Giáo trình Báo chí Truyền hình
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
2022-12-27T14:39:23+07:00
2022-12-27T14:39:23+07:00
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/vi/hoc-lieu/giao-trinh-bao-chi-truyen-hinh.html
/themes/default/images/no_image.gif
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Giáo trình do PGS.TS. Dương Xuân Sơn biên soạn, đã được Hội đồng nghiệm thu giáo trình trường thông qua.
Lời nói đầu
Truyền hình là một loại hình truyền thông đại chúng chuyển tải thông tin bằng hình ảnh và âm thanh về một vật thể hoặc một cảnh đi xa bằng sóng vô tuyến điện.
Truyền hình xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ XX và phát triển với tốc độ như vũ bão nhờ sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và công nghệ, tạo ra một kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội. Ngày nay, truyền hình là phương tiện thiết yếu cho mỗi gia đình, mỗi quốc gia, dân tộc. Truyền hình trở thành vũ khí, công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hóa cũng như lĩnh vực kinh tế xã hội. Ở thập kỷ 50 của thế kỷ XX, truyền hình chỉ được sử dụng như là công cụ giải trí, rồi thêm chức năng thông tin. Dần dần truyền hình đã trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý và giám sát xã hội, tạo lập và định hướng dư luận, giáo dục và phổ biến kiến thức, phát triển văn hóa, quảng cáo và các dịch vụ khác. Sự ra đời của truyền hình đã góp phần làm cho hệ thống truyền thông đại chúng càng thêm hùng mạnh, không chỉ tăng về số lượng mà còn tăng về chất lượng. Công chúng của truyền hình ngày càng đông đảo trên khắp hành tinh. Với những ưu thế về kỹ thuật và công nghệ, truyền hình đã làm cho cuộc sống như được cô đọng lại, làm giàu thêm ý nghĩa, sáng tỏ hơn về hình thức và phong phú hơn về nội dung.
Ngày 7/9/1970 là ngày phát sóng đầu tiên của chương trình truyền hình Việt Nam. Thấm thoắt gần 40 năm, ngày 7/9 trở thành ngày kỉ niệm truyền thống của truyền hình Việt Nam. Từ ngày ấy đến nay, truyền hình Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng và có những tiến bộ vượt bậc. Từ phát hình đen trắng chuyển sang phát hình màu, từ phát thử nghiệm chương trình 4 giờ/ ngày vào ban đêm, đến năm 1995 phát 10 giờ/ngày; đến nay Đài Truyền hình Việt Nam phát với tổng số thời lượng trên 200 giờ/ngày trên các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTV4, VTV5, VTV6, VTV9 cùng với các kênh truyền hình cáp hữu tuyến (VCTV, INFO TV, SHOPING TV, O2TV…) và 63 đài phát thanh - truyền hình địa phương. Ngành truyền hình Việt Nam đã có nhiều nỗ lực vượt bậc nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng các chương trình truyền hình, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng. Truyền hình Việt Nam còn chú trọng đẩy mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên, cán bộ kỹ thuật, đặc biệt là đội ngũ phóng viên, biên tập nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp và sự quy chuẩn của đội ngũ người làm truyền hình hiện đại. Như vậy, cùng với sự phát triển của các loại hình truyền hình, việc nâng cao chất lượng thông tin trên truyền hình ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, ở Việt Nam các tài liệu nghiên cứu về lý luận và thực hành truyền hình phục vụ cho công tác nghiên cứu, giảng dạy và học tập ở các trường, khoa còn quá ít ỏi, chưa có hệ thống, chưa tương xứng với sự phát triển của truyền hình.
Báo chí truyền hình là môn học cơ sở trong chương trình đào tạo về lý luận và nghiệp vụ truyền hình tại Khoa Báo chí và Truyền thông – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhằm giúp cho người dạy và người học có thêm căn cứ khoa học để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, chúng tôi biên soạn giáo trình về lý luận và thực hành Báo chí truyền hình, trên cơ sở các bài giảng của giảng viên về môn học này từ các khóa K36 (khóa 1 của Khoa Báo chí, 1991) đến nay. Giáo trình này tập trung trình bày các vấn đề của báo chí truyền hình như: vị trí, vai trò; lịch sử ra đời phát triển của truyền hình; khái niệm, đặc trưng; nguyên lý của truyền hình; chức năng xã hội của truyền hình; kịch bản và kịch bản truyền hình; quy trình sản xuất chương trình truyền hình; các thể loại báo chí truyền hình; các thuật ngữ truyền hình; phần phụ lục kèm theo các dạng kịch bản theo thể loại và chương trình truyền hình.
Trong giáo trình này, chúng tôi sử dụng các nguồn tài liệu của nước ngoài về truyền hình như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Nga, Đức, Singapo, Australia, Trung Quốc,… và một số tài liệu của các đồng nghiệp, một số luận văn, khóa luận tốt nghiệp, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên cao học Khoa Báo chí và Truyền thông - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội; một số băng tư liệu về các thể loại, chương trình truyền hình đã được phát trên Đài THVN và các đài địa phương từ 1995 đến nay.
Tuy nhiên, do những hạn chế về tư liệu và băng hình cũng như trình độ hiểu biết của tác giả, giáo trình Báo chí truyền hình không tránh khỏi những khiếm khuyết nhất định, rất mong được sự đóng góp ý kiến quý báu, bổ ích của các đồng nghiệp cùng các bạn trong và ngoài trường.
XEM GIÁO TRÌNH TRUYỀN HÌNH TẠI ĐÂY