Giới thiệu về Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Thứ hai - 30/08/2021 21:38
Giới thiệu về Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) là một trong những cơ sở đào tạo và nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu ở Việt Nam.

Hơn một phần tư thế kỷ đã qua kể từ sự kiện lần đầu lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu báo chí được đặt trong một trường đại học hàng đầu về các ngành khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam. Đến nay, sau gần 35 năm xây dựng và phát triển, Viện Báo chí và Truyền thông đã từng bước khẳng định vị thế trong đào tạo nguồn nhân lực báo chí nước nhà.

Học tập và làm việc trong môi trường đào tạo và nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn hàng đầu ở Việt Nam, sinh viên của Viện được tiếp cận và truyền thụ những kiến thức cơ bản, nền tảng và sâu sắc những phông nền kiến thức quan trọng, giúp các nhà báo tương lai có sự hiểu biết xã hội toàn diện cùng với kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu. Đây cũng là cơ sở đào tạo báo chí truyền thông có hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo hiện đại, đồng bộ nhất ở Việt Nam hiện nay.

Từ nơi đây, hàng ngàn sinh viên và học viên sau đại học, nghiên cứu sinh đã ra trường, gia nhập cộng đồng báo chí truyền thông cả nước và có nhiều đóng góp đáng ghi nhận.

Hiện nay, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đào tạo 3 ngành học: Báo chí, Quan hệ công chúng và Quản trị Báo chí và Truyền thông; 3 bậc học ngành Báo chí từ cử nhân, thạc sỹ đến tiến sỹ. Viện cũng là một trong những cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên ở Việt Nam đào tạo Tiến sĩ Báo chí học. Viện phối hợp với Đại học Stirling (Vương quốc Anh) tổ chức liên kết đào tạo Thạc sỹ ngành Quản trị truyền thông do Đại học Stirling cấp bằng, là cơ sở đầu tiên trong cả nước đào tạo chương trình Thạc sĩ Quản trị Báo chí và Truyền thông (từ 2018), Thạc sỹ Báo chí định hướng nghiên cứu (từ 1997) và Thạc sĩ Báo chí định hướng ứng dụng (từ 2017) và trong tương lai gần sẽ tiếp tục phát triển các chương trình Tiến sĩ Truyền thông đại chúng, Cử nhân Báo chí số...

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cũng là một trong những trung tâm nghiên cứu báo chí truyền thông hàng đầu của cả nước với các công trình khoa học cấp Quốc gia, cấp Bộ - Ngành, là một trong những đầu mối lớn trong giao lưu quốc tế về nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông với nhiều cơ quan tổ chức báo chí nước ngoài.

Lịch sử hình thành

  • Năm 1990: Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở ngành Báo chí và thành lập Khoa Báo chí tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
  • Năm 1991: Ngày 12/10/1991, khai giảng khóa học đầu tiên ngành Báo chí, tại giảng đường 19 Lê Thánh Tông với 160 sinh viên.
  • Năm 1997: Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo Cao học ngành Báo chí cho Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), tuyển sinh khóa đầu tiên năm 1997.
  • Năm 2005: Đại học Quốc gia Hà Nội giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ cho Khoa Báo chí, tuyển sinh khóa đầu năm 2007.
  • Năm 2008: Đổi tên Khoa Báo chí thành Khoa Báo chí và Truyền thông.
  • Năm 2012: Đại học Quốc gia Hà Nội giao nhiệm vụ đào tạo ngành Quan hệ công chúng trình độ đại học tại Trường ĐHKHXH&NV. Khoa Báo chí và Truyền thông là đơn vị cấp khoa duy nhất ở Việt Nam hiện nay đào tạo cả 2 ngành: Báo chí và Quan hệ công chúng.
  • Năm 2014: Đại học Quốc gia Hà Nội cho phép thực hiện chương trình liên kết quốc tế với đại học Stirling (Vương quốc Anh) đào tạo cấp bằng Thạc sỹ khoa học Quản trị truyền thông tại Trường ĐHKHXH&NV.
  • Năm 2017: Đại học Quốc gia Hà Nội ban hành chương trình đào tạo trình độ Thạc sỹ Báo chí theo định hướng ứng dụng và giao nhiệm vụ đào tạo cho Trường ĐHKHXH&NV. Đây là chương trình Thạc sỹ Báo chí định hướng ứng dụng đầu tiên tại Việt Nam.
  • Năm 2018: Ngày 18/7/2018, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông được thành lập, trên cơ sở tích hợp các nguồn lực của Khoa Báo chí và Truyền thông và Trung tâm nghiệp vụ Báo chí – Truyền thông (CMP)

Sứ mệnh: Phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, đáp ứng nhu cầu cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tầm nhìn: Nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo và nghiên cứu khoa học phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội và từng bước hội nhập quốc tế. Phấn đấu trở thành một cơ sở đào tạo và nghiên cứu có uy tín về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực Báo chí - Truyền thông, đáp ứng nhu cầu cao của một xã hội thông tin trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Các thành tựu tiêu biểu

Từ 1990 đến nay, Viện đã đào tạo hơn 10.000 cử nhân hệ chính quy và phi chính quy, hơn 700 thạc sỹ và tiến sỹ, phục vụ hiệu quả cho nền báo chí và ngành công nghiệp truyền thông Việt Nam.

Số lượng sinh viên của Viện có việc làm sau khi tốt nghiệp một năm luôn đạt tỷ lệ hơn 80%. Hơn 100 cựu sinh viên của Viện đạt giải báo chí quốc gia và giải báo chí của các ngành, các cấp. Nhiều cựu sinh viên của Viện đang giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

Triển khai thành công nhiều chương trình nghiên cứu, nhiều đề tài khoa học cấp Quốc gia, Bộ, Ngành. Tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế, triển khai nhiều dự án hợp tác trọng điểm.

28 năm xây dựng và phát triển, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã đạt được nhiều thành tích:

  • Huân chương Lao động Hạng Ba (2015).
  • Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2005).
  • Bằng khen của Đại học Quốc gia Hà Nội (năm 2000, 2005, 2010, 2013, 2015, 2019, 2022, 2023).
  • Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương (năm 2015).
  • Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam (năm 2015, 2017, 2022, 2023).

Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp tục phát huy nội lực và sức mạnh tập thể, tập thể cán bộ, giảng viên của Viện không ngừng phấn đấu xây dựng phát triển về chiều sâu, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, phát triển đội ngũ cán bộ trình độ cao, hoàn thiện hệ thống giáo trình, chương trình đào tạo, với tầm nhìn mới để tạo nên những thành công trong thời gian tới.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây