Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã ban hành chương trình đào tạo “Thạc sĩ khoa học Quản trị truyền thông” liên kết với ĐH Stirling (Scotland, Vương Quốc Anh). Chương trình do các giáo sư hàng đầu của đại học Stirling giảng dạy, bằng tốt nghiệp do ĐH Stirling cấp.
Chương trình này sẽ được dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do các giáo sư hàng đầu của đại học Stirling giảng dạy. Chương trình dự kiến bắt đầu nhận hồ sơ dự tuyển từ ngày 20/1/2015 và khai giảng vào đầu tháng 5 năm 2015.
Nhu cầu xã hội trong lĩnh vực Quản trị truyền thông
Trong những năm gần đây, tại Việt Nam, không khó để nhận ra rằng nhu cầu nghề nghiệp trong lĩnh vực truyền thông đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, vì lý do lịch sử, giáo dục truyền thông chuyên nghiệp vẫn chưa thực sự phát triển đúng theo yêu cầu của xã hội.
Các kĩ năng về quản trị truyền thông chủ yếu được tích lũy thông qua kinh nghiệm thực tế hơn là từ một hệ thống tri thức chuyên biệt và bài bản. Các dịch vụ truyền thông và dịch vụ dựa trên truyền thông chưa được xem xét với tư cách là các hoạt động công nghiệp với những đặc thù kinh tế riêng, và cần được tiếp cận bằng những kỹ thuật và phương pháp quản lý chuyên biệt.
Những thuật ngữ và công cụ quan trọng và phổ biến trên thế giới như xếp hạng truyền hình, kiểm soát lượng phát hành, đặc tính khán/thính/độc giả hầu như không tồn tại ở thị trường truyền thông Việt Nam trước đổi mới và hiện nay cũng vẫn chưa được tìm hiểu đúng mức và khai thác hiệu quả.
Trước đó, Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Khoa Báo chí và Truyền thông cũng đã thống nhất đề nghị Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn cho phép thành lập Bộ môn Quản trị Truyền thông trực thuộc Khoa. Đề xuất này đã được Nhà trường đồng ý về mặt chủ trương.
|
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, yêu cầu thay đổi tư duy truyền thông và quản trị truyền thông đang trở nên hết sức cấp bách nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh ở trong nước cũng như trên toàn cầu của giới truyền thông nói riêng và của nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Sự thiếu chuyên nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động của ngành truyền thông mà còn tới các quá trình phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia về lâu dài.
Điều đáng mừng là nhu cầu cấp bách về đào tạo truyền thông chuyên nghiệp – đặc biệt là những kiến thức và kĩ năng mới trong truyền thông và quản trị truyền thông – đã bắt đầu được ghi nhận tại Việt Nam. Một số nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng nhiều nhà quản lý truyền thông tại Việt Nam không hài lòng với sự thiếu chuyên nghiệp của các nhân sự về truyền thông.
Nhiều cơ sở truyền thông, hưởng ứng chủ trương thành lập tập đoàn của chính phủ Việt Nam, đang muốn phát triển thành những doanh nghiệp lớn với mô hình tập đoàn truyền thông đa phương tiện nhưng cũng chưa thực sự tìm được một mô hình tổ chức phù hợp.
Có thể thấy các nhà quản trị truyền thông ngày nay cần được trang bị kiến thức, thái độ và các kĩ năng chuyên nghiệp để có thể đối phó với những thách thức chưa từng có đến từ thị trường truyền thông trong nước và thế giới.
Hội nhập trong đào tạo Quản trị truyền thông: hướng đi mới
Nắm bắt nhu cầu cấp bách của xã hội đối với ngành quản trị truyền thông, trong bốn năm qua, lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã chỉ đạo Khoa Báo chí và Truyền thông nghiên cứu, tìm hiểu và đề xuất chương trình đào tạo ngành mới này.
Tận dụng và khai thác thành tựu của các cơ sở đào tạo nước ngoài danh tiếng đã có lịch sử đào tạo ngành quản trị truyền thông trong nhiều thập kỉ, Khoa Báo chí và Truyền thông đã kết nối và hợp tác với Đại học Stirling (Scotland, Vương Quốc Anh) xây dựng đề án mở ngành đào tạo về quản trị truyền thông.
Sau nhiều nỗ lực, cuối tháng 10 năm 2014, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã kí quyết định số 3817/QĐ-ĐHQGHN chính thức ban hành chương trình liên kết đào tạo Thạc sĩ khoa học Quản trị truyền thông.
Thông tin chi tiết về chương trình, xin vui lòng liên hệ tới Khoa Báo chí và Truyền thông, cô Hoàng Thị Thu Hà, theo email
hoanghamt@gmail.com, và số điện thoại 0915844759.