Viết từ chuyến đi sông Hồng

Thứ năm - 08/08/2013 10:16

Trung tuần tháng Bảy vừa qua, lớp K55 Chính quy đã có một chuyến thực tế đáng nhớ cùng các thầy cô dọc theo lưu vực sông Hồng. Nhiều sản phẩm tốt đã ra đời từ chuyến đi. Dưới đây là một trong hàng chục tác phẩm của các bạn từ chuyến đi nhiều ý nghĩa này.

83b
Bánh tẻ đền Dầm “ẩn mình” cùng đền cổ Đền Dầm - Đại Lộ bình yên bên bờ sông Hồng cùng những huyền tích của người xưa. Mọi thứ có vẻ u trầm, không ồ ạt thương mại hóa. Ngay cả “đặc sản” bánh tẻ cũng không hẳn mời chào du khách. Nhưng mọi thứ vẫn cần khám phá.
84b
Sinh viên K55 BC thưởng thức bánh tẻ - đặc sản đền Dầm Khách du lịch đến Đề Đại Lộ, đền Dầm (Hà Nội) chỉ “chăm chăm” thăm đền cổ. Có chăng thì nhắc đến câu chuyện về đền Đại Lộ. Chuyện cũ tích xưa, đền gắn với cư dân chài lưới miền sông nước. Ẩn mình trong khu đền cổ bên ven bờ sông Hồng, có gánh hàng rong khép nép thu mình trước lối đi vào đền Dầm, mà ít du khách để ý. Gánh hàng không phô trương, không mời gọi ồn ào như mấy quán hàng nước ven lối đi, thế nhưng vẫn đủ đậm đà, dân dã, mộc mạc và ấm lòng những vị khách du lịch phương xa. Bánh tẻ ở đây nhỏ nhỏ, thon thon, nhân thịt nạc, mộc nhĩ, ăn không biết ngán. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau. Có thể kể ra một số loại bánh tẻ nổi tiếng như bánh tẻ làng Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), bánh tẻ Phú Nhi, bánh tẻ Văn Giang (Hưng Yên). Tuy nhiên bánh tẻ ở đền Dầm không mang thương hiệu nổi tiếng thị trường như anh em  bánh Phú Nhi của nó. Nhưng giữa trưa hè tháng sáu, chiếc bánh nhỏ xinh, đậm đà hương vị dân quê cũng đủ làm xiêu lòng bất cứ khách du lịch khó tính nào khi ngang qua đền Dầm có dịp thưởng thức. Nguyên liệu làm bánh là những nguyên liệu gần gũi với cuộc sống người nông dân như gạo tẻ, thịt lợn, mộc nhĩ, hành… và lá dong, lá chuối để gói bánh. Để có chiếc bánh trắng trong hấp dẫn, gạo để xay làm bánh phải là thứ gạo thơm ngon. Gạo ấy đem ngâm nước cho nở, xay thành bột rồi lại ngâm nước khoảng 3-5 ngày tùy vào thời tiết. Trong thời gian ngâm phải thay nước hàng ngày, Mỗi khi thay nước phải khuấy đều để bột không bị chua và nhão.
85b
Bánh tẻ chấm với nước mắm ngon sẽ tăng thêm phần đậm đà Khi đã đủ thời gian ngâm, múc bột ra, cho một ít muối vào, gạn sạch nước cũ để khử chua. Thứ bột này lại phải được đun lên cho đặc, có độ dính như keo, vừa đun và quấy đều, đảo bằng cả hai tay cho bột mềm, mịn, tránh vón cục và đặc biệt là bột không được chín hoặc khê, công đoạn này người ta gọi là “ráo bột”. Khâu ráo bột cực kỳ quan trọng trong quá trình làm bánh, bánh ngon hay không là nhờ vào chất lượng bột được ráo. Nhân bánh tẻ tuy làm đơn giản nhưng không thể làm qua loa, vì nhân là linh hồn của bánh. Thịt ba chỉ ngon băm nhỏ, hành khô bóc vỏ băm nhỏ, mộc nhĩ ngâm cho nở, thái chỉ. Tất cả trộn đều ướp gia vị vừa đủ, thêm chút hạt tiêu cho thơm. Sau khi hỗn hợp đã ngấm gia vị cho lên bếp xào chín. Người dân nơi đây thường dùng lá dong và lá chuối để gói. Lấy một lượng vừa phải thứ bột cô đặc đặt lên một hoặc hai tấm lá dong, Công đoạn này gọi là “ra bột”.  Lấy hỗn hợp nhân ấn sâu xuống để bột phủ lên thịt, thường là theo hình thuôn dài, cuốn lá dong ngoài bánh, ngoài cùng là lớp lá chuối. Dây buộc bánh phải là dây lạt hoặc dây chuối khô. Cho vào nồi hấp 30 phút là có thứ bánh trắng trong thơm ngon đến khó quên khi thưởng thức.Bóc vỏ lá xanh, chiếc bánh trắng ngần hiển hiện, mùi thơm nhân thịt tỏa ra như chào mời thực khách. Bánh ăn nóng chấm với nước mắn ngon, thêm chút tiêu thì càng ngon hơn. Bánh tẻ là thứ quà quê chân chất mộc mạc, thứ bánh mà ai cũng có thể thưởng thức. Khi ăn, dùng con dao nhỏ cắt bánh thành từng miếng, xếp lên đĩa. Ăn một miếng để cảm nhận kết tinh của trời đất, sự ngọt mịn của vỏ bánh, vị đậm, béo của nhân, thơm mùi tiêu, hành. Bánh có thể thay bữa sáng, ăn chơi, ăn nhiều mà không bị ngán. Bánh tẻ đền Dầm “nhất định” giấu mình với khách du lịch. Không phải lỗi tại người làm bánh, không phải lỗi chất lượng bánh, đó là vì du lịch Sơn Tây chuyển động hơi chậm. Nhưng dường như cái sự chậm đó lại tôn lên thứ đặc sản của vùng này. Bánh tẻ đền Dầm như cô thôn nữ ẩn mình sau lam lũ mà vẫn giữ được nét kiêu sa, thanh tú của mình. Người ta không ồ ạt kéo vào đây, nhao nhao kinh doanh bánh tẻ. Mọi thứ vẫn còn bình yên lắm lắm. Có lẽ vì vậy mà mỗi du khách khi đi qua đền Dầm, vô tình được thưởng thức món bánh tẻ nơi đây, thì mới trầm trồ nhận ra nơi quê nghèo hóa ra còn có những thức mà chốn đô thị ồn ào không dễ gì kiếm được!                                                                                                                                                          Ma Thị Xuân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây