Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ bảy - 07/08/2021 01:13
Làm báo không chỉ là một nghề đơn thuần, bởi nghề báo tồn tại vì xã hội và cho xã hội. Rất nhiều người đưa ra quyết định về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống dựa trên thông tin mà họ có được từ các phương tiện truyền thông, mà báo chí đóng vai trò then chốt.
Nghề báo được xếp vào top 10 nghề vất vả, nguy hiểm nhất. Trong khi đại dịch Covid diễn biến phức tạp, nhiều ngành nghề, nhiều người chuyển sang làm việc trực tuyến tại nhà, thì các phóng viên vẫn phải trực tiếp bám sát hiện trường, săn tin, viết bài, cung cấp dòng chủ lưu thời sự, những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh, cũng như phương thức phòng chống, không chỉ giúp cho người đọc có hiểu biết về đại dịch và kiến thức tự bảo vệ bản thân và gia đình, mà còn giúp công chúng nhận diện tin giả - tin sai lệch, giúp công chúng nắm bắt nhanh chóng sự chỉ đạo của các cơ quan chức năng, giúp công chúng củng cố niềm tin, an tâm vững vàng phòng chống dịch.
Từ sự dấn thân với tinh thần làm việc không ngừng nghỉ của đội ngũ phóng viên báo chí, dòng tin tức nóng hổi từ tâm dịch về tình hình kinh tế xã hội, những giải pháp an sinh, và cả những tình huống phát sinh được truyền tải nhanh chóng, kịp thời, không chỉ giúp các nhà hoạch định chính sách nắm bắt rõ hơn tình hình thực tiễn, mà còn khơi dậy bao tấm lòng hảo tâm nhân ái, trợ giúp đồng bào trong lúc hoạn nạn, khó khăn.
Các cơ quan báo chí là đơn vị tiên phong ủng hộ trực tiếp cho hoạt động phòng chống đại dịch Covid-19. Công đoàn Đài THVN ủng hộ 596 triệu cho Quỹ Vaccines, báo Nhân Dân hỗ trợ 300 triệu đồng chia sẻ hỗ trợ người dân Tp Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn do dịch bệnh,…
Biết tin rất nhiều sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực sự khó khăn khi đang mắc kẹt tại Hà Nội trong thời gian thực hiện giãn cách, nhu yếu phẩm thiếu thốn, Báo Nhân Dân đã hỗ trợ 200 triệu đồng cho Nhà trường, Đài Truyền hình Việt Nam hỗ trợ 200 triệu, cựu sinh viên Vũ Phi Hổ ủng hộ 100 triệu (trong đó, dành 50 triệu cho sinh viên ngành Báo chí truyền thông),… Sinh viên ngành Báo chí truyền thông còn nhận được sự quan tâm trực tiếp của Quỹ học bổng của báo Đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Hải,... của nhà báo Lê Quốc Minh, nhà báo Hoàng Thúy Mai, nhà báo Đặng Kim Hiên, nhà báo Đào Xuân Hưng, nhà báo Trần Ngọc Hà, bà Nguyễn Thị Minh Hà, của các anh chị cựu SV khóa Văn bằng 2 Báo chí (2000 - 2003)… Các Thầy/Cô Viện mình cũng trích Quỹ để ủng hộ thêm cho các học trò...
Thầy và trò Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông luôn ghi nhớ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các anh chị nhà báo, của các nhà hảo tâm đối với học trò của Viện trong lúc khó khăn, eo ngặt, thiếu thốn trăm bề... Tinh thần trợ giúp thấm đẫm yêu thương của các anh, chị sẽ góp phần hun đúc thêm chất nhân văn cho các sinh viên - các nhà báo, nhà truyền thông tương lai. Và rồi, các nhà báo - nhà truyền thông sẽ tiếp tục thực hiện nghề nghiệp của mình với tinh thần ‘mắt sáng, lòng trong, bút sắc’, phụng sự công chúng, phụng sự xã hội.
Tất cả kinh phí trợ giúp của các anh, chị đều được chuyển khoản về Trường, và Nhà trường trực tiếp chuyển khoản cho các SV đang gặp khó khăn (theo đề xuất của Viện). Mong các em cố gắng giữ gìn sức khỏe, phòng chống dịch thật tốt, đồng thời, cố gắng học tập tốt nữa nhé. Hãy ghi chép lại những câu chuyện về chính nỗ lực vượt khó khăn của các em và gia đình, những câu chuyện đời thường phòng chống dịch mà các em quan sát được,… và hãy mạnh dạn gửi bài cho các cơ quan báo chí, các em nhé. Đấy cũng chính là cách mà Thầy trò chúng mình vượt qua khó khăn, vượt qua đại dịch này đấy!
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông là một gia đình.
Và gia đình chúng mình là BÁO CHÍ NHÂN VĂN!