Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ tư - 21/02/2024 09:44
Ban biên tập website Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN trân trọng giới thiệu cuốn sách chuyên khảo “Truyền hình hiện đại – Giải pháp số” của tác giả Bùi Chí Trung, Nguyễn Đình Hậu (chủ biên). Sách do Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản và phát hành.
Những thành tựu của khoa học và công nghệ trong kỷ nguyên số 4.0 đã tạo nên sự bùng nổ thông tin trên phạm vi toàn cầu. Đó là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho mỗi loại hình truyền thông trong quá trình phát triển, trong đó có truyền hình.
Trước thực tế này, truyền hình đương đại đã phải không ngừng nỗ lực vươn lên, bứt phá, nắm bắt cơ hội, nhất là cơ hội từ công nghệ cho loại hình của mình ở tất cả các khía cạnh trong điều kiện có thể.
Hàng loạt những thử nghiệm mới đã được nghiên cứu, ứng dụng và trở thành xu hướng của truyền hình, được các kênh, các đài, các phóng viên ứng dụng trong quản lý, tác nghiệp và điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn của đơn vị mình.
Nối tiếp những gợi mở của hiện thực truyền hình đã được trình bày trong cuốn sách Truyền hình hiện đại – Những lát cắt 2015 – 2016, lần này, nhóm tác giả Bùi Chí Trung, Nguyễn Đình Hậu (chủ biên), cùng các cộng sự đã tiếp tục triển khai truyền hình hiện đại tập 2, điểm nhấn vào các giải pháp số.
Nội dung cuốn sách gồm 3 phần với 9 chương tập trung trình bày, giải thích những vấn đề mới mà truyền hình hiện đại đang phải “lặn ngụp” trong dòng chảy cuồn cuộn của truyền thông số để tồn tại, phát triển.
Một số nội dung chính của cuốn sách như: truyền hình đa nền tảng; việc khai thác các nền tảng mạng xã hội; cơ hội, thách thức trong phát triển sản phẩm truyền hình đa nền tảng; sự bùng nổ của truyền hình OTT; các tính năng và giá trị ưu việt của truyền hình OTT so với truyền hình truyền thống; sự phát triển sản phẩm nội dung trên nền tảng OTT; tốc độ phát triển dịch vụ truyền hình OTT; thị phần dịch vụ trực tuyến; doanh thu truyền hình OTT tại một số quốc gia; tương tác với công chúng số; nguyên tắc thực hiện tương tác với công chúng trong chương trình truyền hình; cách thức xây dựng hệ sinh thái người dùng lớn mạnh; một số mô hình tương tác với công chúng trong chương trình truyền hình trên thế giới; những giải pháp để phát triển nội dung tương tác với công chúng; gợi mở về mô hình tương tác hiện đại...
Mặc dù đã có nhiều cải tiến, phát triển nhưng truyền hình đương đại vẫn không ít khi rơi vào tình trạng lúng túng, bị động, bị cạnh tranh gay gắt. Hy vọng rằng cuốn sách Truyền hình hiện đại – Giải pháp số sẽ mang đến cho người đọc, nhất là những người quan tâm đến lĩnh vực báo chí nói chung, truyền hình đương đại - truyền hình trong bối cảnh số nói riêng những gợi mở về những lý luận khoa học, những góc nhìn thực tiễn mới mẻ cùng những giải pháp thiết thực, bổ ích cho sự phát triển của truyền hình hiện đại trong kỷ nguyên số.