Hội thảo về sắp xếp, kiện toàn báo Đảng trung ương và địa phương

Thứ hai - 15/11/2021 00:54
Sáng 13/11, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) phối hợp với Viện Khoa học Tổ chức, Cán bộ (Ban Tổ chức Trung ương) tổ chức Hội thảo “Sắp xếp, kiện toàn hệ thống các cơ quan báo Đảng trung ương và địa phương” với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà quản lý báo chí, và lãnh đạo nhiều cơ quan báo chí trung ương và địa phương.
Hội thảo nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, đề xuất những giải pháp khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Hội thảo về sắp xếp, kiện toàn báo Đảng trung ương và địa phương
Cho đến nay, việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đã cơ bản được hoàn thành tại 29/29 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 33/33 tổ chức Hội ở Trung ương và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; 31/31 địa phương (chỉ còn Báo Tuổi trẻ vẫn đang trực thuộc Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) và 72 cơ quan báo nói, báo hình. Tổng số cơ quan báo chí được giảm đi là 71, giúp hệ thống báo chí tinh gọn hơn.
Hàng chục cơ quan báo chí đã chuyển loại hình hoạt động từ báo sang tạp chí chuyên sâu, chuyên ngành, hoạt động đúng với tôn chỉ mục đích, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng của người đọc. Nhiều cơ quan báo chí phát triển theo hướng báo chí hiện đại, xây dựng mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện, có khả năng phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhiều loại hình, đăng tải phát sóng trên đa nền tảng công nghệ...
Các đại biểu tham gia hội thảo chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Dân trí

Tuy nhiên, để thực hiện Quy hoạch hiệu quả, một số quy định của pháp luật cần điều chỉnh, hoàn thiện thêm như: trách nhiệm, quyền hạn và nhiệm vụ của cơ quan chủ quản báo chí, người đứng đầu cơ quan báo chí; phân định các loại hình báo chí và biện pháp quản lý phù hợp; hoạt động của văn phòng đại diện, phóng viên thường trú; đội ngũ phóng viên, cộng tác viên; biện pháp hạn chế tiêu cực trong quá trình hoạt động nghiệp vụ của người làm báo; điều kiện và quy trình cấp giấy phép hoạt động báo chí; điều kiện, tiêu chuẩn và quy trình xét cấp thẻ nhà báo…
Đồng thời, thực tiễn đã và đang xuất hiện nhiều xu hướng báo chí truyền thông mới mà các quy phạm pháp luật chưa bao quát hết như xu hướng báo chí đa phương tiện; xu hướng báo chí công nghệ; xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo và cung cấp nội dung xuyên biên giới…. Điều này gây ít nhiều khó khăn trong việc xây dựng mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện mà Quy hoạch báo chí đã đề ra.
Nhiều đại biểu đã phân tích và đóng góp ý kiến về tổ chức bộ máy, tài chính - trị sự, kỹ thuật công nghệ và nội dung chuyên môn trong quá trình hợp nhất tạp chí các Ban Đảng Trung ương với báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam để xây dựng một cơ quan báo chí tập trung, đa phương tiện, cũng như đề nghị tiếp tục nghiên cứu, đánh giá mô hình Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, mô hình Đài PT-TH và báo Bình Phước vì mô hình này chưa có tiền lệ, để thống nhất về tên gọi, cơ quan chủ quản, cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy, hoạt động tài chính,…
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến nhấn mạnh, điều chỉnh, sắp xếp, kiện toàn hệ thống báo chí cần triển khai đồng thời với việc các tòa soạn báo chuẩn hóa về tôn chỉ, mục đích, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, lựa chọn mô hình hoạt động thích hợp, để đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí, gắn với xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển bảo chí trong tình hình mới.
PGS.TS. Đinh Văn Hường, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, trong các Quyết định số 1431/QĐ-TTg năm 2018 và Quyết định số 362/QĐ-TTg năm 2019 đã nêu rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án sắp xếp, lộ trình thực hiện, giải pháp, tổ chức thực hiện… và mỗi cơ quan báo chí khối Đảng ở trung ương cũng như địa phương cũng đã xây dựng Đề án cụ thể. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, ngoài thuận lợi, các cơ quan này cũng gặp không ít khó khăn cần tháo gỡ như ảnh hưởng của Quy hoạch tới tâm lý, tình cảm, lợi ích của cán bộ, phóng viên, vấn đề đổi mới tư duy, vấn đề đảm bảo điều kiện về nhân lực, hạ tầng cơ sở vật chất v.v…
dvh 4560
PGS.TS. Đinh Văn Hường trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Dân trí

Ths. Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, Trưởng phòng Quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ, quá trình sắp xếp, chuyển đổi, sáp nhập, hợp nhất các cơ quan báo, tạp chí có mô hình, cơ chế tài chính khác nhau thành một cơ quan gặp những khó khăn nhất định về quy trình, thủ tục. Một số cơ quan báo, tạp chí sau khi thực hiện sắp xếp theo quy hoạch còn có một số hoạt động chưa thể hiện sự thống nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm về thực tế quá trình sắp xếp, kiện toàn theo Quy hoạch tại các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương, PGS, TS. Vũ Văn Hà, Giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản và Ths. Phạm Đức Thái, Uỷ viên Ban Biên tập Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đều cho biết các công đoạn quy hoạch, sắp xếp đang được tiến hành rất thận trọng tại hai cơ quan này. Mặc dù các cơ quan báo chí khối Đảng ở cả Trung ương và địa phương đều lường trước không ít khó khăn khi tiếp hành sắp xếp, cơ cấu lại theo Quy hoạch nhưng các cơ quan báo chí cũng nhìn nhận rõ đây là một cơ hội để báo chí đổi mới theo mô hình báo chí hiện đại.
anh 86 1620
PGS.TS. Vũ Văn Hà trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Dân trí.

Góp ý thêm về cơ hội phát triển của báo chí trong bối cảnh hiện nay, Ts. Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao nhận định, kỷ nguyên số cùng với hội nhập toàn cầu mang đến những sự thay đổi lớn trong hình thức làm báo chí truyền thông. Báo chí truyền thông hiện nay đang phát triển theo 3 xu hướng chính là: chuyển đổi số, đa dạng hoá và nội dung trả phí.
anh 97 4167
TS. Vũ Tuấn Anh, Trưởng Khoa Truyền thông đối ngoại, Học viện Ngoại giao trình bày tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Dân trí.

PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đánh giá, những ý kiến tham góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, các nhà quản lý tại Hội thảo không chỉ là những kinh nghiệm quý báu mà còn là những cơ sở khoa học rất hữu ích cho quá trình thực hiện sắp xếp, kiện toàn theo Quy hoạch của các cơ quan báo chí khối Đảng ở Trung ương và địa phương.
Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo được chắt lọc để Ban chủ nhiệm đề tài 06-HD/2000/NCKH đầu tư nghiên cứu, hoàn thiện báo cáo tư vấn chính sách đối với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
 

Tác giả: Theo: Công an Nhân dân/Pháp luật Việt Nam/Dân Trí.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây