Đào tạo bất kì ngành nghề nào cũng cần phải có quá trình thực tập, thực tế để người học biết cách vận dụng những điều đã học vào công việc. Với nghề PR của chúng tôi, thực tập, thực tế lại càng quan trọng. Có đi, có xem, có nghe, có thử tự tay làm mới vỡ vạc được nhiều điều quý giá. Ngày 14/12 vừa qua, sinh viên ngành Quan hệ công chúng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có một chuyến đi thực tế thú vị tại nhà máy Samsung Bắc Ninh. Chúng tôi không phải đến để tham quan cơ sở vật chất, dây chuyền sản xuất tiên tiến của họ, chúng tôi đến để học cách làm PR bằng một Factory Tour đẳng cấp quốc tế của Samsung.
Để có được Factory Tour đẳng cấp này, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền – trưởng bộ môn PR – Quảng cáo, khoa Báo chí và Truyền thông đã phải liên hệ, làm việc với phía công ty Samsung Việt Nam trước cả tháng trời. Samsung đã dành cho đoàn thực tế một sự chu đáo, cẩn thận đến mức vô cùng tỉ mỉ. Đúng 7h00, 2 xe ô tô 45 chỗ đón thầy trò ngành PR tại sân trường, sau hơn 1 giờ đồng hồ chạy xe, chúng tôi đã đến được khu công nghiệp Yên Phong, Bắc Ninh và dừng chân tại Trung tâm đào tạo nhân tài của công ty Samsung. Đoàn được đón tiếp tại Hội trường Hoa Sen – đây được xem là căn phòng đẹp nhất về cả cơ sở vật chất cũng như “phong thủy” của nhà máy Samsung Bắc Ninh (SEV).
Factory Tour của chúng tôi bắt đầu bằng một bài thuyết trình đầy công phu của Giám đốc Truyền thông đối ngoại của Samsung Việt Nam – Vũ Diệu Linh. Qua lời giới thiệu của chị Linh, Samsung Việt Nam hiện lên trong chúng tôi là một ngôi nhà thân thiện với tài sản quý giá nhất là con người. SEV là nhà máy lớn thứ hai của Samsung trên thế giới. Tại Samsung dù là người sản xuất, dù có vị trí cao hay thấp đều được tôn trọng, được được dùng danh xưng là nhân viên. Các chế độ phúc lợi của nhân viên Samsung Việt Nam vô cùng chu đáo, thậm chí có thể nói là “trên cả luật”, ví dụ như nhân viên nghỉ thai sản được 8 tháng thay vì 6 tháng như pháp luật quy định.
Bên cạnh những chia sẻ về lịch sử hình thành, cơ cấu của Samsung tại Việt Nam, đoàn thực tế đã có phần Q&A cùng các nhân viên phòng truyền thông của Samsung Việt Nam. Qua đây, chúng tôi được biết họ chỉ có 8 nhân sự cho toàn bộ công tác truyền thông tại Việt Nam, 4 cho đối nội và 4 cho đối ngoại. Công tác đối nội, xây dựng văn hóa doanh nghiệp được Samsung đề cao vì với họ 160. 000 nhân viên là vốn quý, phải kết nối, phát huy được sức mạnh tập thể. Khối lượng công việc khổng lồ, áp lực lên sóng các sản phẩm truyền thông nội bộ đúng hạn (1 số tạp chí / 1 tháng, 1 video tin tức / 15 ngày), overtime liên tục nhưng những con người ấy vẫn luôn tươi cười đón tiếp chúng tôi từ khi đặt chấn tới đến lúc ra về. Một tác phong làm việc chuyên nghiệp, làm việc hết mình không hề mệt mỏi là điều mà chúng tôi cảm nhận được của những chuyên viên phòng truyền thông nơi đây.
Rời hội trường Hoa Sen, điều đầu tiên chúng tôi được nhận là .. những đôi bọc giầy chống tĩnh điện để đảm bảo an toàn cho bản thân. Đoàn thực tế di chuyển đến một xưởng sản xuất linh kiện điện thoại trong khuôn viên của SEV. Chấp hành nội quy nghiêm ngặt của nhà máy, tất cả chúng tôi, kể cả các anh chị nhân viên truyền thông cũng đều để lại toàn bộ thiết bị điện tử trước khi đi vào phân xưởng. Sẽ là hơi thừa nếu nói dây chuyền, máy móc, hệ thống trang thiết bị của SEV là hiện đại, tân tiến. Ấn tượng hơn cả có lẽ là tác phong làm việc của nhân viên sản xuất vô cùng chuyên nghiệp, nghiêm túc và khẩn trương. Dù có sự “làm phiền” của đoàn thực tế nhưng không hề ai rời tay máy, không hề ai có sút sao nhãng dù chỉ một vài giây, tất cả dường như được đào tạo rất kĩ và cẩn thận.. Để tiếp tục Factory Tour, tất cả chúng tôi phải đi qua cửa kiểm tra an ninh, tất cả mọi người, không trừ một ai.
