Báo chí kinh tế đang phải đối mặt với nhiều thách thức

Thứ tư - 29/05/2013 09:08

Sáng 29-5, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (USSH) phối hợp với Viện KAS của Cộng hòa Liên bang Đức, tổ chức hội thảo “Mô hình báo chí kinh tế ở Đức và Việt Nam: Diện mạo thông tin kinh tế trên báo chí truyền thông”.

56b
Để nâng cao chất lượng báo chí kinh tế, cần xây dựng một đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, có kiến thức chuyên sâu về kinh tế. Ảnh: NT.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Quang Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết: Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, cùng với đó, báo chí kinh tế cũng được chú trọng quan tâm hơn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, báo chí kinh tế hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thiếu kỹ năng viết báo kinh tế chuyên nghiệp… Vấn đề làm thế nào để có được mô hình báo chí kinh tế phù hợp, cách thức làm báo kinh tế hiệu quả đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều người.

Nhận diện về thực tế diện mạo báo chí kinh tế hiện nay, TS. Đào Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Đầu tư cho rằng: Báo chí kinh tế Việt Nam đã có sự phát triển mạnh mẽ suốt 25 năm qua và cơ bản đã theo kịp được những công cuộc đổi mới của đất nước. Báo chí kinh tế đã tham gia tích cực vào các hoạt động, làm tốt vai trò phản biện, đặc biệt là những phản biện liên quan tới các chính sách.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Đặng Đức Long, Phó Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam bổ sung: Bên cạnh những mặt đạt được, hiện, một số báo chí kinh tế còn sa đà vào việc đưa những thông tin, dự báo bề nổi, vượt quá chức năng, tiêu chí của báo chí. Bên cạnh đó, nhiều phóng viên viết bài nhưng không nắm rõ về lĩnh vực mà mình viết, trích dẫn, phân tích số liệu thiếu chính xác, nhận xét chủ quan.

Trên thực tế, hầu hết phóng viên kinh tế đều được đào tạo chuyên ngành báo chí, nên kiến thức kinh tế chuyên sâu còn yếu và ngược lại được đào tạo sâu về kinh tế lại yếu về nghiệp vụ báo chí. Điều này khiến cho nhiều bài báo kinh tế được đầu tư công phu, kiến thức chuyên môn sâu rộng nhưng lại có phần hàn lâm, không thu hút được người đọc.

Theo TS. Đặng Đức Long, để đẩy mạnh chất lượng thông tin kinh tế trên báo chí, mấu chốt là phải hình thành được một đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên nghiệp, được đào tạo, cập nhật thường xuyên những kiến thức chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế tài chính tốt nhằm đảm bảo nâng cao thu nhập cho phóng viên, tạo điều kiện làm việc và học tập tốt, hạn chế những tác động tiêu cực đến chất lượng thông tin.

Phát biểu tại hội thảo, TS. Trần Ngọc Châu, Giám đốc kênh truyền hình kinh tế- tài chính FBNC nhìn nhận: Truyền thông kinh tế tại Việt Nam là một kênh quan trọng, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân về quyền được biết những vấn đề kinh tế quốc gia, quyền được làm ăn, kinh doanh.

Từ kinh nghiệm của chính FBNC, ông Châu cho rằng, hiện tại và trong tương lai cần xây dựng một nền báo chí kinh tế thị trường chuẩn mực theo mô hình: Cần thiết cho khán giả, hướng đến con người, đậm tính giáo dục và số liệu minh bạch.

Thanh Nguyễn (Báo Hải Quan)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây