Sứ mệnh của người làm báo

Thứ hai - 30/05/2016 11:09
Sứ mệnh của người làm báo
Sứ mệnh của người làm báo
Doanh nhân là người làm ra của cải cho xã hội; nhà khoa học là người nghiên cứu và sáng tạo ra những sản phẩm,công trình mới; nghệ sĩ – làm cho đời sống tinh thần phong phú hơn. Người làm báo chính là làm tư tưởng. Anh có sứ mệnh phát triển tư tưởng cho đồng bào mình. Sứ mệnh đó lớn lao lắm. Trước đây, khi hướng dẫn sinh viên của mình, tôi thường nói các em chớ có ảo tưởng vào sức mạnh của báo chí. Đấy là nói để các em biết thận trọng với cây bút bút của mình. Không được lạm dụng nó. Nhưng bây giờ nghĩ lại, thấy mình nói như vậy không hẳn đã tốt.

Làm nhà báo là phải chấp nhận sứ mệnh mà công chúng đã trao cho mình.

Hà Thái, một đạo diễn trẻ xuất thân từ CMP, với giải Bạc tại Liên hoan Cánh diều vàng 2014.
Hà Thái, một đạo diễn trẻ xuất thân từ CMP, với giải Bạc tại Liên hoan Cánh diều vàng 2014.
  Ông Vũ Bằng có viết theo kiểu tự trào mà rằng: “thú thực có lắm lúc tôi cũng tưởng là tôi oai, mà nghề tôi là nghề ghê gớm thực”[1]. Ông Vũ Bằng tự trào để mà giữ mình nghiêm ngắn trong nghề đó thôi. Phàm những người tha thiết làm báo thực sự, ai cũng tự hào về cái sự dấn thân của mình trong nghề, luôn coi trong nghề của mình. Joseph Pulitzer đã định nghĩa về nhà báo thế này: “Một nhà báo là một người đứng canh trên đài chỉ huy của con thuyền quốc gia. Anh ghi nhận mỗi cánh buồm lướt qua, những dấu hiệu nhỏ nhoi cần phải chú ý ở chân trời trong khi thời tiết tốt…Anh nhìn chăm chú vào sương mù và bão tố để báo trước những hiểm nguy ở phía trước. Anh không nghĩ đến tiền lương của anh hoặc đến số lời của ông chủ anh. Anh ở đó để canh chừng cho an ninh và hạnh phúc của nhân dân vốn đang tín nhiệm nơi anh”[2].  
Học viên của CMP luôn được yêu cầu phải thực hành càng nhiều càng tốt
Học viên của CMP luôn được yêu cầu phải thực hành càng nhiều càng tốt
  Trước đây, bằng sự ấu trĩ của của mình, tôi chỉ nghĩ về mặt xấu, mặt hạn chế của báo chí, nhất là báo chí trong một thể chế đương tìm tòi những định hướng phát triển. Thành ra tôi không thấy hết, thấy rõ sứ mạng của mình. Chưa hiểu được thiên chức của kẻ đứng canh đài bao giờ thì làm sao mà thấy được sứ mệnh canh chừng cho an ninh và hạnh phúc của nhân dân vốn đang tín nhiệm nơi người làm báo. Vì nông cạn thế, nên tôi cứ lo sinh viên của mình không vượt qua được những thử thách mà chúng tôi đã từng gặp phải. Tôi cũng lo rồi họ sẽ lại ngậm miệng ăn tiền như chúng tôi, thế cho nên tôi đem đi rao giảng những thứ trần trụi của cuộc đời người làm báo. Làm như vậy, tôi đâu biết rằng mình đã tiêm nhiễm vào đầu óc các em những định kiến không tốt đẹp gì về cái nghề rất đáng tự hào mà các em đang theo đuổi.
CMP luôn đầy ắp niềm vui tiếng cười của các bạn trẻ
CMP luôn đầy ắp niềm vui tiếng cười của các bạn trẻ
  Ai cũng từng có một thời “trẻ trâu”. Đó là cái thời mà sức dài vai rộng, “cơm chưa no lo chưa tới”, nhưng mà ngạo nghễ lắm, lý tưởng lắm. Ngày đó, chúng tôi muốn dời non lấp biển; muốn trở thành người tiên phong với những tư tưởng cấp tiến; muốn thành người bảo vệ công lý, lẽ phải… Có một lần, khi tôi đang rao giảng về giá trị của nghề nghiệp, của công việc, một sinh viên xin phép nói: “Em học báo. Đối với em, giá trị là được làm nghề báo, được tự do công hiến thậm chí cả 24 giờ một ngày cho nó. Em muốn mình cống hiến để giúp được gì đó cho mọi người bằng ngòi bút của mình ! Thầy có lựa chọn của mình, còn đó là lựa chọn của em !” Tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Và tôi chợt nhận ra, người ta sinh ra không phải chỉ để đi con đường của riêng mình. Họ còn phải thực hiện một sứ mệnh nào đó nữa. Thế mà, chỉ bằng sự bầm dập cá nhân, tôi lại có thể khuyên các em đừng ngạo nghễ như chúng tôi ư ? Ngồi ngẫm nghĩ trước ngày Báo chí 21/6, tôi thấy mình cần phải tự nhìn nhận cho rõ lại cái sự mệnh mà báo chí đã được (xã hội) trao cho. Thiên chức của báo chí là truyền tin. Khi báo chí thực hiện thiên chức của mình, thì nó cũng được trao gửi những sứ mệnh khác. Trong đó, sứ mệnh cao cả nhất, thiêng liêng nhất, chính là sứ mệnh giúp cho con người phát triển tư tưởng. Tam Lang[3] từng nói: “Nguời làm báo, muốn đạt thiên chức của mình trước hết phải biết nói sự thật, dám nói sự thật để để thực hiện cái quyền thứ tư mà dân chúng đã trao cho và tín nhiệm…” Người ta, làm để đủ nuôi sống mình thì có thể làm bất kỳ công việc gì. Nhưng làm để nuôi sống tư tưởng thì khó lắm, nhất là tư tưởng của người khác, tư tưởng của xã hội. Bây giờ, vì nhiều hệ giá trị đan xen, phần lớn người ta làm gì cũng nghĩ đến tiền trước hết. Nếu làm báo chỉ nghĩ đến đó, thì anh nên dừng lại, chuyển sang một nghề khác. Không thì sớm hay muộn, anh cũng sẽ đi vào bế tắc. Bởi cái nghề này, nó sẽ kéo anh đi để thoả mãn cái sứ mệnh của nó, và do vậy nó sẽ khiến anh luôn luôn phải đứng giữa lằn ranh của sứ mệnh và tiền bạc. ThS Nguyễn Cao Cường [1] Vũ Bằng, Bốn mươi năm nói láo, NXB Lao Động in lại, Hà Nội, 2008. [2] Trần Hữu Quang, Nhà báo viết về nghề báo, dẫn lại theo John Hohenberg, Ký giả chuyên nghiệp. Lý thuyết và thực hành trong các ngành truyền thông đại chúng, bản dịch của Lê Thái Bằng và Lê Đình Điểu, Sài Gòn, NBX Hiện đại Thư xã, 1974. [3] Tên thật là Vũ Đình Chí (1900 – 1986), là một trong những nhà văn, nhà báo nổi tiếng của Việt Nam. Ông cùng với Vũ Trọng Phụng và Vũ Bằng là ba nhà văn tên tuổi thời tiền chiến. Tác phẩm nổi bật là phóng sự Tôi kéo xe.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây