lớp tôi có về thăm lại trường và được gặp lại thầy. Những kỷ niệm về thầy Trần Quang là những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất trong quãng thời gian học đại học, đến bây giờ tôi vẫn rất trân quý thầy.
Trong suốt quá trình làm báo đến giờ, kỉ niệm mà tôi nhớ nhất chính là nhân vật đầu tiên, trong bài viết đầu tiên của tôi. Vào kỳ nghỉ hè năm thứ 4, một người bạn cùng lớp khuyến khích tôi tập viết những vấn đề lớn hơn, dài hơi hơn. Bạn gửi liên lạc của nhân vật ở gần nhà tôi ở Cẩm Phả, Quảng Ninh để tôi tranh thủ những ngày nghỉ hè viết bài.
Ngày đó, tôi đạp xe tới xưởng đá nơi nhân vật ấy đang làm việc để tìm hiểu. Đó là một tử tù được ân xá. Lúc gặp người tử tù đó, tôi vô cùng ngạc nhiên: Bác ấy có dáng người gầy, nhỏ, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiện rõ vẻ trí thức và vô cùng cởi mở khi chia sẻ câu chuyện của mình. Tôi nhận thấy rằng, đây là một nhân vật trải qua nhiều biến cố trong cuộc đời, vì vậy, khi viết, tôi cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng từng chi tiết. Nhân vật này đã được nhiều người khai thác trước đó nên tôi đã tập trung vào khía cạnh hạnh phúc của một người đã từng lầm đường lạc lối. Bài viết được đăng và được Tổng biên tập khen, rằng bài viết với cái nhìn của một phóng viên trẻ nên có cái hay, cái mới. Khi đó, tôi cũng cảm ơn người bạn đã giới thiệu nhân vật cho tôi và bạn ấy đã nói một điều đến giờ tôi rất nhớ: “Làm báo thì đừng có lười”. Đến tận bây giờ, khi hướng dẫn những người trẻ, tôi đều nói câu đó, nhấn mạnh rằng mình phải gặp nhân vật, lắng nghe câu chuyện của họ thì mới có nhiều chất liệu và cảm xúc viết bài.
Quan điểm của chị về nghề báo có những thay đổi như thế nào theo thời gian khi vừa là một nhà báo, vừa là một giảng viên dạy báo chí?
Với tôi, quan điểm về nghề không thay đổi, nhưng tính chất công việc sẽ thay đổi theo sự phát triển của khoa học, công nghệ và nhu cầu tiếp nhận của độc giả. Báo chí ưu tiên tôn trọng sự thật, người làm báo luôn phải giữ gìn đạo đức nghề nghiệp, dù biến chuyển theo giai đoạn nào. Không có chuyện một nửa sự thật là sự thật, báo chí phải là sự thật. Nếu bạn không viết được một tin bài thực sự xuất sắc thì trước tiên, hãy viết một tin đúng sự thật và đầy đủ. Nhiều người cho rằng nghề báo bây giờ thay đổi quá nhiều, thực ra là đó thay đổi về hình thức thể hiện, còn quan điểm về nghề với những người làm nghề một cách nghiêm túc sẽ không bao giờ thay đổi. Báo chí là một nghề, không phải là một thứ quyền lực gì to tát. Muốn làm nghề, dù làm báo hay bất kỳ nghề nào khác, bạn đều phải nghiêm túc và yêu nó. Nếu muốn đi lâu và đi sâu được với nghề báo thì bạn phải có đạo đức.
Chị có thể chia sẻ về điều mình học được từ khi mới gắn bó với nghề và liệu điều đó còn có giá trị tới thời điểm hiện tại?
Điều gắn bó với tôi khi mới vào nghề và chắc chắn vẫn còn giá trị cho đến thời điểm hiện tại chính là sự học hỏi. Những bạn học truyền thông, báo chí có sự tự hào riêng, có cái tôi cá nhân mạnh mẽ, điều này đem đến rất nhiều lợi thế, nhưng đôi khi cũng trở thành nhược điểm của các bạn. Khi mới ra trường, tôi từng bị thư ký tòa soạn yêu cầu viết lại bài ngay trong lần thử việc đầu tiên. Mặc dù tự thấy bản thân viết không tệ, khi ấy tôi vẫn kiên nhẫn đọc thêm các tác phẩm và sửa lại cho phù hợp với phong cách của tòa soạn. Điều này giúp tôi có thêm trải nghiệm viết và cũng vỡ ra nhiều điều về thái độ khi đứng trước công việc. Lắng nghe, khiêm tốn học hỏi và thẳng thắn trao đổi để hiểu nhau hơn, đó là bài học mà đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ dù đã qua nhiều năm làm nghề. Thậm chí, bây giờ tôi vẫn phải học hỏi các bạn trẻ trong việc ứng dụng công nghệ vào nghề làm báo. Dù mình có xuất phát điểm như thế nào thì sự học hỏi, khiêm tốn không bao giờ thừa.
