Đào tạo báo chí, truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số
Nội dung: Phương Anh/Ảnh: Hoàng Giang - Tuấn Anh
2024-11-18T06:47:35+07:00
2024-11-18T06:47:35+07:00
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tin-hoat-dong/dao-tao-bao-chi-truyen-thong-trong-boi-canh-chuyen-doi-so-4497.html
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/news/2024_11/img_5423.jpg
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Chủ nhật - 17/11/2024 23:02
Sáng 15/11, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tổ chức Tọa đàm Đào tạo báo chí và truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số. Toạ đàm cũng là dịp để Viện tri ân, chúc mừng cán bộ, giảng viên trong và ngoài Viện nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Khách mời của toạ đàm là các nhà báo, chuyên gia trong lĩnh vực báo chí và truyền thông đang là giảng viên thỉnh giảng của Viện. Phía Viện ĐTBC&TT có: TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng; PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của Viện.
TS. Phan Văn Kiền, Viện trưởng và TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện chủ trì toạ đàm. Bên cạnh chủ đề chính, Viện cũng giới thiệu và xin ý kiến các chuyên gia tại toạ đàm về dự thảo nội dung chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện của Viện dự kiến được tuyển sinh từ năm học 2025-2026.
TS. Trần Thị Tri (Đài Tiếng nói Việt Nam) chia sẻ: Việc đổi mới đào tạo báo chí – truyền thông trong bối cảnh chuyển đổi số đã được nhắc đến nhiều và nhận được sự quan tâm, nhưng triển khai thực tế lại gặp nhiều khó khăn, chưa có sự chuyển đổi thực sự. Ứng dụng công nghệ số trong sản xuất và phát sóng còn hạn chế.
TS. Đồng Mạnh Hùng, Trưởng ban Thư ký Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cho rằng nhà báo hiện nay phải có tìm kiếm và xử lý thông tin. Thầy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo bài bản và tăng cường thực hành trong quá trình học tập.
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện nhấn mạnh trước bất cứ thay đổi nào, vấn đề cốt lõi của lĩnh vực báo chí vẫn là mỗi quan hệ nhà báo - thông điệp - công chúng. Và nhiệm vụ chính cần làm tốt của người làm báo, làm truyền thông luôn là thiết kế thông điệp. Trong bối cảnh chuyển đổi số hay trí tuệ nhân tạo, nhiệm vụ này vẫn không đổi. PGS. TS Nguyễn Văn Dững cũng đề cập đến thách thức đối với các trường đại học, khi các trường cao đẳng hiện tại cũng bắt đầu tuyển sinh và đào tạo ngành truyền thông.
ThS. Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông, chia sẻ rằng cần giữ cốt lõi trong việc dạy viết tin, bài để sinh viên có cái nhìn rộng hơn về nghề báo. Thầy khẳng định nghiệp vụ báo chí yêu cầu sinh viên được đào tạo bài bản, kết hợp công nghệ và kỹ năng thực hành. Thầy cũng gợi ý Viện phối hợp với các cơ quan báo chí để nâng cao kỹ năng thực hành, làm việc nhóm, phân tích và truyền đạt thông tin.
ThS. Lê Bảo Trung (Trưởng Ban Khoa học Công nghệ và Giáo dục, Báo điện tử Dân trí) nhấn mạnh tầm quan trọng của đào tạo cơ bản trong lĩnh vực báo chí, truyền thông. Ông cũng chia sẻ về những yêu cầu mà các cơ quan tuyển dụng đặt ra đối với sinh viên.
Nhà báo Đỗ Thế Dũng (Báo Hà Nội Mới) cho rằng yêu cầu với mỗi phóng viên hiện nay là đa kỹ năng. Người làm báo, làm truyền thông hiện đại không thể chỉ biết viết mà còn cần biết quay, chụp, thiết kế cơ bản. Ông cũng nêu ra bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của lĩnh vực báo chí, truyền thông hiện nay mà sinh viên khi ra trường phải đối mặt. Nhà báo Đỗ Thế Dũng đề xuất Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cần nghiên cứu, tăng cường các hoạt động nhằm khích lệ sinh viên học tập và lao động hơn nữa, như tổ chức các cuộc thi làm báo sinh viên.
ThS. Nguyễn Thị Thơm (Trường Đại học Nội vụ Hà Nội) nhấn mạnh cần phát huy thế mạnh về nền tảng học thuật, đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận thực tế nghiệp vụ, khoa học và công nghệ cho sinh viên. ThS. Nguyễn Thị Thơm nhận định, với tư duy, năng lực tự học và khả năng nghiên cứu tốt, sinh viên sẽ phát huy tiềm năng của mình hiệu quả hơn nếu được tạo điều kiện thực hành sớm.
Giảng viên Nguyễn Phong Anh đề cập đến những điểm mạnh, yếu của thế hệ sinh viên gen Z. Ông cho răng, thế hệ sinh viên hiện nay có điểm mạnh là thông minh, tiếp cận các công nghệ mới nhanh chóng nhưng lại có điểm yếu về khả năng giao tiếp, kết nối, kỹ năng làm việc nhóm. Vì thế, trong đào tạo cũng như tuyển dụng, thầy cô và các chuyên gia cần hiểu và thông cảm nhiều hơn cho thế hệ người lao động này. Thầy Phong Anh cũng đề cập đến những khó khăn của thị trường lao động và cho rằng khi đào tạo, Viện ĐTBC&TT phải đi bằng "hai chân", tức là hướng đến sinh viên của Viện khi ra trường có thể làm việc ở cả lĩnh vực báo chí và truyền thông.
Khép lại toạ đàm, TS. Phan Văn Kiền cảm ơn những chia sẻ, đóng góp của các thầy cô, chuyên gia. Đồng thời, TS. Phan Văn Kiền gửi lời tri ân, chúc mừng đến quý thầy cô nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tác giả: Nội dung: Phương Anh/Ảnh: Hoàng Giang - Tuấn Anh