Khi sinh viên Báo không làm báo
Dũng VINADES.,JSC
2013-04-24T10:28:40+07:00
2013-04-24T10:28:40+07:00
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/vi/dao-tao/dao-tao-dai-hoc/khi-sinh-vien-bao-khong-lam-bao-1430.html
/themes/ussh/images/no_image.gif
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ tư - 24/04/2013 10:28
Không phải sinh viên Báo chí nào cũng có thể viết và sống bằng ngòi bút ngay từ thời đi học. Không ít người trong số họ đã từng phải “quăng quật” với nhiều nghề không hề liên quan đến báo chí.
Nguyễn Văn Tuấn (K52): Chàng nội trợ
Đầu hè năm ngoái, vừa được nghỉ Tuấn đã đi làm thêm để trang trải cho các sinh hoạt hằng ngày và để sau này có “vốn” đầu tư đi viết báo. Tuấn và một bạn cùng lớp đã làm phục vụ trong nhà ăn của siêu thị điện máy Pico Plaza. Tuấn kể: “Những ngày đầu mình luôn cảm thấy mệt mỏi vì khối lượng công việc quá lớn, trung bình 10 tiếng/ngày. Công việc bao gồm: lau dọn nhà cửa, bàn ghế, nhặt rau, rửa sạch thực phẩm, pha chế nước mắm, gia vị, nấu một số món, chia thức ăn cho khách… Công việc nào ban đầu cũng khó, nhưng làm dần sẽ quen”. Tuấn cũng cho rằng, việc làm thêm giúp Tuấn tiếp xúc với nhiều người, tạo những mối quan hệ tốt và giúp ích cho việc viết bài, khai thác thông tin.
Hơn 1 năm nay Tuấn đã làm Cộng tác viên thường xuyên của Ban Điện tử báo Tiền Phong. Nhiệm vụ của Tuấn là trực đẩy bài nhật báo lên báo điện tử và đi viết tin bài cho báo. “Thu nhập của công việc chuyên môn hiện tại đủ để mình trang trải cho cuộc sống sinh viên và tái đầu tư cho nghề nghiệp. Nhưng những ngày đi làm thêm ở siêu thị Pico luôn là một ký ức gian truân mà đẹp đẽ. Đó là những tháng ngày mình bươn chải để trụ với nghề báo. Đó cũng là nền tảng để mình có thể làm nghề như bây giờ”.
Đặng Thị Thu Hà (K52): “Thợ” giặt váy cô dâu
Năm thứ nhất, công việc làm thêm của Hà là giặt váy cô dâu cho một ảnh viện áo cưới. Nghe tên công việc có vẻ “lãng mạn” nhưng kỳ thực khá vất vả. Váy cô dâu không thể giặt như quần áo ở nhà, cần có nước giặt và cách giặt riêng. Phần gấu váy “quét đất”, bám nhiều bùn đất nên khổ công vò nhất. Cần phân loại váy trắng và váy màu để tránh bị phai. Phải đảm bảo sạch nhưng không bị bong hạt cườm đính váy hoặc rách. Khi váy khô rồi phải đem vào bày trong tủ kính của ảnh viện hoặc mặc cho ma-nơ-canh.
“Mình nhận ra rằng chẳng có công vịêc nào dễ cả, tất cả đều đánh đổi bằng sức lực. Công việc này đã rèn luyện cho mình 3 thứ: sự cẩn thận, kiên nhẫn và chu đáo. Cẩn thận vì chỉ cần lỡ tay, mình có thể phải đền chiếc váy trị giá mấy triệu đồng. Kiễn nhẫn cho những lúc ngồi một mình với đống váy cao ngất và tự nhủ lòng mình không được giặt qua loa. Chu đáo ở khâu bày biện trong tủ kính sao cho “lung linh” nhất. Lúc đó, ngắm thành quả và thấy thật nhẹ nhõm. Hết năm thứ nhất, mình đi viết báo. Mình nhận ra rằng, những điều mình học được từ công việc làm thêm đó đều cần thiết với nghề báo mà mình đang theo đuổi”.
Hiện nay Hà là cộng tác viên thường xuyên của Báo Sinh Viên Việt Nam và cũng có nhiều bài đăng trên báo Tuổi Trẻ online và monngonhanoi…
Hồ Duy Ngợi (sinh viên K54): Anh chàng phụ hồ
“Đầu năm nhất, mình đi làm phụ hồ vào các ngày thứ bảy và chủ nhật. Đây là một công việc vất vả, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và dẻo dai. Trời mùa đông mình làm việc trong nhà còn đỡ, nhưng đến mùa hè mình làm việc ngoài trời và phải đối mặt với cái nắng cháy, mồ hôi ướt hết áo. Mình làm 10 – 11 tiếng một ngày, công việc không chỉ là trộn vữa, bê gạch mà còn phải làm sắt thép, vác xi măng… Nguy hiểm nhất là phải leo giàn giáo ở trên cao, chỉ cần sơ ý một chút là thiệt mạng. Mình nhớ có lần kéo dỡ sắt từ ròng rọc vào, do thép quá dài và lớn nên rất khó xoay sở, ở phía trên lại có đường dây điện trần chạy qua, thiếu chút nữa thì thanh sắt chạm phải dây điện, đến giờ nghĩ lại vẫn còn… sởn gai ốc.
Học báo, viết báo là phải đi, phải trải nghiệm cuộc sống. Làm thêm đúng nghề hay trái nghề đều là điều kiện cần để mình có thể mở rộng và nâng cao thêm vốn hiểu biết, kĩ năng sống của mình. Nhưng theo mình nghĩ, làm trái nghề chỉ là trong thời gian ngắn thôi, nên cố gắng tập làm đúng nghề của mình để sau này ra trường, mình không bị bỡ ngỡ với công việc.”
Hiện nay, Hồ Duy Ngợi là một cái tên thường xuyên xuất hiện trên Bản tin Đại học Quốc gia Hà Nội, nội san Tự Nguyện và website nhà trường. Tiền nhuận bút không nhiều nhưng đủ nuôi sống ước mơ và khát vọng làm nghề chân chính trong chàng sinh viên năm hai này.
Thùy Dương – Sinh viên K52 BC&TT