Kinh nghiệm tác nghiệp chiến trường của Thiếu tướng, nhà báo Phan Khắc Hải

Thứ năm - 30/05/2024 18:23
Chiều 29/05, Thiếu tướng, Nhà báo Phan Khắc Hải đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm tác nghiệp của phóng viên chiến trường với thầy cô và sinh viên, nghiên cứu sinh tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông.
Thiếu tướng, Nhà báo Phan Khắc Hải nguyên là Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.

Phát biểu mở màn buổi chia sẻ, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện ĐTBC&TT, bày tỏ niềm vui và vinh dự khi được tiếp đón Thiếu tướng, Nhà báo Phan Khắc Hải, Nguyên tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân, Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin.

Theo TS Phan Văn Kiền: “Người làm báo, người làm truyền thông nào cũng cần kinh nghiệm, nhưng kinh nghiệm tác nghiệp của phóng viên chiến trường có những nét tiêu biểu, đặc trưng và điển hình rất riêng trong các nhiệm vụ của người làm báo”.
 
DDA 3
TS Phan Văn Kiền tặng hoa cảm ơn Thiếu tướng, Nhà báo Phan Khắc Hải. Ảnh: Trần Vi.

Phóng viên thời chiến phải đào hầm tránh bom, luôn sẵn sàng đánh giặc.

Thiếu tướng, Nhà báo Phan Khắc Hải mở đầu buổi chia sẻ với những câu chuyện trong quá trình tác nghiệp trên đường Trường Sơn.

Nhà báo nhớ về những lần luyện tập để trở thành trinh sát bộ binh. Thời gian chương trình huấn luyện lúc này rất khó khăn. Ban ngày học chính trị, kỹ, chiến thuật bộ binh, trinh sát, sửa chữa vũ khí, ban đêm đeo ba lô gạch luyện tập hành quân trèo đèo vượt suối để hoàn thành khóa huấn luyện.

“Năm 1964, tôi cùng đồng đội khoác ba lô lên xe bịt kín hành quân vào chiến trường, đó cũng là lúc tôi bắt đầu làm báo, đến nay là tròn 60 năm theo nghề. Tôi nhớ những ngày được phân về Phân khu Bắc Trị-Thiên, nơi tôi đã tác nghiệp ở đây 25 ngày đêm”, nhà báo chia sẻ. 

Khác với làm báo thời bình, phóng viên chiến trường không chỉ làm báo mà còn phải chặt gỗ, tự làm nhà ở, rồi đào hầm để tránh bom, luôn chuẩn bị sẵn sàng để đánh giặc. Nhà báo nhớ như in hình ảnh từng đoàn xe tiếp tế đi qua hay lần máy bay địch rải bom xuống chiến trường.
 
DDA
Nhà báo Phan Khắc Hải nhớ về quãng thời gian làm phóng viên chiến trường tại Phân khu Bắc Trị-Thiên. Ảnh: Trần Vi.

Nhà báo nhớ về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, chiến dịch đã đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Học sinh - sinh viên hồi đó khi giác ngộ lý tưởng đã trở thành những người đi đầu của phong trào cách mạng trong đô thị. Lực lượng phóng viên miền Nam chủ yếu có trình độ từ lớp 7 đến 10, nhận nhiệm vụ viết bài, quay phim, chụp ảnh còn lực lượng từ phía Bắc là lực lượng đặc biệt, được đào tạo cơ bản, sẵn sàng bổ sung, tiếp viện cho chiến trường Việt Nam.

Thời đó, nhà báo Phan Khắc Hải có viết một bài về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu thân 1968. Gian khổ, khó khăn là sau 7 ngày, nhà báo mới về được đến chiến khu, khi đó mới bắt đầu đánh máy và gửi về Thông tấn xã Việt Nam. 

Theo nhà báo, quay phim, chụp ảnh nguy hiểm hơn viết tin. “Quay phim, chụp ảnh phải cần đứng chỗ đủ ánh sáng, thuận tiện mới chụp được nên hay bị lộ. Những người lấy tin như tôi thì sướng hơn. Thế mới biết viết được một bài báo, có được một cái ảnh nó gian khổ thế nào”, nhà báo Phan Khắc Hải nhớ lại.

Ở thời chiến, một tuần chỉ ra được một tờ báo, một tháng mới ra được một số báo. Phóng viên chiến trường phải làm tất cả, từ đi lấy tin, viết bài, đưa ra nhà in, phải lăn mực để mực ăn mới in ra được. 

Nhà báo là những thư ký của cuộc sống hàng ngày

“Làm báo là phải đi, vì không đi thì không lấy được tư liệu”, Thiếu tướng Phan Khắc Hải khẳng định. 

"Nhà báo là phải thực tế, phải đi để học hỏi. Ghi chép, phản ánh những sự kiện diễn ra thông qua những tin tức, bài viết, bức ảnh, nghề báo chính là người thư ký ghi chép cuộc sống hàng ngày". 

Năm 1989, sau khi về làm tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, Thiếu tướng Phan Khắc Hải nhận định phải có những thay đổi. Không chỉ đơn thuần đưa tin về quân đội nhân dân hay công tác xây dựng Đảng, Báo Quân đội nhân dân cần phải cho đội ngũ phóng viên, nhà báo đi tập huấn, phải hiểu công việc mà mình đang làm. Theo Thiếu tướng, “phóng viên chiến trường không thông thạo sẽ chết trước, nên muốn viết hay là phải đi, không mang tinh thần phóng viên chiến trường thì không làm được”.  
 
DSC09749
“Chúng tôi cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các chiến sĩ, phóng viên không đi với bộ đội thì không phải phóng viên chiến trường”, nhà báo Phan Khắc Hải chia sẻ. Ảnh: Trần Vi.


Người làm báo luôn phải tìm và đưa những thông tin chính thống. Bên cạnh đó, báo muốn thuyết phục phải có chi tiết, trung thực, khách quan và kịp thời.

Nhà báo Phan Khắc Hải nhắc nhở những người làm báo phải luôn nhớ báo chí mang tính định hướng xã hội. “Mỗi thời có một phương tiện đưa tin khác nhau, nhưng phong cách của người làm báo là bất di bất dịch, phải biết chọn lọc thông tin, nhanh nhạy với những vấn đề nhạy cảm. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở: ‘"Viết phải đúng sự thật, không được bịa ra"; "Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói chớ viết"… Vì vậy, nếu học theo cách đưa tin của BBC News thì rất nguy hiểm, bởi khi họ đưa về cuộc chiến tranh Việt Nam thì 9 tin đúng, 1 tin sai. Tin sai đó có những bình luận của riêng người đưa tin”, Thiếu tướng nhấn mạnh.

Thiếu tướng cũng cho rằng, nhà báo phải đề cao trách nhiệm xã hội, phải có trách nhiệm với bài báo và cả xã hội.
 
DDA 7
Cuối sự kiện, nhà báo Phan Khắc Hải đã dành nhiều thời gian để trao đổi và tặng sách cho các bạn sinh viên tham dự buổi chia sẻ. Ảnh: Trần Vi
 
DDA 6
Nhà báo Phan Khắc Hải chụp ảnh kỷ niệm cùng sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. Ảnh: Trần Vi



 

Tác giả: Minh Ngọc - Trần Vi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây