Ngày 17/12/2019, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQG HN) đã tổ chức Hội thảo “Cơ sở lý luận, phương pháp luận và phương pháp xây dựng Quốc chí về Truyền thông” dưới sự chủ trì PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), Chủ nhiệm nhiệm vụ thành phần. Tham gia Hội thảo có PGS.TS Phạm Văn Linh, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận TƯ, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, đại diện Văn phòng Quốc chí (ĐHQGHN), cùng nhiều nhà quản lý, nhà khoa học trong lĩnh cực báo chí, truyền thông, các nhà báo đại diện cho các loại hình báo chí, và thành viên chính tham gia biên soạn Tập.
Được biết, đây là hội thảo đầu tiên để triển khai thực hiện nhiệm vụ của một trong 6 nhiệm vụ thành phần thuộc Nhiệm vụ “Xây dựng bộ Địa chí quốc gia Việt Nam” (đợt 1).
Tập Truyền thông của Bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam là công trình khảo cứu có tính hệ thống, khách quan, sinh động, mô tả một cách toàn diện và chân thực theo nguyên tắc thể loại Địa chí, về diện mạo và đời sống truyền thông Việt Nam tại thời điểm hai thập kỷ đầu của thế kỷ 21.
Trong khi truyền thông nội cá nhân hay truyền thông nhóm chỉ tác động đến một cá nhân, hay một nhóm người, thì truyền thông đại chúng là một dạng thức truyền thông đặc biệt trong lịch sử loài người – theo đó, người truyền thông tin có thể truyền tải thông điệp cho đông đảo quần chúng về số lượng và rộng khắp về địa lý – điều mà các cách thức truyền thông trước đó không thể nào có được. Công nghệ thông tin và truyền thông hiện đang là động lực của kinh tế, văn hóa, chính trị thế giới, nó tạo ra một cuộc cách mạng trong cách thức giao lưu, trao đổi thông tin, ứng xử trong xã hội cũng như cách thức chúng ta tiến hành các hoạt động kinh tế, thương mại, văn hóa, chính trị trên toàn cầu.
Chính vì vậy, tuân thủ những đặc trưng cơ bản nhất của thể loại Địa chí (như tính liên tục, tính bao quát, tính tư liệu, tính khoa học, đại chúng và tính thiết dụng), tập Địa chí quốc gia về truyền thông sẽ tái hiện lại diện mạo của truyền thông Việt Nam hiện nay (bao gồm các phương tiện truyền thông, công nghệ thông tin, bưu chính, viễn thông…) theo hướng bao quát cả công nghệ nội dung và công nghệ sản xuất gắn với sự phát triển của xã hội Việt Nam; các quan điểm, chính sách, tổ chức, hoạt động, thành tựu, nhân vật, vấn đề,… gắn với việc quản lý, phát triển và khai thác truyền thông ở Việt Nam, chú ý cả khía cạnh truyền thông đại chúng và truyền thông đời thường.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm nhiệm vụ cho biết: Tập Truyền thông được tiếp cận trên cơ sở Địa chí học và tiếp cận chuyên ngành Báo chí học, Khoa học truyền thông, Công nghệ thông tin, Bưu chính, Viễn thông. Tập Địa chí Quốc gia về Truyền thông được biên soạn 4 quyển, 27 chương và hơn 1000 Mục để mô tả các đối tượng tại thời điểm hiện tồn, đồng thời, tham chiếu đến các mốc thời gian tiêu biểu trong quá trình hình thành, vận động và phát triển của đối tượng.
Các chuyên gia đã thảo luận và đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về cách tiếp cận và phương pháp biên soạn nội dung, phương pháp thu thập và xử lý tư liệu, nguyên tắc trình bày nội dung các Mục của Tập Truyền thông.
Cũng trong buổi thảo luận, các chuyên gia cũng rà soát danh mục được giới thiêụ trong phần thuyết minh của Tập Truyền thông. Trong thời gian tới, cùng với quá trình triển khai, danh mục này có thể thêm bớt trong phạm vi cho phép của các thông tư về các nhiệm vụ khoa học.
Lê Thu Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn