- 22/10/2021 04:29:00 PM
- Đã xem: 1892
- Phản hồi: 0
Trong hơn một năm ròng sắm sanh trang phục, thiết bị và “học lỏm” kiến thức của dân buôn hàng con (thú rừng) nhằm vào vai chủ một chuỗi nhà hàng “Đặc sản núi rừng” đi lùng hàng mối lớn, nhóm phóng viên (trong đó có nam sinh viên K63 của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) đã chứng kiến một thế giới khốc liệt, thảm sát hoang thú đến cá thể cuối cùng và chà đạp lên các quy định đạo lý cùng luật pháp. “Bến đỗ” của tất cả các chuyến đi trong bài viết này chỉ là địa bàn Thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) lên dọc tuyến quốc lộ 7 “huyền thoại”: xuyên các huyện Diễn Châu, Yên Thành, Đô Lương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn đến giáp biên giới Việt - Lào. Chỉ là một khúc đường ở một trong 63 tỉnh thành của nước Việt đã như thế này, thử hỏi tài sản thiên nhiên chúng ta để lại cho con cháu có phải chỉ là một sự “tận diệt” chua xót và đáng xấu hổ hay không?Bẫy lớn, súng to. Vạc lửa nấu cao hổ, cao sư tử, cao da tê giác vài trăm độ và có vam khóa sắt với camera theo dõi “nồi cao tiền tỷ” với nhiều cặp mắt người giàu nhìn táu hạu 3 ngày đêm. Những “đầu gấu đầu mèo” cơ bắp ngổ ngáo. Xăm trổ xanh lèo đầy mình. Đeo vàng miếng và nanh hổ to như quả chuối. Các cuộc nhậu dốc cạn mình cho rượu, gái và thịt rừng. Đi qua cái mẽ ngoài đó, chúng tôi gặp những kẻ “ăn của rừng, rưng rưng nước mắt” theo đúng nghĩa đen mà các cụ đã chỉ dạy: thiên nhiên bị chọc tiết, con người đau đớn vì tra tay vào còng hoặc vướng vòng lao lý. Loạt phóng sự đã đăng trên báo Dân Việt.