Thời của tôi thì những người làm phóng sự báo in, phóng sự xã hội hoặc những người làm bản tin thời sự, những anh chị làm báo điều tra được biết đến nhiều hơn, có tiếng vang hơn. Bây giờ với sự phát triển của mạng xã hội và rất nhiều kênh, hiệu ứng truyền thông khác thì một vài thể loại báo chí trong thời của tôi đã dần ít đi rồi, chẳng hạn như bài phóng sự xã hội hay bài bình luận, phân tích, xã luận. Thay vào đó là tin và những thể loại báo chí mới như e-magazine, infographic, video… Nhìn chung các dạng đa phương tiện mà nội dung bao gồm đồ họa bắt mắt đang dần chiếm ưu thế. Bản thân những người làm báo thế hệ 8x như tôi đang phải học hỏi rất nhiều về các thể loại báo chí hiện đại từ các bạn phóng viên 9x, thậm chí cả thế hệ gen Z.
Khi quan sát và làm việc với các bạn trẻ, chị nhận thấy đâu là những điểm mạnh, đâu là những điểm cần học hỏi thêm?
Hiện nay, các bạn trẻ có kỹ năng sử dụng công nghệ tốt, nên họ tiếp cận vấn đề rất nhanh. Các bạn hừng hực tâm huyết với nghề và rất sáng tạo. Với những vấn đề hay nhân vật trước đây từng được báo chí khai thác, các bạn trẻ vẫn có cách tiếp cận khác, vẫn hăng hái gặp gỡ nhân vật, chụp ảnh, đặt câu hỏi trực tiếp. Cùng sự phát triển của công nghệ, các bạn trẻ không chỉ chọn viết bài, mà còn chủ động dùng cả hình ảnh, video từ hiện trường, làm infographic, e-magazine... Tư duy của người làm báo trẻ luôn mới, đa dạng, tò mò và mong muốn hiểu biết kỹ càng. Đối với những nhà báo trẻ, các bạn luôn hỏi tường tận, đồng thời thực hiện sản phẩm đa phương tiện tốt hơn, với sự hỗ trợ của công nghệ.
Tuy nhiên, khi làm báo, các bạn trẻ cũng gặp một số bất lợi. Bất lợi lớn nhất là chưa đủ sự trải nghiệm và sự nhạy cảm trong việc sử dụng ngôn ngữ. Các bạn trẻ rất nhanh nhạy với những hình thức thể hiện mới của báo chí, nhưng với một bài báo, nội dung là điều quan trọng nhất, phải chuẩn rồi mới đến đẹp. Trong bối cảnh cạnh tranh với mạng xã hội, một bài báo với hình thức đẹp sẽ lôi cuốn độc giả hơn. Nhưng nếu bài báo ấy có nội dung chưa chuẩn, vẫn sẽ nhận lời phê bình từ người đọc. Đôi khi, các bạn trẻ làm báo đã rất trau chuốt về hình thức nhưng lại quên chưa rà soát kỹ để đảm bảo sự chuẩn xác về nội dung (ví dụ: trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, cần đủ trải nghiệm với chuyên môn, để nắm chính xác tên của các văn bản, chỉ đạo, tên và chức vụ của các tổ chức, cá nhân… theo đúng quy định). Đừng lấy hình thức để che đi nội dung còn sai sót.
Theo chị, một người trẻ mong muốn trở thành nhà báo cần có những phẩm chất gì?
