Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ sáu - 28/04/2023 11:38
Nguyễn Hà Châu Giang lấy bằng cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh và Quan hệ công chúng ở hai trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, trong 4 năm.
Giang, 22 tuổi, đạt kết quả xuất sắc ở cả hai ngành với điểm trung bình (GPA) lần lượt là 3.69/4.0 và 3.79/4.0.
Đây là chương trình của Đại học Quốc gia Hà Nội, cho phép những sinh viên có kết quả học tập khá trở lên ở một trường thành viên học song song một chương trình khác. Người học được miễn một số tín chỉ trùng lặp, tổng thời gian để lấy được hai bằng khoảng 4-6 năm.
"Tôi không đặt mục tiêu xuất sắc từ đầu, chỉ cố gắng hết sức. Học bằng kép vất vả nhưng nếu không thử, tôi sẽ không biết khả năng và sức chịu đựng của mình tới đâu", Giang nói.
Giang quyết định theo đuổi ngành Ngôn ngữ Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ vào năm 2020, sau một năm học ngành quan hệ công chúng ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Thời điểm đó, dù đã có 7.5 IELTS, nữ sinh nhìn nhận nếu có năng lực ngoại ngữ tốt, chuyên sâu, cô sẽ thuận lợi hơn trong giao tiếp với khách hàng nước ngoài, rộng mở về cơ hội việc làm. Hơn nữa, sau này muốn chuyển hướng công việc, Giang cũng dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, Giang gặp áp lực ngay từ đầu. Năm 2020, dịch Covid-19 căng thẳng khiến các trường chuyển sang học online. Không mất thời gian đi lại giữa hai trường nhưng Giang khó khăn để cân đối thời gian học. Kiến thức ngành Quan hệ công chúng ở năm thứ hai bắt đầu dày lên, trong khi bên Ngôn ngữ Anh có nhiều môn chuyên ngành.
"Cả ngày tôi ôm máy tính, hết trường nọ đến trường kia. Có hôm tôi học bốn ca cả hai trường", cựu học sinh chuyên Văn, trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhớ lại.
Giang cho hay cả hai ngành đều có khối lượng bài tập lớn, đòi hỏi tính thực tế, thời hạn nộp bài sát nhau. Với ngành Ngôn ngữ Anh, môn nghiệp vụ biên phiên dịch, Giang phải tới các hội thảo học hỏi, quan sát rồi cùng bạn bè mô phỏng lại ở lớp, với người trình bày và phiên dịch. Học môn tiếng Anh tài chính - ngân hàng, cô phải lập kế hoạch tài chính cá nhân, sau đó phân tích tình hình sao cho đầu tư ít rủi ro nhất.
Trong khi đó, học môn tổ chức sự kiện ở ngành Quan hệ công chúng, sinh viên được yêu cầu thực chiến, tự lên kế hoạch, nộp thầy duyệt và tổ chức thật.
Thời điểm Giang căng thẳng nhất là đầu năm 2021 khi bước vào học kỳ hai của trường Ngoại ngữ. Ngày nào cô cũng thức đến 2-3h để hoàn thành bài tập.
"Tôi vừa làm bài vừa khóc. Nhiều lúc tôi muốn bỏ hết", Giang chia sẻ.
Dù không lường trước được những khó khăn gặp phải, Giang luôn quan tâm tới việc sẽ học và đạt được gì. Nhiều lúc xuống tinh thần, nhưng được gia đình, bạn bè động viên và hỗ trợ, cô dần vượt qua, sắp xếp mọi việc một cách khoa học. Đến đầu năm 2022, việc học của Giang đã vào guồng ổn định.
Luôn trong nhóm sinh viên xuất sắc nên từ năm 2022 đến nay, Giang được chọn tham gia nhiều chương trình giao lưu với sinh viên quốc tế. Trong đó, cô ấn tượng nhất với chuyến đi Thái Lan và Nhật Bản.
Với chuyến đi Thái Lan, Giang và các bạn gặp trục trặc khi cô giáo dẫn đoàn không thể xuất cảnh, phải tự lo liệu mọi việc. Sang tới nơi, Giang được cử đại diện phát biểu tại lễ khai mạc và bế mạc, trước hơn 2.000 sinh viên một trường đại học ở Bangkok. Cô cũng dẫn dắt mọi người tham gia các hoạt động giao lưu, thăm cung điện, bảo tàng quốc gia và trải nghiệm văn hóa cấy lúa của người bản địa.
"Trải nghiệm đó tình cờ giúp tôi nhận ra mình được mọi người tín nhiệm và công nhận như thế nào. Điều này rất quan trọng", Giang chia sẻ.
Hồi đầu năm nay, Giang là một trong 10 bạn trẻ được Trung ương Đoàn chọn tham dự chương trình Thanh niên Sinh viên Nhật Bản - Đông Á (JENESYS). Nữ sinh thể hiện sự chu đáo và sáng tạo với những chiếc khẩu trang và cài áo in cờ Việt Nam tặng bạn bè.
Cũng trong chuyến đi này, Giang được tham gia các buổi thảo luận về web 3.0, mataverse, tin giả... từ những chuyên gia đầu ngành của Nhật Bản, cùng bạn bè quốc tế đưa ra những giải pháp ở đất nước mình và trong khu vực.
Để có những trải nghiệm này, Giang cho hay đã có động lực từ sớm.
"Vì muốn tham gia các hoạt động trao đổi, trở thành đại diện của trường và Việt Nam, tôi đã nỗ lực học tốt, trau dồi ngoại ngữ để có sức cạnh tranh", Giang nói.
Cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó trưởng phòng Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, cho biết Giang không chỉ giành học bổng các học kỳ, học bổng tài trợ mà còn hai lần giành giải nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường.
"Giang cá tính, vừa học giỏi, vừa hoạt động ngoại khóa tích cực. Em ấy cũng tốt nghiệp sớm một kỳ. Hiếm có sinh viên nào như Giang", cô Mai nhận xét.
Hiện Giang làm phát triển sản phẩm tại một công ty trong lĩnh vực giáo dục. Cô nói hạnh phúc với những trải nghiệm đã qua thời đại học vì xác định được việc phải làm và cần làm.
"Tôi sẽ đi làm một thời gian để trải nghiệm và tiết kiệm tiền du lịch, trước khi du học", Giang cho biết.