Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ bảy - 20/11/2021 13:37
Sáng 19/11/2021, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã tổ chức phiên họp Hội đồng Khoa học và Đào tạo mở rộng của Viện để bàn nhiều vấn đề cấp thiết về chương trình đào tạo, về kế hoạch và chiến lược phát triển khoa học, đào tạo của Viện.
GS.TS. Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường trong phát biểu mở đầu đã đánh giá cao vị trí của ngành Báo chí và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong xã hội cũng như trong trường. GS hiệu trưởng tin tưởng, với tiềm năng, vị thế, nguồn lực mà Viện Đào tạo BCTT có, Viện sẽ có những bước phát triển nhanh, mạnh hơn nữa trong tương lai. Ghi nhận những thành tích của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông trong năm học 2020 – 2021, GS. Hoàng Anh Tuấn đã thay mặt ĐHQGHN trao Cờ đơn vị xuất sắc dẫn đầu ĐHQGHN cho tập thể cán bộ Viện.
Tại phiên thảo luận, Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng về kế hoạch điều chỉnh chương trình đào tạo ngành báo chí, báo chí chất lượng cao. Ban lãnh đạo Viện đề xuất gia tăng sức nặng cho các môn tốt nghiệp vì đang có hiện tượng sinh viên chỉ lựa chọn học môn tốt nghiệp thay cho khóa luận vì hai học phần này đang quá nhẹ. Đồng thời, bổ sung, gia tăng thời lượng cho một số học phần như Lịch sử báo chí, Báo chí Hồ Chí Minh... PGS.TS. Vũ Quang Hào cho rằng, khi thay đổi đề cương học phần, cần tính tới những năm sắp tới sẽ dạy gì cho người làm báo, từ đó sẽ biết phải bổ sung, giảm bớt học phần nào. Các môn học của Viện cần tập trung vào sản xuất sản phẩm và bán được sản phẩm báo chí, tránh nặng tính tuyên truyền. PGS.TS. Vũ Văn Hà cho rằng các môn học liên quan đến kinh tế báo chí truyền thông hiện nay đang nặng về lý thuyết. Cần có sự cân bằng giữa kinh tế báo chí truyền thông và kinh doanh báo chí truyền thông, một học phần thiên về lý thuyết, một học phần thiên về thực tiễn.
PGS.TS. Vũ Văn Hà phát biểu ý kiến. Ảnh: Phan Lê Huy
PGS.TS. Đinh Văn Hường cho rằng, bối cảnh đại dịch Covid 19 đang thay đổi rất nhiều thứ, sinh viên học online thiệt thòi hơn học trên giảng đường rất nhiều, chất lượng giáo dục vì thế cũng ảnh hưởng. Các đơn vị đào tạo, đặc biệt là đơn vị đào tạo đặc thù như Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cần có tính toán và chuẩn bị cho các điều kiện để sinh viên được thực hành khi có thể. PGS.TS. Đinh Văn Hường cũng nhấn mạnh rằng trong cơ cấu chương trình đào tạo cử nhân báo chí, cần quan tâm tới tính thị trường nhưng không nên chạy theo thị trường. Cần dạy sinh viên làm tốt nội dung để có thể bán được chứ không phải tập trung vào các kỹ xảo, kỹ thuật để xưng tên bán hàng. Viện cũng cần quan tâm đầu tư cho người dạy bằng cách tìm thầy giỏi, duy trì thầy giỏi vì trò giỏi (đầu vào cao) phải có thầy giỏi thì mới nâng cao chất lượng đào tạo được. Một số ý kiến khác của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, TS. Phan Văn Kiền, PGS.TS. Dương Xuân Sơn, TS. Đỗ Anh Đức, TS. Phạm Hải Chung, TS. Trần Duy, TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng... cũng đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào việc điều chỉnh, thêm bớt các học phần cho chương trình đào tạo báo chí và quan hệ công chúng của Viện.
PGS.TS. Đinh Văn Hường (áo đen) phát biểu. Ảnh: Phan Lê Huy
Tổng kết phiên họp, PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương ghi nhận các ý kiến tâm huyết đóng góp cho việc điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo của Viện. Ban lãnh đạo Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để có những điều chỉnh chương trình đào tạo báo chí trên tinh thần bắt kịp các xu hướng của thời đại nhưng không làm giảm đi những giá trị truyền thống, kinh điển mà chương trình của Viện đã xây dựng, tích lũy trong hơn 30 năm qua. Cuối phiên họp, Ban lãnh đạo Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã tặng hoa chúc mừng các thầy cô giáo của Viện nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.