Trước hết, để trở thành một nhà báo, chính các bạn trẻ cần phải có tố chất phù hợp với công việc và môi trường làm việc. Ít nhất cần có sự am hiểu, sẵn sàng học hỏi về vấn đề chuyên môn mình theo đuổi và có một số thế mạnh riêng như: viết tốt, sáng tạo, năng động…
Tuy nhiên, khi làm việc với người trẻ - những người thành thạo công nghệ và không ngần ngại bày tỏ quan điểm cá nhân, tôi cũng thay đổi tư duy của mình. Không thể dùng cách tiếp cận cũ để tiếp xúc với thế hệ hiện tại. Thái độ và trình độ là hai vấn đề quan trọng như nhau. Phóng viên trẻ có thể có cá tính mạnh, cái tôi cao, đồng thời có kỹ năng tốt, sẵn sàng cống hiện và học hỏi. Do đó, những bạn trẻ bước vào nghề báo nên gỡ bỏ định kiến, dù về hình thức, hay thái độ. Kỹ năng là điều giúp các bạn tạo ra sản phẩm tốt, còn thái độ là điều có thể góp ý, điều chỉnh cùng nhau trong quá trình công tác. Và điều quan trọng nhất là kỹ năng, cá tính của bạn phù hợp với công việc và môi trường làm việc mà bạn lựa chọn.
Vậy điều gì đánh dấu sự trưởng thành của nhà báo, thưa chị?
Đối với tôi, điều đánh dấu độ “chín” của nhà báo là sự bình tĩnh, không vội vàng. Điều này thoạt nghe có vẻ phi lý, khi việc làm báo thường được gắn liền với những đặc điểm như “nhanh”, “nóng hổi”. Nhưng chính sự phát triển của mạng xã hội và sự cạnh tranh của nhiều hình thức cập nhật thông tin lại càng khiến cho những người làm báo có kinh nghiệm không vội vàng. Khi tiếp nhận thông tin, một người làm báo đủ chín chắn bao giờ cũng có sự suy xét, đặt câu hỏi: Thông tin đã đúng chưa? Cơ sở của thông tin này là gì? Cách viết đã phù hợp chưa?...
Có nhiều trường hợp, thông tin đã được lan tỏa nhanh chóng trên mạng xã hội, nhưng các nhà báo vẫn chưa chính thức lên tiếng. Đó là bởi họ đã có kinh nghiệm trong việc xử lý thông tin và biết rằng cần đặt ra nghi vấn trước khi đi đến kết luận. Đặc biệt, trước những thông tin tiêu cực, không bao giờ được phân định đúng sai khi còn thiếu căn cứ; nếu phải đưa tin, cần viết rất thận trọng. Vì thế, độ “chín” của người làm báo không nằm ở việc viết được nhanh, viết được nhiều, mà nằm ở sự chỉn chu, không vội vàng, cho mình thời gian thẩm định sự chính xác, sự phù hợp và mức độ ảnh hưởng của thông tin.
Theo chị, người làm báo có trách nhiệm như thế nào với tầm ảnh hưởng xã hội của báo chí hiện nay?
Hiện nay, báo chí đang bị đánh đồng với những điều giả danh báo chí. Người làm báo cần là người phân biệt sự khác nhau giữa báo, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội và những hình thức giả danh báo chí. Ngoài ra, bản thân người làm báo cũng cần tự tích lũy vốn đọc cho mình bằng cách cập nhật tin tức ở những trang báo chính thống. Với sự phát triển của công nghệ ở thời điểm hiện tại, có thể dễ dàng lập một website tương tự trang báo. Đa phần người đọc chưa có đủ kỹ năng để phân biệt báo chí chính thống và giả danh báo chí. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có hiện tượng “vàng thau lẫn lộn”, gọi chung tất cả là “nhà báo”. Lúc này, vai trò của người làm báo là cung cấp thông tin đúng, tăng uy tín cho cơ quan báo chí chính thống và lan tỏa những tin bài được đầu tư công phu để giảm bớt phần nào những thông tin giả mạo. Người làm báo cũng cần chia sẻ với chính những độc giả quanh mình, giúp họ phân biệt những nguồn tin chính thống và những nguồn tin giả.
Bản thân báo chí cần độc giả, phục vụ nhu cầu độc giả, do đó, vẫn cần những kỹ thuật viết thu hút. Những kỹ thuật ấy chỉ đáng lên án khi chúng vi phạm đạo đức làm nghề, làm giảm sự trong sáng của tiếng Việt. Việc chọn tiêu đề thu hút chủ yếu là để người đọc nắm được cốt lõi của bài báo. Những hiện tượng như “giật tít”, “câu view”, thực chất, thường xuất hiện ở những bài viết được chia sẻ phổ biến trên mạng xã hội và được đánh đồng với báo chí. Trước thực trạng đó, bản thân người làm báo có trách nhiệm phân biệt và giải thích cho công chúng hiểu về công việc mình làm.
