Hơn 30 lượt tham luận và phát biểu đã được trình bày trong Hội thảo khoa học "Quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỷ nguyên kỹ thuật số" diễn ra ngày 20/3/2014 tại trường ĐHKHXH&NV.
PGS.TS Phạm Quang Minh (Phó Hiệu trưởng) phát biểu khai mạc Toạ đàm khoa học Quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỉ nguyên số. Trường ĐHKHXH&NV, sáng 20/3/2014. Ảnh: Thành Long/USS
Hội thảo do Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN) phối hợp với Viện Konrad Adenauer Stiftung (CHLB Đức) tổ chức.
Hội thảo thu hút gần 100 nhà khoa học, nhà báo, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài Khoa Báo chí và Truyền thông tham gia.
Hội thảo tập trung thảo luận về các vấn đề chính: quản trị nguồn thông tin của nhà báo và quản trị hoạt động thông tin của các nhà cung cấp thông tin trong kỉ nguyên kĩ thuật số. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà báo đã chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm nghề nghiệp trong việc quản trị khai thác nguồn tin để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Phiên buổi sáng diễn ra với 5 tham luận của các nhà khoa học bàn về Nguồn tin và nhà cung cấp tin dưới góc độ lý thuyết.
TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền với tham luận "Nguồn tin và việc sử dụng nguồn tin của báo chí Việt Nam hiện nay"
Nhà báo Nguyễn Hoài Dương (Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam) với tham luận "Thông tấn xã Việt Nam với vai trò là đơn vị quản trị và cung cấp thông tin trong kỷ nguyên số".
Ông Martin Petty (Trưởng đại diện Reuters tại Việt Nam) với tham luận “Những thay đổi lớn trong việc cung cấp thông tin trên nhiều hạ tầng/định dạng”.
TS. Hoàng Anh Tuấn (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược ngoại giao, Bộ Ngoại Giao) với tham luận "Những điểm nóng thời sự và nguồn tin cho báo chí".
NCS. Nguyễn Thị Thúy Hằng với tham luận "Quản trị nguồn thông tin chính trị trên báo chí ở Việt Nam hiện nay: Thách thức từ người làm báo và độc giả".
Toạ đàm khoa học Quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỉ nguyên số. Trường ĐHKHXH&NV, sáng 20/3/2014. Ảnh: Thành Long/USSH
Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, nhà báo và các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên trong và ngoài Khoa Báo chí và Truyền thông - Ảnh: Thành Long, Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông.
Ông Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng, vấn đề quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỷ nguyên số được đặt ra thời điểm này rất nóng bỏng, vừa khoa học vừa thời sự.
Qua kinh nghiệm nhiều năm làm công tác quản lý liên quan đến báo chí và truyền thông, ông Đỗ Quý Doãn đánh giá: Nếu có nguồn tin tốt, bảo đảm thì thông tin trên báo chí sẽ tốt, bảo đảm. Ngược lại, nếu nguồn tin có vấn đề, thì thông tin trên báo chí cũng sẽ nảy sinh nhiều vấn đề. “Hiện nay, trong kỷ nguyên số, vấn đề quản trị nguồn tin càng trở nên quan trọng. Nếu cơ quan báo chí truyền thông không quan tâm vấn đề này, chắc chắn sẽ phải trả giá trong thực tiễn hoạt động báo chí”- ông Doãn nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, ông Doãn cũng lưu ý rằng, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay là “trách nhiệm và nghĩa vụ thẩm tra nguồn tin của nhà báo, cơ quan báo chí. Nếu cơ quan báo chí không có cơ chế để xác minh, kiểm tra nguồn tin, rất dễ mắc sai phạm”.
Ông Martin Petty – Trưởng đại diện Reuters tại Việt Nam trong báo cáo “Những thay đổi lớn trong việc cung cấp thông tin trên nhiều hạ tầng/định dạng” đã nhấn mạnh: Sự bùng nổ của internet, sự xuất hiện và phát triển của mạng xã hội đã chuyển đổi cách thức lấy tin và đưa tin của các nhà báo hiện nay.
Nhà báo cần phải sử dụng mạng xã hội một cách có trách nhiệm bởi mạng xã hội vẫn đang tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ và rủi ro. Nhà báo phải đảm bảo độ tin cậy và có trách nhiệm hơn bao giờ hết. Trong đó, vai trò của nhà báo phải kiểm chứng để đảm bảo thông tin đúng và có sự công bằng.
