Bích Thuỷ Lương Đình - Nét đẹp giao thoa giữa lụa và rối nước

Thứ bảy - 23/12/2023 22:07
Không phải diễn ở những sân khấu đặc thù hay ở những làng nghề chuyên biệt, nghệ thuật dân gian múa rối nước được sự kiện Bích Thủy Lương Đình mang tới không gian của làng lụa Vạn Phúc, nhằm tạo nên sự giao thoa đặc biệt. Qua đó, góp phần quảng bá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Ngày 10/12 vừa qua, sự kiện Bích Thuỷ Lương Đình đã diễn ra tại Đình làng Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội. Đây là sự kiện do nhóm sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn phối hợp phường rối nước Đào Thục, Đông Anh cùng ban quản lý Làng lụa Vạn Phúc tổ chức.
 
4
BTC sự kiện “Bích Thủy Lương Đình” - nhóm sinh viên Viện Đào tạo Báo chí & Truyền thông.
Sự kiện Bích Thủy Lương Đình diễn ra trong một ngày với nhiều hoạt động hấp dẫn. Cụ thể, từ 9h00 đến 18h00, du khách được tham gia trải nghiệm mặc các trang phục Cổ Việt, thực hành điều khiển con rối, vẽ mặt nạ hoặc viết thư pháp,... Từ 19h00 đến 21h00 là thời gian dành cho điểm nhấn của sự kiện - chương trình nghệ thuật dân gian múa rối nước với nhiều tiết mục đặc sắc như: Vỡ nước, Ba khí giáo trò…
 
1
Gian hàng vẽ chuồn chuồn tre và mặt nạ thu hút nhiều bạn nhỏ đến trải nghiệm.
2
Những “chú chuồn chuồn tre” khắc tên sự kiện được sáng tạo từ các nghệ nhân.
6
Đa dạng các hình thù mặt nạ cho hoạt động trải nghiệm.
5
Bộ Việt phục cùng các phụ kiện đi kèm đến từ nhà tài trợ “Cổ Trang Đại Việt Quán”.
8
Trải nghiệm điều khiển múa rối nước cùng nghệ nhân làng Đào Thục.
7
Du khách nước ngoài trải nghiệm viết thư pháp cùng các thầy đồ làng Vạn Phúc.
Xuất phát từ câu chuyện của một bạn học “sinh ra từ làng”, nhóm sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn đã liên tục tìm hiểu và quyết tâm thực hiện bằng được tâm nguyện “lan tỏa nét đẹp Việt”. Sau nhiều lần đi lại khảo sát, làng lụa Vạn Phúc là lựa chọn cuối cùng để hiện thực hóa quyết tâm của nhóm sinh viên.

Mang một loại hình nghệ thuật biểu diễn như múa rối nước đến một ngôi làng cổ chuyên về lụa như Vạn Phúc không phải điều dễ dàng.

“Chúng mình phải thức nhiều đêm để nghiên cứu làm sao để kịch bản không bị nhàm chán mà phải kết nối được câu chuyện rối nước mang từ xa đến làng lụa. Bên cạnh đó phải thiết lập chiến lược truyền thông rất rõ ràng bao gồm truyền thông trên mạng xã hội và đến trực tiếp làng Vạn Phúc, các trường đại học để phát tờ rơi và truyền miệng nữa”, một đại diện Ban tổ chức chia sẻ về những khó khăn khi xây dựng sự kiện.

Thế nhưng, bằng cả tâm huyết, ban tổ chức của chương trình đã rất thành công trong việc phối hợp lụa và nghệ thuật thông qua hoạt động trải nghiệm mặc cổ phục cùng hoạt động thưởng thức tiết mục múa rối nước. Vào buổi sáng, mặc dù trời có chút mưa nhưng BTC đã có những điều chỉnh gian hàng trải nghiệm linh hoạt để những khách tham gia sớm vẫn có thể trải nghiệm trọn vẹn. 

Là người trực tiếp tạo nên những tiếng hát của các con rối trong buổi biểu diễn, chị Thư đến từ phường rối nước Đào Thục cảm thấy vô cùng bất ngờ vì phong cảnh của làng Vạn Phúc, sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả cũng như sự chỉn chu, chuyên nghiệp của toàn bộ BTC.

Đánh giá về buổi trải nghiệm nói chung, cũng như buổi biểu diễn múa rối nước nói riêng, Ngọc Anh - sinh viên năm 3, Đại học Luật không giấu được sự bất ngờ: “Mình biết sự kiện qua mạng xã hội và đây cũng là lần đầu tiên mình được xem múa rối nước. Mình không nghĩ là Việt Nam mình lại có một loại hình nghệ thuật hết sức kỳ diệu và đẹp như thế. Tiết mục rối nước hôm nay thật sự rất hay và ý nghĩa”. Ngọc Anh rất mong rằng sẽ có nhiều cơ hội hơn nữa để có thể thưởng thức loại hình nghệ thuật này.
 
9
Đêm diễn múa rối nước “Bích Thủy Lương Đình” tối 10/12.
3
Đêm diễn múa rối nước thu hút đông đảo người dân đến tham gia.
“Bích Thủy Lương Đình” - Bức họa ngôi đình nằm giữa làn nước trong xanh của làng quê với những chú rối nước tếu táo sặc sỡ sắc màu luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải luôn ghi nhớ, bảo tồn và lan tỏa những nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc. Đó chính là thông điệp mà không chỉ Ban tổ chức mà cả những nghệ nhân, các cấp chính quyền muốn gửi gắm tới thế hệ trẻ.
 

Tác giả: Thu Duyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây