Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ sáu - 12/01/2024 11:32
Sáng 11/1, TS Nguyễn Thu Giang có buổi thuyết trình “Nghiên cứu chuyển đổi số: Trường hợp xe ôm công nghệ” tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tham dự buổi thuyết trình có gần 70 giảng viên, học viên và những người quan tâm đến chuyển đổi số.
Phát biểu tại buổi giao lưu, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhấn mạnh tầm quan trọng của nghiên cứu chuyển đổi số, đặc biệt là ở Việt Nam. “Nghiên cứu về chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng rất cấp thiết. Hôm nay, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông may mắn ‘đặt hàng’ được TS. Nguyễn Thu Giang”. Buổi thuyết trình của TS Giang cũng là mở đầu cho chuỗi thuyết trình khoa học được Viện ĐTBC&TT tổ chức định kỳ hàng tháng từ năm 2024.
TS. Nguyễn Thu Giang là giảng viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Queensland (Úc). Cô đã xuất bản cuốn chuyên khảo “Television in Post-Reform Vietnam: Nation, Media, Market” - cuốn sách được coi là chuyên khảo đầu tiên bằng tiếng Anh trên thế giới về truyền thông đương đại Việt Nam.
Số và thách thức về nghiên cứu chuyển đổi số tại Việt Nam
Trong các cuộc hội thảo mà TS. Nguyễn Thu Giang tham gia vào giai đoạn 2016 - 2017, nghiên cứu về số tại nhiều nơi đã "nóng" hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. “100 bài nghiên cứu thì 90 bài về số. Sự sợ hãi bị bỏ lỡ - FOMO (fear of missing out) làm tôi quyết định chuyển hướng nghiên cứu sang chuyển đổi số”, cô Giang chia sẻ.
TS. Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh những nghiên cứu về chuyển đổi số không giới hạn theo những đường hướng cụ thể. Các chủ đề có thể đa dạng như các mẹ bỉm sữa, chơi game, các ứng dụng hẹn hò hay trung tâm chuyển đổi số. Mọi thứ bắt đầu từ số và có thể dẫn đến bất kỳ hướng nào mà nghiên cứu viên không thể dự đoán trước được.
Tại Việt Nam, mạng trở thành một phần quan trọng của cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19. TS. Nguyễn Thu Giang chia sẻ: “Một trong những biểu hiện của chuyển đổi số tại Việt Nam là những tờ quảng cáo dán cột điện. Cách đây hơn 10 năm, phần lớn là quảng cáo khoan cắt bê tông. Đó là khi nhu cầu phát triển hạ tầng, nhà ở cao. Hiện tại, quảng cáo lắp đặt mạng internet mới chiếm phần nhiều. Kết nối mới là nhu cầu thiết yếu của người dân”.
Vấn đề lệ thuộc vào công nghệ nước ngoài là một thách thức tại Việt Nam. Người dân sử dụng hàng loạt ứng dụng và dịch vụ nước ngoài như Google, TikTok, và Facebook, điều này tạo nên một tình trạng phụ thuộc và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và văn hóa số trong nước.
Bế tắc về cả lý thuyết và phương pháp, những nhà nghiên cứu Việt Nam luôn cần đặt ra câu hỏi: “Làm như thế nào để nghiên cứu về chuyển đổi số? Thế nào gọi là số?”. Diễn giả Nguyễn Thu Giang cho rằng mỗi nghiên cứu về chuyển đổi số đều phải đặt ra định nghĩa về chuyển đổi số, đồng thời đưa ra những thách thức lớn trong ngành khoa học xã hội.
Việt Nam đối diện với khả năng “black box” - nơi quyền lực và xử lý dữ liệu không còn nằm trong tay các thiết chế công cộng mà tập trung ở các công ty tư nhân lớn. Những dữ liệu đó chính là thông điệp. “Thông điệp quảng cáo, truyền thông có thể sửa đổi theo từng đối tượng, tùy chỉnh theo độ tuổi, giới tính, sở thích. Mình không thể nào biết được những nghiên cứu đấy”, TS Giang nhấn mạnh.
Tiếng nói của khoa học xã hội tại Việt Nam chưa đủ mạnh
Mặc dù tiếng nói của khoa học xã hội đã trở nên đủ mạnh mẽ trên thế giới, nhưng ở Việt Nam lại có xu hướng tiến triển chậm. Có một xu hướng tự nhiên khi phải đối mặt với vấn đề, người ta thường nghĩ đến việc sử dụng công nghệ mới, nhưng công nghệ nằm trong xã hội, công nghệ giải quyết các vấn đề của cuộc sống.
TS. Nguyễn Thu Giang cho rằng: “Nghiên cứu khoa học xã hội về chuyển đổi số là nghiên cứu cái bóng đèn của công nghệ. Bóng đèn càng sáng thì cái chân càng tối”, tức là mỗi bước tiến về công nghệ mang lại nhiều góc khuất và thách thức mới về việc khai thác dữ liệu.
Nghiên cứu về chuyển đổi số trong khoa học xã hội đòi hỏi tính liên ngành cao, sử dụng các phương pháp mới như điền dã, khám phá những lĩnh vực nghiên cứu mới. Việc đọc lại những nghiên cứu cũ và quay lại những quan điểm của những nhà nghiên cứu như Marshall McLuhan trở nên cần thiết. McLuhan đã đề cập đến khả năng tác động của phương tiện truyền thông và kỹ thuật đối với con người và xã hội, điều mà TS. Nguyễn Thu Giang đánh giá cao trong bối cảnh chuyển đổi số.
Nghiên cứu trường hợp xe ôm công nghệ
Để hiểu rõ hơn về chuyển đổi số tại Việt Nam, TS. Nguyễn Thu Giang và đồng nghiệp đã có một nghiên cứu về trường hợp chuyển đổi số xe ôm công nghệ có tựa: “Taming the Algo: Grab Bikers Grappling with Platform Logics from the Bottom up” (tạm dịch: “Thuần hóa thuật toán: Tài xế Grab đang vật lộn với logic nền tảng).
Các tài xế Grab đối mặt với những khó khăn và áp lực đặc biệt trong công việc hàng ngày của họ. Đối với họ, nơi để về chỉ là những căn nhà, trọ tạm bợ. Họ bế tắc giữa những đường phố hối hả và sự áp đặt thời gian và áp lực liên tục đang đè nặng lên đời sống của họ. Một tài xế chia sẻ, “Em thích chạy food (đồ ăn) với chạy đưa hàng vì phóng nhanh không ai kêu nên mình tiết kiệm được thời gian hơn”.
Sau khi nghiên cứu về xe ôm công nghệ, TS Giang nhận thấy các tài xế chạy xe sử dụng ba chiến thuật "rèn áp" để tồn tại và thành công trong môi trường cạnh tranh khốc liệt của nền tảng này. Đó là: hiểu áp (improvising), xoay sở (scambling) và chịu đựng (enduring).
Đầu tiên, chiến thuật “hiểu áp” đòi hỏi tài xế phải “lý thuyết hóa” mối quan hệ với “áp” ở cấp độ cá nhân, tùy vào mức thu nhập kỳ vọng, nhịp sống, tình trạng sức khỏe, năng lực ứng biến và khả năng chịu đựng áp lực. Thứ hai là “xoay sở”. Các tài xế luôn phải chạy dưới trời nắng, chạy dưới trời mưa, chạy lên vỉa hè, chạy theo ý khách, chạy khi đói, chạy cả đêm. “Hôm nào buổi trưa nóng, không ai muốn ra ngoài ăn. Em đi giao đồ tới 2 giờ chiều, không có lúc nào mà ăn trưa luôn. Nổ không kịp thở”, một bác tài chia sẻ. Cuối cùng là chiến thuật “chịu đựng”, các tài xế Grab phải duy trì mức năng suất cao, làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày trong vài tháng để “áp nó quen”.
Diễn giả Nguyễn Thu Giang đã nghiên cứu dưới góc độ hiện sinh rằng “Đời của những người chạy Grab đi đến đâu?” khi khi sếp của họ là “áp”, họ lao động cho nền tảng và họ không thể ngừng di chuyển.
Người lái xe không có cộng đồng, không biết đồng nghiệp của mình là ai. Khi được hỏi về tương lai, câu hỏi này dường như làm cho hầu hết các tài xế ngập ngừng. Dù có thế nào, họ vẫn cần phải tìm kiếm một nơi để sống, một nơi mà họ có thể gọi là “nhà”. Cuộc sống không dừng lại để họ có thể suy nghĩ về những kế hoạch dài hạn.
TS. Nguyễn Thu Giang nhận thức được: “Dù tình cảnh có ra sao, dù đời sống đầy rủi ro và bất định, dù nay đây mai đó, chúng ta vẫn phải tìm đường để sống và phải tìm ý nghĩa trong đời mình. Hơn bao giờ hết, công nghệ số khiến cho chúng ta phải đặt ra câu hỏi về sự tồn tại của chính mình. Làm thế nào để vẫn tiếp tục sống một cuộc đời có ý nghĩa, có trật tự, có mục đích, có đạo đức, có cộng đồng khi mà mọi hoạt động của chúng ta đều do công nghệ số điều tiết. Câu hỏi về mối quan hệ với máy móc và công nghệ làm lộ ra những băn khoăn tận căn về sự tồn tại của con người”.
Một số hình ảnh của buổi thuyết trình:
Để nghiên cứu về chuyển đổi số xe ôm công nghệ “Taming the Algo: Grab Bikers Grappling with Platform Logics from the Bottom up”, TS. Nguyễn Thu Giang đã tiến hành 60 cuộc trò chuyện với tài xế GrabBike, đồng thời thực hiện 10 cuộc phỏng vấn sâu trong khoảng thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023. Các cuộc nói chuyện xoay quanh tiểu sử tài xế, các tình huống thường gặp như tắc đường, thời tiết xấu, giờ ăn uống, tốc độ, trang thiết bị, cảnh sát, chiến thuật tăng thu nhập. Cô cũng theo dõi hội nhóm trên Facebook trong vòng một năm để hiểu rõ hơn về tâm tư và trải nghiệm của cộng đồng lái xe nền tảng.