Đề cập về các vấn đề liên quan đến nhà cung cấp thông tin nhiều báo cáo tại hội thảo đã giới thiệu được những mô hình dịch vụ tin tức, quy trình sản xuất, sự phát triển của công nghệ thông tin truyền thông trong thời đại kỉ nguyên số như: tham luận “Thông tấn xã Việt Nam với vai trò là đơn vị quản trị và cung cấp thông tin trong kỉ nguyên số” của nhà báo Nguyễn Hoài Dương – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; “Tnsnap” – Tương lai của báo Thanh niên” – nhà báo Đỗ Hùng – Phó Tổng thư kí toà soạn báo ThanhNien Online;…
Toạ đàm khoa học Quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin trong kỉ nguyên số. Trường ĐHKHXH&NV, sáng 20/3/2014. Ảnh: Thành Long/USSH
Ảnh: Thành Long, Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông
Phiên chiều, Hội thảo tập trung vào các vấn đề kinh nghiệm thực tiễn từ việc quản trị nguồn tin với 4 tham luận:
Nhà báo Đỗ Hùng, Phó Tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên Online) với tham luận "Đa phương tiện và hội tụ, một kinh nghiệm từ báo Thanh Niên"
Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà (Trưởng phòng Chào buổi sáng, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam) với tham luận "Một số ý kiến về quản trị nguồn tin trong thời đại số".
Nhà báo Trần Ngọc Hà (Thư ký tòa soạn báo Pháp luật Việt Nam) với tham luận "'Con dao hai lưỡi' từ việc tiếp cận thông tin từ mạng xã hội".
PGS.TS. Đặng Thị Thu Hương (Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông) thay mặt nhóm tác giả gồm Đặng Thị Thu Hương và Vũ Thị Thùy Linh với tham luận "Về sản phẩm nội dung số của "Viettel Radio".
Quản trị nguồn tin trong thời đại số là một chủ đề có tính thời sự đối với những người làm báo hiện nay. Nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Chào buổi sáng, Ban Thời sự, Đài truyền hình Việt Nam cho biết: Chưa bao giờ nguồn thông tin đa chiều, đa dạng, có bề dày về thời gian và chiều sâu về không gian dễ khai thác như hiện nay. Kho thông tin là như nhau, chỉ có cách chọn lọc và biên tập là khác nhau.
Tuy nhiên thách thức lớn nhất không nằm ở đầu vào của nguồn thông tin mà nằm ở chính đầu ra của tờ báo, không chỉ báo giấy mà báo hình ngày nay cũng bị cạnh tranh ghê gớm từ các nguồn thông tin trên internet.
Cách ứng xử của nhà báo đối với nguồn tin cũng tuỳ theo độ tin cậy của chúng vì vậy nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà đã phân các nguồn tin thành ba cấp độ:
+ cấp độ 1 là những nguồn tin chính thống, tin cậy từ các cơ quan chức năng
+ cấp độ 2 là những nguồn tin có trách nhiệm, hoặc những bình luận của các cá nhân là chuyên gia và tổ chức uy tín
+ cấp độ 3 là những nguồn tin khác trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn.
Phân tích về các điểm nóng quốc tế mang tính thời sự TS. Hoàng Anh Tuấn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao) chỉ ra rằng những thách thức đối với nhà báo trong việc lấy và xử lí thông tin là: độ nhiễu thông tin; trình độ và nhận thức của người nhận tin; xu hướng đọc tin không chính thống tăng lên; tính phi quốc gia tăng, nhân tố quốc gia, ý thức hệ giảm; có sự chi phối của phương Tây; số lượng các hãng tin báo chí ngày càng nhiều…
PGS, TS Đặng Thị Thu Hương, Chủ nhiệm Khoa Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH KHXH&NV), qua khảo sát hoạt động cung cấp thông tin phát thanh của Viettel radio, chỉ ra rằng, đây là hình thức truyền thông mới, nhưng chưa có luật nào quy định radio mobile là báo chí. Cho nên, đây là một ví dụ cụ thể cho thấy còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về chất lượng thông tin và nguy cơ, rủi ro lớn trong hoạt động truyền bá thông tin.
Các ý kiến của các nhà báo, nhà khoa học đều cho rằng trong kỉ nguyên số quản trị nguồn tin và nhà cung cấp thông tin là vấn đề khoa học, thời sự, đang thu hút sự quan tâm của những người làm quản lí báo chí nói chung và những nhà báo nói riêng. Các cơ quan báo chí truyền thông phải thay đổi phương thức tiếp cận, cung cấp thông tin để làm được việc đó cần sớm xây dựng những cơ chế cung cấp thông tin cho hoạt động của nhà báo.