Rời SEV, chúng tôi di chuyển tới điểm đến tiếp theo của chuyến đi là khu Kí túc xá nhân viên cách khoảng gần 2 km. Nơi đây được ví von là khu “mầm non đẳng cấp quốc tế”. Tất cả các tòa nhà đều có rất nhiều màu sắc và họa tiết nổi bật theo phong cách kiến trúc color-block. Thiết kế này được nhân viên quản lí tiết lộ rằng sẽ giúp các nhân viên sản xuất được thư giãn, giải tỏa căng thẳng sau một ngày làm việc. Các tòa kí túc ở đây được xây dựng theo phong cách của những chung cư hiện đại. Mỗi tầng có một phòng sinh hoạt chung với ti-vi, sofa, bài trí thân thiện, ấm cúng, một phòng trang điểm với hệ thống máy sấy tóc, gương soi, nhà tắm và các căn hộ với 6 người 1 phòng. Dưới tầng 1 của các color-block là các dịch vụ khác nhau như siêu thị, cafe sách, phòng gym, phòng hát karaoke, phòng game, rạp chiếu phim mini ... Để sử dụng kí túc xá và các dịch vụ này, nhân viên của SEV chỉ phải chi trả 50.000 vnđ / tháng (năm mươi ngàn đồng) là chi phí tượng trưng cho tiền điện nước để họ có thêm ý thức về căn nhà của mình.
Khám phá xong nơi ở của nhân viên SEV, Factory Tour đi đến chặng cuối bằng một bữa ăn hoàn toàn miễn phí tại căng-tin khổng lồ của SEV. Căng-tin tại đây phục vụ với con số lên đến hàng nghìn suất ăn mỗi ngày, lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ tính bằng tấn. Có 8 thực đơn dành cho chúng tôi lựa chọn, chọn được thực đơn ưng ý, mỗi người di chuyển theo đường kẻ chỉ dẫn để lấy khay, đổi phiếu ăn lấy suất ăn của mình. Tại SEV, mọi nhân viên bình đẳng với nhau, từ nhân viên cấp thấp đến cấp cao cũng đều chấp hành một quy trình xếp hàng, tự phục vụ trong nhà ăn, không hề có sự phân biệt nào khác.
Factory Tour của Samsung Việt Nam dành cho sinh viên ngành PR tưởng chừng đã khép lại với bữa ăn hoàn hảo, nhưng vẫn còn một phần nữa khiến chuyến đi không còn gì để phải tiếc nuối, đó là những món quà đến từ Samsung dành cho đoàn thực tế: chiếc balo laptop Tucano có in logo của Samsung. Như vậy, chúng tôi đến Samsung, nghe họ nói, xem họ làm, tham quan chỗ họ ở, ăn cùng họ và thậm chí ... mang cả “tên” của họ theo về. Chuyến đi kết thúc trong nụ cười và cái vẫy tay chào của những anh chị nhân viên phòng truyền thông, xe chuyển bánh, chúng tôi trở về Hà Nội lúc 13h cùng ngày.
Factory Tour tại Samsung đã khép lại, trải nghiệm thực tế về một hoạt động PR để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp đã mở mang cho sinh viên PR Nhân văn biết bao điều.
Chia sẻ về chuyến đi, Mai Lan – sinh viên năm cuối cho biết
“Để kịp cho chuyến đi này tôi đã phải bắt chuyến xe khách lúc 4h sáng từ quê lên Hà Nội để kịp gặp đoàn. Đối với những người làm PR chúng tôi, mỗi khi đi đến đâu tôi đều đặc biệt dành sự quan sát cho con người nơi đó. Bởi PR là văn hóa, mà văn hóa suy cho cùng cũng là từ con người. Sau chuyến đi, một con người Samsung, một văn hóa Samsung đã hiện lên thật rõ nét trong hình dung của chúng tôi.”
Là một sinh viên ngành PR, không bao giờ được phép không đặt ra những câu hỏi khi đi đến bất kì đâu, Ngọc Linh – lớp trưởng K60PR có những chia sẻ:
“Chế độ chăm sóc nhân viên tuyệt vời mà SamSung đang làm là lí do dễ hiểu để SamSung luôn thu hút nguồn nhân lực tìm đến và giữ chân nguồn nhân lực vốn có. Con người ai cũng mong muốn được yêu thương và Samsung đã yêu thương họ như người một nhà. Tuy nhiên thì những câu chuyện thầm kín, khó nói của nhân viên làm ở Samsung vẫn còn là một điều tò mò đối với mình. Liệu họ có thật sự yêu mến, bằng lòng với những gì mình đang làm tại nhà máy này.? Rồi quan hệ giữa quản lí cấp cao với nhân viên có thật sự không phân biệt đẳng cấp như được nói? Có lẽ đây là điều mà mình sẽ luôn muốn tìm câu trả lời sau chuyến đi.” ./.
Tác giả: Trần Hiếu (lớp trưởng K59 PR)