Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ sáu - 16/06/2023 18:05
Chiều 15/06, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân có buổi chia sẻ với thầy cô và sinh viên K66 Báo chí Chất lượng cao, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Nhà báo đã chia sẻ nhiều góc nhìn về nghề báo đúc rút từ hơn 40 năm kinh nghiệm của mình.
Phát biểu tại buổi giao lưu, TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chia sẻ: “Trước thềm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Viện Báo rất vinh dự chào đón nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - một cây bút nổi bật của nền báo chí đổi mới Việt Nam". Tên tuổi nhà báo Huỳnh Dũng Nhân gắn với một loạt những phóng sự xã hội ấn tượng như: “Hai giờ dưới lòng đất”, “Ăn tết trong rừng chó sói”, “Con đường bia bọt”. Đồng thời, ông còn là một giảng viên ngành báo chí, một người thầy, người truyền lửa cho bao thế hệ sinh viên, phóng viên trẻ. Buổi giao lưu này cũng nhân sự kiện tác giả Huỳnh Dũng Nhân ra mắt tuyển tập hồi ký “40 năm đi, yêu và viết”.
Phóng sự trôi theo dòng chảy của thời cuộc
Nhận được câu hỏi về thời kỳ ra đời của phóng sự, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân đã ví von phóng sự như là một ly cocktail - thức uống có sự pha trộn của rượu, nước trái cây, đường; còn với phóng sự là sự kết hợp giữa tả – thuật – bình, là trung gian giữa văn học và báo chí. Với nhà báo, phóng sự phải có sự hòa trộn, phải nhiều thứ kết hợp mới hay.
“Tôi may mắn khi được sinh ra trong thời chống Mỹ, lớn lên ở biên giới Tây Nam và được sống đến thời bình.” Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ.
Do tình hình đất nước, phóng sự thời kỳ đầu gắn với văn học, ký. Thời ấy xuất hiện những nhà văn chiến sĩ, nhà báo chiến sĩ viết để cổ vũ, nâng cao tinh thần yêu nước của nhân dân. Phóng sự những năm 1932 - 1945 là thế hệ của Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, những người khai thác tối đa chất liệu nghệ thuật để làm nên các tác phẩm, phóng sự đậm đặc chất văn. Phóng sự thời điểm này có khả năng bao quát xã hội.
Đến những năm 1986, phóng sự sang thời kỳ đổi mới. “Đổi mới là dám ăn dám nói. Khi ấy, chất điều tra, nội chính nổi lên, không còn văn chương được nữa. Nổi tiếng phải kể đến ‘Lời khai của bị can và Người biết làm giàu’ của Trần Huy Quang hay ‘Đêm hôm ấy đêm gì?’ của Phùng Gia Lộc. Thời kỳ đất nước hòa bình, cơm ăn áo ấm thì phóng sự phải ngọt ngào hơn một chút. Tôi có thể nói đến chuyện hoa hậu, chuyện phù sa màu mỡ tại Đồng bằng sông Cửu Long hay những chủ đề mới hơn như thú ăn chơi của người dùng điện thoại…”, nhà báo chia sẻ.
Giá trị cốt lõi của người làm báo
Chuyện “đút lót” bảo vệ quán bar để có ảnh viết báo ở Phi-líp-pin, giả vờ làm con buôn thâm nhập trái phép đến 50km ở Trung Quốc hay tự mình đến hiện trường con voi quật chết người ở Đắk Lắk là những câu chuyện thể hiện độ “liều” của Huỳnh Dũng Nhân.
Với nhà báo: “Đi càng khó khăn, càng gian khổ thì viết càng hay. Nếu đi sướng quá thì viết rất khó. Theo tôi, viết phóng sự có 3 cái tốn: tốn thời gian, tốn tiền bạc, tốn sức khỏe. Thế nhưng, không gì là không thể thực hiện được. Làm báo không liều không được. Thời đại hiện nay, các bạn sống sướng nhưng viết vẫn nên hầm hố một tí. Lời khuyên duy nhất của tôi chính là hãy viết nhiều, tác nghiệp nhiều hơn nữa”.
Khi được hỏi làm sao để cái tôi cá nhân của người viết không lẫn vào phóng sự, Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ: “Cái tôi trần thuật là thế mạnh của phóng sự. Khi viết, phải nhớ rằng tôi phải kể về hành trình của tôi, chứ không phải tôi là ai, tôi sinh ra ở đâu. Mình kể để công chúng hình dung được câu chuyện. Kể phải hay, phải thật, phải có duyên để bạn đọc thấy cuộc sống của những người trong câu chuyện được kể. Cái tôi phóng sự phải là cái tôi chính kiến, cái tôi trong cuộc…”
Không chỉ vậy, khi chia sẻ về đề tài phóng sự, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân bộc bạch: “Đề tài trong phóng sự thì rất nhiều. Phóng sự hoàn toàn có thể khai thác chính mình để nhìn lại cuộc đời này. Hãy yêu thương chính con người mình, sau đó bạn sẽ nhìn cuộc đời theo một hướng khác.”
“Thời xưa làm báo khó khăn khi chưa có Internet, giờ cũng khó khăn khi Internet phát triển”
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các trang tin tổng hợp hay các nền tảng mạng xã hội đang là nơi hút nhiều lượng công chúng của báo chí. Thời đại hiện nay chính là một thách thức đối với báo in. “Tôi ước gì báo in như bán cây cà lem hồi xưa, vẫn có thể chui vào từng ngõ ngách làng xóm, mang thông tin đến với mọi người”, nhà báo bộc bạch.
Báo chí thời 4.0 đang dần chiếm lĩnh thị trường. Báo chí số hiện đại, cần thiết, chắc chắn lấn át báo in nhưng nhiều báo điện tử ngày nay vẫn phải có báo in để dựa vào. Tuy nhiên, dù là hình thức nào, báo chí hiện mới chỉ thay đổi phương thức xuất hiện, còn cách làm, cách viết không thay đổi. Báo in vẫn phát triển mạnh khi những quảng cáo lớn chủ yếu là báo in, các doanh nghiệp lớn vẫn muốn được in vì “đăng báo in cho nó hoành tráng”.
Những chia sẻ của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân không chỉ là tâm sự hay câu chuyện mà còn là những kỹ năng, kinh nghiệm của một người làm nghề nghiêm túc, đã trải qua và đúc kết.
Một số hình ảnh trong buổi giao lưu với nhà báo Huỳnh Dũng Nhân:
Hồi ký “40 năm đi, yêu và viết” đánh dấu hành trình dài cầm bút của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Hồi ký gồm 4 phần: Con đường vào nghề (Thời niên thiếu, thời học hành, thời sơ tán, thời tập viết văn thơ), những bài phóng sự được bạn đọc yêu thích, những bài viết lý luận báo chí, bài đồng nghiệp viết về Huỳnh Dũng Nhân (bao gồm các bài của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí...) với sự lồng ghép, đan xen, phân tích các yếu tố tác nghiệp khi làm báo nói chung và viết phóng sự nói riêng. Qua đó, bạn đọc, đặc biệt là những độc giả yêu thích nghề báo, mê phóng sự có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích nhất.
Với độ dày 600 trang, hồi ký "40 năm đi, yêu và viết" của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân sẽ chính thức ra mắt ngày 17/6 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam (Hà Nội), nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.