Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ tư - 19/02/2025 21:58
Sáng 19/2, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (BC&TT) tổ chức Hội nghị Tổng kết đào tạo thí điểm Thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông nhằm đánh giá những thành công và tồn tại của chương trình sau 5 năm triển khai.
Hội nghị có sự góp mặt của PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, các thầy cô trong Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Đào tạo BC&TT cùng nhiều chuyên gia, giảng viên ngoài tham gia giảng dạy chương trình Thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông.
TS. Nguyễn Thị Thuý Hằng, Trưởng bộ môn Quản trị Báo chí Truyền thông báo cáo kết quả đào tạo thí điểm. Hiện nay, chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông của Viện là chương trình đầu tiên ở Việt Nam cấp bằng cho học viên về ngành học này.
Chương trình có nhiều học phần mới, chất lượng cao, đội ngũ cán bộ giảng dạy có năng lực nghiên cứu khoa học, 100% giảng viên có học vị Tiến sĩ. Theo TS. Nguyễn Thị Thuý Hằng, sau 5 năm, Viện Đào tạo BC&TT cần rà soát và điều chỉnh, cập nhật các mục tiêu, chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo. Công tác trao đổi, hợp tác giữa Viện và học viên chưa thường xuyên. Chương trình cũng cần xác định rõ hơn tiêu chí đánh giá học viên. Ngoài ra, nhiều đề tài luận văn của học viên còn mang tính cá nhân.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật trung ương đánh giá việc mở chương trình đào tạo thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông là hoàn toàn phù hợp. Quản trị các cơ quan báo chí, truyền thông là công việc mang tính khoa học, bởi vật cần có sự đào tạo chuyên sâu.
“Chúng ta cần có chương trình bài bản hơn, nâng cao hơn, chúng ta nên mời lãnh đạo các cơ quan báo chí về giảng dạy bởi họ đang điều hành trong thực tế”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ chia sẻ.
PGS.TS Đặng Thị Thu Hương (giữa ảnh) chia sẻ, số lượng học viên của chương trình nên được so sánh với các ngành truyền thống để khẳng định đây là lĩnh vực có tính đặc thù. Theo PGS.TS Đặng Thị Thu Hương, ngoài những yếu tố liên quan đến chuyển đổi số, chương trình cần làm nổi bật hơn nữa những yếu tố về thực tiễn.
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo BC&TT cho rằng chương trình Thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông cần có một tiêu chuẩn kiến thức rõ ràng hơn cho đầu vào. Viện cũng cần đổi mới hơn nữa đội ngũ giảng dạy vì đây là ngành học có tính liên ngành rất cao.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện chia sẻ, quản trị báo chí và truyền thông là một miền tri thức mới nhưng sau 5 năm thí điểm, Viện Đào tạo BC&TT đã có đủ điều kiện để đổi mới chương trình. PGS.TS Nguyễn Văn Dững nhấn mạnh Viện cần có thêm các cuộc hội thảo với các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí để nêu ra tầm quan trọng của quản trị báo chí và truyền thông.
PGS.TS Trần Bảo Khánh cho rằng, Viện cần đồng hành cùng học viên trong việc xây dựng và triển khai các mô hình, đề tài nghiên cứu, để các công trình của học viên có đóng góp thực sự cho cơ quan đơn vị. PGS.TS Trần Bảo Khánh gợi ý Viện có thể làm khảo sát trước và sau khi học viên xây dựng mô hình để thấy rõ tác động của các công trình đến thực tiễn.
PGS.TS Đinh Văn Hường, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Đào tạo BC&TT đánh giá các học phần của chương trình cần được đổi mới phương pháp giảng dạy, cập nhật kiến thức. PGS.TS Đinh Văn Hường cho rằng, chương trình đào tạo nên được tách ra 3 khối gồm quản trị báo chí khu vực công, khu vực tư nhân và khu vực vốn nước ngoài.
Phát biểu tổng kết hội nghị, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo BC&TT gửi lời cảm ơn ý kiến đóng góp của các thầy cô, chuyên gia cho chương trình đào tạo. Viện Đào tạo BC&TT sẽ tiếp thu và tiếp tục cập nhật, trình sửa để hoàn thiện hơn nữa chương trình Thạc sĩ Quản trị Báo chí Truyền thông.