Với sự phát triển trong trình độ văn hóa của người đọc, tôi tin những hiện tượng tiêu cực sẽ được giải quyết. Trong khi đó, người làm báo cần chỉn chu trước, tạo uy tín trước, bằng những tác phẩm cẩn trọng, đẹp đẽ, đầu tư.
Nhân dịp ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, chị muốn nhắn nhủ điều gì tới những bạn trẻ đang có mong muốn theo đuổi nghề báo?
Không phải tất cả những bạn học báo thì sẽ làm báo và không phải những bạn học báo thì mới có thể trở thành nhà báo. Nghề chọn người, và nhất là nghề báo, ai phù hợp, ai theo được, sẽ tồn tại được. Nói riêng về các bạn học ở Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, hầu như các bạn là những người giống tôi ngày trước: Yêu nghề và thích làm báo, thích làm truyền thông, thích được đi đây đi đó, thích sự tự do, thích có một cái tôi mới mẻ, thích con chữ, thích cống hiến thì mới chọn trở thành sinh viên Báo chí.
Trước tiên, các bạn có đam mê, tức là các bạn đã có 50% sự gắn bó với nghề. 50% còn lại là sự cố gắng để đi theo nghề. Có nhiều bài báo và báo cáo đã chỉ ra, nhiều bạn hết năm nhất, năm hai đại học là bỏ học. Những trường hợp này thường là những bạn thấy mình chọn sai trường, không có đam mê với ngành học, phụ thuộc vào định hướng từ gia đình. Nhưng đa phần những bạn chọn học báo là những bạn có đam mê từ trước nên trong quá trình học, niềm đam mê của các bạn lại càng được nhân lên.
Nhiều bạn nói đào tạo đại học ở Việt Nam không ứng dụng được kiến thức khi ra trường đi làm. Theo tôi, điều này không đúng. Giống như việc đọc một cuốn sách, không thể đọc hôm nay mà ngày mai vận dụng được luôn, Thời gian học đại học chính là khoảng thời gian đào tạo nền tảng kỹ năng cho những đam mê ban đầu, vun đắp thêm tình yêu, nhiệt huyết để các bạn gắn bó với nghề.
Nghề báo là một nghề vất vả. Khi ra trường, những năm đầu sẽ là giai đoạn khó khăn nhất: khó khăn về kinh tế, trải nghiệm và sức khỏe. Cần khoảng hai năm để các bạn làm quen, thích ứng với công việc thì mới dần có sự ổn định. Đối với những người làm báo trẻ, khó khăn không phải là thiếu kỹ năng, thái độ chưa tốt hay không hợp với văn hoá của cơ quan. Khó khăn nằm ở việc các bạn thiếu sự trải nghiệm và kinh nghiệm. Người làm nghề trẻ và người làm nghề lâu năm khi làm việc cùng nhau sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn về sự trải nghiệm và sự hiểu biết. Sự chênh lệch về quan điểm sống, về công việc sẽ khiến các bạn khó tìm được tiếng nói chung ở nơi làm việc. Đôi ba lần như thế, nhiệt huyết với nghề của các bạn sẽ vơi đi. Các bạn phải thực sự kiên trì, phải thích ứng để có thêm kinh nghiệm thực tiễn, chuẩn bị sức khỏe để đáp ứng được đặc điểm đi nhiều, lăn lộn nhiều của nghề, phải tìm cách cân bằng công việc và cuộc sống, thì mới gắn bó với nghề được. Các bạn trẻ, các bạn đừng vội, làm báo thường được nhắc đến với các từ khóa “nhanh, vội, nóng hổi”, nhưng với nghề nghiệp thì không vội được. Hãy giữ tình yêu nghề và sự học hỏi không ngừng. Càng đi nhiều, càng tiếp xúc với những hoàn cảnh đặc biệt, những nhân vật mà khi phỏng vấn xong các bạn sẽ nhớ mãi, thấy yêu đời hẳn lên. Điều đó có nghĩa là các bạn đã gắn bó được với công việc. Hãy dành hai năm đầu cho những va chạm, những chuếnh choáng, nếu còn đủ sự yêu mến với nghề, các bạn sẽ theo được nghề và sống với nó.
Cảm ơn những chia sẻ của nhà báo Phan Thanh Thủy. Chúc chị thành công trong những dự định sắp tới!
Tác giả: Quỳnh Anh, Chi Mai, Hồng Ngọc, Nguyễn Yến