|
“Phóng viên đối mặt với những thách thức bất thường khi đưa tin về những thảm họa hay các vụ bạo lực lớn. Họ có nguy cơ trở thành người đầu tiên phải ứng phó với một vụ bạp lực vừa xảy ra” – Tiến sĩ Cait đã mở lời như thế khi bắt đầu cuộc nói chuyện của mình với các bạn sinh viên. Nhận xét về nghề phóng viên, bà cho rằng người phóng viên với đặc thù công việc của mình buộc phải tiếp xúc với những nạn nhân đang trong tình trạng cực kỳ đau thương. Họ tường thuật những sự vụ đẫm máu thường phải tự dựng lên một bức tường vô hình ngăn cách bản thân họ với những sống sót và nhân chứng tại hiện trường mà họ phỏng vấn. Tuy nhiên chính bức tường nghiệp vụ này có thể sẽ ngăn cản người phóng viên giải tỏa những cảm xúc tiêu cực mà họ mắc phải sau khi chứng kiến, tiếp xúc với nỗi đau của người khác. Theo thống kê thì 80-100% nhà báo sẽ trải qua ít nhất một sự kiện có khả năng gây ra những phản ứng chấn thương nghiêm trọng.
“Our future is threatened by tensions” nữ tiến sĩ chia sẻ rằng trong tương lai, chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa, nhiều cột mốc thời gian chấn động hơn. Tất cả đều lưu lại thành những ký ức ám ảnh và dau dẳng. Vì thế bảo vệ an toàn cho chính bản thân người phóng viên và hạn chế các tổn thương tinh thần trong quá trình tác nghiệp là điều hết sức cần thiết. Tiến sĩ Cait McMahon OAM đã yêu cầu mọi người bắt cặp và phỏng vấn người ngồi cạnh về một bài viết khiến họ cảm thấy khó chịu và cách họ vượt qua những cảm xúc đó. Đa phần mọi người đều có ý kiến rằng các bài viết có ảnh hưởng đến tâm lý người đọc bao gồm các thông tin về dịch bệnh, chiến tranh, đau khổ…
Khi người phóng viên có mặt trong những hoàn cảnh đặc biệt như: chiến tranh, bão lụt, động đất, đói nghèo… và chứng kiến những hình ảnh đau thương, ấn tượng quá mạnh, tâm lý người phóng viên có thể sẽ bị tác động và sinh ra các trạng thái ảnh hưởng khác nhau như: căng thẳng, kiệt sức, sang chấn.. Sang chấn tâm lý khác với căng thẳng và kiệt sức. Tiến sĩ Cait đã phân tích để giúp các bạn sinh viên hiểu rõ sự khác nhau giữa 3 sự ảnh hưởng tâm lý này. Căng thẳng là do chịu nhiều áp lực từ cuộc sống hàng ngày quá sức chịu đựng và áp lực của bản thân, kiệt sức là thuật ngữ y học chỉ về hiện tượng cạn kiệt năng lượng hoặc năng suất lao động giảm sút sau một quá trình lao động, hoạt động dài ngày với những triệu chứng như mất ngủ, chóng mặt, ù tai, lo sợ… Căng thẳng và kiệt sức là những điều mà một người phóng viên thường xuyên đối mặt, chẳng hạn như việc phải thường xuyên thức khuya để đưa tin, áp lực nộp bài từ tòa soạn… Còn sang chấn là sự kiện đe dọa mạng sống, bạo lực cực độ hoặc bạo hành tình dục, chính bản thân có thể tự trải qua hoặc chứng kiến sự việc xảy ra với người khác. Khi bị sang chấn tâm lý có thể có một số phản ứng như: run rẩy, khóc lóc, đau bao tử, đau đầu, khó ngủ, mất niềm tin…
Những phản ứng khủng hoảng này là rất bình thường vì đây là những phản ứng tâm sinh lý của cơ thể. Với kinh nghiệm thường xuyên làm việc với các nhà báo bị chấn thương tâm lý, Dr.Cait MCMahon đã truyền đạt cho các bạn sinh viên cách vượt qua những chấn thương này, làm sao để tự chăm sóc bản thân, vượt qua sang chấn, vượt qua những tình cảnh nguy hiểm… Các bạn sinh viên còn được nghe lời chia sẻ, tâm sự của những phóng viên đã từng đưa tin về những sự kiện nóng, họ đã đối mặt, chứng kiến những cảnh tượng kinh hoàng và cách những phóng viên này vượt qua những khủng hoảng đó.
Sau nhiều năm nghiên cứu dưới góc độ sinh học và tâm lý, Tiến sĩ Cait đưa ra lời khuyên cho các phóng viên và các bạn sinh viên: khi gặp stress, áp lực từ công việc hay bị sang chấn về mặt tâm lý, các biện pháp hữu ích để chăm sóc bản thân, vượt ra được những sang chấn về mặt tâm lý như: xem các chương trình vui nhộn, các chương trình giải trí, tập luyện thể thao, các bài tập thiền,… Ngay tại buổi nói chuyện, tiến sĩ Cait McMahon OAM đã cùng với các bạn sinh viên tập một vài động tác thể dục giúp thư giãn cơ thể sau khi làm việc căng thẳng.
Phần 2 của buổi nói chuyện, tiến sĩ Cait McMahon OAM đã chia sẻ về cách phỏng vấn nạn nhân của thảm họa, một số lưu ý khi đưa tin về thảm họa. Bà nêu lên những yêu đối với một phóng viên tường thuật thảm họa là phải thông tin tới độc giả chính xác, tránh mô tả những chi tiết đẫm máu không cần thiết về cái chết. “Bạn cần hiểu rằng khi đưa tin về những thảm họa khủng khiếp có thể gây ra tác động nhất định đối với người đọc, khán, thính giả báo đài. Cần tạo ra một khoảng không gian để mọi người chia sẻ suy nghĩ, đặc biệt là những lời động viên”- Tiến sĩ Cait nói.
Nhà báo Khải Đơn cũng giúp các bạn sinh viên hiểu rõ hơn những vấn đề mà phóng viên báo chí thường xuyên gặp phải, những nguy cơ các bạn phóng viên mới vào nghề sẽ phải đối mặt và chị cũng truyền đạt kinh nghiệm tích luỹ của những năm chị tham gia viết báo về chuyên mục đường dây nóng.
|
Bên cạnh những nội dung hấp dẫn được trình bày trong hội thảo, các bạn sinh viên còn được trao đổi trực tiếp với các chuyên gia về những vấn đề mình còn vướng mắc. Được tiếp cận với những chủ đề thiết thực trong nghề ngay từ khi còn là sinh viên là điều vô cùng cần thiết, hội thảo thật sự đã mang đến những thông tin thiết thực và là hành trang không thể thiếu cho các bạn trên con đường sự nghiệp tương lai.
|
Tác giả: Minh Quang (K62 Báo chí)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn