Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Chủ nhật - 13/07/2025 22:28
Vừa qua, hơn 100 sinh viên K68 Báo chí - Viện ĐTBC&TT đã có kỳ thực tế kéo dài 5 ngày dọc dải đất miền Trung. Chuyến đi đã mang lại nhiều kiến thức quý giá về lịch sử, văn hóa và kỹ năng học tập, tác nghiệp báo chí.
Kỳ học thực tế này nằm trong chương trình đào tạo cử nhân ngành Báo chí của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hoạt động nhằm giúp sinh viên tiếp cận trực tiếp thực tiễn nghề báo tại các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn cả nước.
Đoàn công tác gồm 115 sinh viên cùng 4 giảng viên hướng dẫn, do TS Nguyễn Thị Thúy Hằng làm trưởng đoàn.
Trải nghiệm mô hình toà soạn hội tụ tại Báo và Phát thanh – Truyền hình Nghệ An
Tại Nghệ An – điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình thực tế, đoàn đã tới thăm và làm việc tại Báo và Phát thanh – Truyền hình Nghệ An. Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An là cơ quan báo chí địa phương tiêu biểu, đứng tốp đầu về mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí toàn quốc, là mẫu hình cơ quan báo chí để giảng viên, sinh viên ngành Báo chí học tập, nghiên cứu.
Tại đây, sinh viên được giới thiệu toàn diện về quy trình xuất bản tích hợp đa nền tảng – từ báo in, phát thanh, truyền hình đến nền tảng số.
Đoàn thực tế thăm, học tập mô hình toà soạn hội tụ tại Báo, phát thanh và truyền hình Nghệ An. Ảnh: Hoàng Giang.
Đoàn được tham quan hệ thống phòng ban chuyên môn, trực tiếp quan sát cách vận hành từ khâu sản xuất tin bài, xử lý hình ảnh, dựng video cho tới khâu biên tập và phân phối nội dung.
Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Tổng Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An nhấn mạnh vai trò của việc tích hợp thông tin trên nhiều nền tảng. “Báo chí hiện đại là sự kết hợp giữa kỹ năng nghiệp vụ, tư duy truyền thông và tinh thần công dân, người làm báo cần chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình”, ông nói.
Ông Nghĩa cũng bày tỏ niềm vui, cảm xúc tự hào khi được đón đoàn công tác của Viện ĐTBC&TT đến tham quan, tìm hiểu và học tập. Phó Tổng Biên tập chia sẻ, Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An vừa được sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hoạt động dựa trên cơ sở hợp nhất giữa các cơ quan báo chí của tỉnh, nên đoàn công tác của Viện như những vị khách "xông đất" cho cơ quan mới. Ông Nghĩa cũng là cựu sinh viên K40 Báo chí của Viện ĐTBC&TT.
Ông Trần Hữu Nghĩa, Phó Tổng Biên tập Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An chia sẻ đoàn công tác của Viện như những vị khách xông đất cho cơ quan mới sau sắp xếp, sáp nhập. Ảnh: Nguyễn Đoan
Tại buổi làm việc, sinh viên Viện ĐTBC&TT đã đặt nhiều câu hỏi xoay quanh kỹ năng tác nghiệp số, quy trình phối hợp giữa các bộ phận sản xuất nội dung, công cụ hỗ trợ truyền thông số, và tiêu chuẩn đạo đức trong tác nghiệp địa phương đã được đặt ra.
Với nhiều sinh viên, đây là lần đầu tiên họ được chứng kiến một dây chuyền sản xuất tin tức trong môi trường tòa soạn thực tế. Từ việc đề xuất đề tài, triển khai hiện trường, xử lý hậu kỳ cho đến phản hồi độc giả, toàn bộ chuỗi vận hành đã giúp các em hình dung rõ ràng hơn về tính chuyên nghiệp và áp lực trong nghề báo.
Sinh viên Viện ĐTBC&TT tác nghiệp tại buổi làm việc với Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Đoan.
“Em bất ngờ với tốc độ xử lý công việc tại tòa soạn, nhưng đồng thời cũng ấn tượng bởi sự nghiêm túc và chỉn chu trong từng khâu. Làm báo không chỉ là đưa tin, mà là cả một hệ thống phối hợp chặt chẽ, đầy kỷ luật,” sinh viên Đào Tiến Đạt chia sẻ.
TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trưởng đoàn) bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc tới Báo và Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An đã dành thời gian đón tiếp đoàn. Cô bày tỏ trân trọng những chia sẻ chân thành, thực tế và đầy tâm huyết từ các cán bộ, nhà báo – những người đã giúp sinh viên có cái nhìn gần gũi, sinh động hơn về hoạt động báo chí từ thực tiễn vận hành.
“Đây là những trải nghiệm quý báu, góp phần định hướng và tiếp thêm động lực cho hành trình rèn nghề của sinh viên trong bối cảnh báo chí đang không ngừng chuyển mình sang môi trường số.”, cô Hằng nói.
TS Nguyễn Thị Thuý Hằng gửi lời cảm ơn đến Báo và phát thanh, truyền hình Nghệ An đã dành cho đoàn sự đón tiếp nồng hậu. Ảnh: Nguyễn Đoan.
Những "địa chỉ đỏ" trong hành trình của đoàn.
Trong hành trình xuôi miền Trung, đoàn đã dừng chân tại nhiều địa danh lịch sử như: Ngã ba Đồng Lộc, Lăng mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt tại Vũng Chùa – Đảo Yến, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 và Thành cổ Quảng Trị.
Đoàn thực tế dâng hương tại di tích lịch sử Ngã Ba Đồng Lộc. Ảnh: Hoàng Giang.
Khi đến Thành cổ Quảng Trị, nhiều sinh viên không giấu được sự xúc động khi tận mắt chứng kiến không gian trầm mặc, lặng lẽ, khác xa những hình dung ban đầu.
Sinh viên Lê Ngọc Huyền cho biết từng hình dung Thành cổ Quảng Trị sẽ hoành tráng như những cổng thành lớn, nhưng thực tế lại khiến cô bất ngờ. “Không có sự hào nhoáng nào, chỉ là một không gian nặng trĩu khiến em nghẹn lại”, Huyền chia sẻ.
Khoảnh khắc khiến Huyền xúc động nhất là khi nghe kể về một người lính quê Thái Bình – cũng là quê hương của cô. “Em thấy đau, nhưng cũng thấy biết ơn. Thành cổ không phải là nơi để du lịch, mà là nơi để nhớ, để cúi đầu và để sống xứng đáng hơn”, Huyền nói.
Sinh viên Lê Ngọc Huyền chia sẻ sự biết ơn đến các anh hùng liệt sĩ khi đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Nguyễn Đoan.
Những không gian lịch sử mang tới những thông điệp sống động, nhắc nhớ mỗi người làm báo không chỉ ghi chép sự kiện, mà còn giữ vai trò kết nối quá khứ với hiện tại bằng sự thấu cảm và trách nhiệm nghề nghiệp.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hằng chia sẻ quan điểm không đặt nặng vấn đề chất lượng sản phẩm từ ban đầu thay vào đó là tinh thần trách nhiệm của mỗi sinh viên. “Chúng tôi không yêu cầu sản phẩm hoàn chỉnh, mà muốn các em luyện thói quen nhìn đời bằng mắt của người làm báo – mắt của một người có trách nhiệm.”, cô Hằng nói.
3 ngày ở Thành phố Huế, sinh viên được trải nghiệm trong không gian văn hóa – di sản đặc trưng của cố đô. Từ Đại Nội, lăng Tự Đức, chùa Thiên Mụ đến làng hương Thủy Xuân, chợ Đông Ba… mỗi địa điểm là một “phông nền sống” giúp sinh viên rèn kỹ năng quan sát, ghi nhận và kể chuyện bằng ngôn ngữ báo chí.
“Qua chuyến đi, em học được cách để không viết vội. Mỗi câu chuyện cần thời gian ấp ủ. Làm báo không chỉ là tốc độ, mà còn là sự thấu cảm và kiên nhẫn.”, bạn Đặng Vũ Hà chia sẻ sau khi phỏng vấn nghệ nhân tại làng hương Thủy Xuân.
Sinh viên Viện ĐTBC&TT trải nghiệm làm hương tại Làng Hương, Thành phố Huế. Ảnh: Hoàng Giang.
Những trải nghiệm làm nghề đầu tiên của nhiều sinh viên Viện Báo
Trong hành trình thực tế kéo dài 5 ngày, hơn 100 sinh viên báo chí đã được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp ngay tại hiện trường, giữa những không gian mang đậm giá trị lịch sử và văn hóa. Sinh viên được trực tiếp tác nghiệp với đầy đủ các bước cơ bản: ghi nhanh, phỏng vấn tại chỗ, thu âm, quay video, viết tin bài, tổ chức nhóm sản xuất nội dung đa phương tiện.
Các sản phẩm báo chí được thể hiện đa dạng qua các hình thức như phóng sự ảnh, podcast, vlog du lịch, ký ghi nhanh… Một số sản phẩm đã được hoàn thiện và đăng tải trên các nền tảng truyền thông cũng như cơ quan báo chí.
Điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lịch trình dày đặc và bối cảnh phức tạp trở thành bài kiểm tra thực tế, yêu cầu sinh viên phải linh hoạt thích nghi và vận dụng nghiệp vụ một cách chủ động, hiệu quả.
“Giá trị lớn nhất của chuyến đi là các em học được bản lĩnh: bản lĩnh để hỏi, để nghi ngờ, để quan sát và chịu trách nhiệm với điều mình viết ra.”, TS Nguyễn Thị Thúy Hằng nhấn mạnh.