Kỳ thực tế tại Đại học Quảng Tây, Trung Quốc của K67 Báo chí CLC

Chủ nhật - 14/07/2024 23:29
Đầu tháng 7/2024, sinh viên K67 Báo chí CLC đã có kỳ thực tế tại Viện Báo chí và Truyền thông, Đại học Quảng Tây, Trung Quốc. Chuyến đi đã mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ về lịch sử, văn hóa cũng như kiến thức bổ ích về chuyên ngành báo chí truyền thông.
DDA 23
Đoàn thực tế của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc (Ảnh: Thẩm Hùng).

Đoàn thực tế của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông do TS Nguyễn Thị Thuý Hằng (Trưởng Bộ môn Quản trị Báo chí - Truyền thông) và TS Nguyễn Hoàng Anh hướng dẫn cùng hơn 30 sinh viên của lớp K67 Báo chí CLC.

Đại học Quảng Tây có quy mô, vị thế lớn và quan trọng bậc nhất của tỉnh Quảng Tây và cũng là một trong những trường đại học trọng điểm của Trung Quốc. Với tầm nhìn rộng mở và những nỗ lực không ngừng nghỉ, Đại học Quảng Tây đã và đang tạo ra một môi trường học tập và nghiên cứu lý tưởng cho sinh viên trong nước và quốc tế. 

Viện Báo chí và Truyền thông (Đại học Quảng Tây) và Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) đã nhiều lần hợp tác trong các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Tại Hội thảo quốc tế “Kinh tế báo chí truyền thông Việt Nam trong bối cảnh phát triển kinh tế số” được tổ chức tháng 6 vừa qua, GS Wang Shiyong, Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông đã tham gia với tham luận "Chính sách kinh tế số của Trung Quốc: một góc nhìn truyền thông". 

Cơ hội “thực chiến” trong môi trường học tập quốc tế

Điểm nhấn đầu tiên trong kỳ thực tế là buổi giao lưu, học hỏi của sinh viên K67 Báo chí CLC với các giảng viên của Viện Báo chí và Truyền thông, Đại học Quảng Tây. Giáo sư Wang Shiyong, Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông, đã có những chia sẻ sâu sắc về Đại học Quảng Tây, đồng thời nhấn mạnh về những cơ hội du học rộng mở, khẳng định rằng Đại học Quảng Tây luôn sẵn sàng chào đón sinh viên từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn nói riêng và sinh viên Việt Nam nói chung đến học tập và trải nghiệm. 
 
DDA 8
Giáo sư Wang Shiyong - Viện trưởng Viện Báo chí và Truyền thông, Đại học Quảng Tây trong buổi gặp gỡ với đoàn thực tế của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông. (Ảnh: Thẩm Hùng)

Sinh viên K67 Báo chí CLC đã tham quan và trải nghiệm nhiều phòng thực nghiệm nghiệp vụ báo chí tại Đại học Quảng Tây như trường quay ảo, phòng kỹ thuật, lớp học theo mô hình tòa soạn mở, được tiếp cận toàn bộ quá trình thực hiện ghi hình và sản xuất một chương trình truyền hình, trải nghiệm thực tế môi trường làm việc.
 
DDA 10
Đoàn thực tế của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông ghé thăm các phòng học của Đại học Quảng Tây (Ảnh: Hiền Thu)
DDA 5
Phòng thực nghiệm nghiệp vụ báo chí tại Đại học Quảng Tây (Ảnh: Hiền Thu)
DDA 6
Sinh viên K67 Báo chí CLC trải nghiệm ghi hình tại trường quay ảo (Ảnh: Nhật Anh)
DDA 25
Phòng học theo mô hình tòa soạn tại Đại học Quảng Tây (Ảnh: Nhật Anh)
DDA 4
Sinh viên K67 Báo chí CLC tham quan trường quay (Ảnh: Hiền Thu)
DDA 22
Sinh viên K67 Báo chí CLC tham quan bảo tàng san hô tại Viện Khoa học biển và Công nghệ sinh học, Đại học Quảng Tây (Ảnh: Nhật Anh)
 

Tham quan Nhật báo Quảng Tây 

Điểm nhấn tiếp theo của kỳ thực tế là hoạt động ghé thăm trụ sở làm việc của Nhật báo Quảng Tây, tờ báo chính thức của Ủy ban khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Đảng Cộng sản Trung Quốc...
 
DDA 20
Sinh viên K67 Báo chí CLC tham gia thảo luận tại Nhật báo Quảng Tây (Ảnh: Nhật Anh)

Tại đây, sinh viên của đã được tìm hiểu về quá trình phát triển và những dấu mốc quan trọng trong lịch sử của tờ báo, đồng thời có cơ hội trao đổi và thảo luận về lĩnh vực báo chí truyền thông với các nhà báo giàu kinh nghiệm. Những chia sẻ quý báu từ thực tiễn đã mang lại cho sinh viên những góc nhìn mới mẻ và sâu sắc về nghề báo, khơi dậy niềm đam mê và nhiệt huyết trong con đường sự nghiệp tương lai.

Hành trình giao lưu văn hóa, khám phá thành phố Nam Ninh

Trong chuyến thực tế, sinh viên K67 Báo chí CLC còn được ghé thăm những địa điểm nổi tiếng tại Nam Ninh, Quảng Tây, khám phá lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của dân tộc Choang. 

Phố đi bộ Tam Ngõ Nhị - một khối lịch sử và văn hóa tọa lạc tại quận Xingning là điểm đặt chân đầu tiên trong trình khám phá của lớp. Khu phố tái hiện lại ba con phố cổ là đường Xingning, đường Minsheng, đường Jiefang và hai con hẻm là ngõ Jinshi và ngõ Yinshi.
 
DDA 17
Phố đi bộ Tam Ngõ Nhị (Ảnh: Chi Trịnh)

“Tam Ngõ Nhị là điểm tham quan mà mình ấn tượng nhất. Mình không chỉ được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của những tòa nhà cũ mang phong cách truyền thống mà còn có cơ hội thưởng thức những món ăn Trung Hoa nổi tiếng tại đây. Nhờ vậy mà mình được mở rộng kiến thức về văn hóa và ẩm thực xứ Trung.”, sinh viên Thúy Hằng chia sẻ.
 
DDA 16
Sinh viên K67 Báo chí CLC tại Tam Ngõ Nhị (Ảnh: Thẩm Hùng)

Trên hành trình khám phá, K67 Báo chí CLC còn dừng chân tại Thanh Tú Sơn - viên ngọc bích của thành phố xanh Nam Ninh, Trung Quốc. Nơi đây mang cảnh quan thực vật cận nhiệt đới Nam Á độc đáo, có khí hậu trong lành mát mẻ, bảo tồn nhiều loại thực vật quý hiếm và có thể ngắm toàn bộ thành phố Nam Ninh từ trên cao. 
 
DDA 13
Hồ Thiên Trì - Thanh Tú Sơn (Ảnh: Nhật Anh)


Một hoạt động không thể thiếu trong chuyến đi đó là gặp gỡ và giao lưu văn hóa văn nghệ với bạn bè quốc tế. Thông qua buổi gặp gỡ, các bạn sinh viên hai trường có cơ hội truyền tải và tiếp thu những nét đẹp văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, xóa nhòa rào cản ngôn ngữ, khẳng định tinh thần hòa bình, hữu nghị.
 
DDA 28
  Sinh viên K67 Báo chí CLC giao lưu cùng sinh viên Đại học Quảng Tây (Ảnh: Đại học Quảng Tây)

Qua mỗi điểm đến, sinh viên không chỉ được mở rộng tầm hiểu biết về thành phố Nam Ninh và nước bạn mà còn thêm yêu quý và trân trọng sự đa dạng văn hóa của vùng đất này. Những trải nghiệm thực tế này đã giúp K67 Báo chí CLC có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về Quảng Tây, góp phần tạo nên những kỉ niệm đáng nhớ trong hành trình học tập và khám phá của mình.

Lưu giữ kỷ niệm thành hành trang quý giá

Chuyến thực tập thực tế tại nước ngoài không chỉ giúp sinh viên K67 Báo chí CLC học hỏi và tích lũy thêm kiến thức về nghiệp vụ báo chí mà còn mở ra những cơ hội trải nghiệm quý báu trong ngành. Vượt qua ngoài giới hạn của lớp học, chuyến đi mở ra cánh cửa cho sinh viên khám phá sâu hơn về thực tế ngành báo, phát triển những kỹ năng cần thiết như: ảnh báo chí, dẫn chương trình, tư duy đề tài,...Những kỷ niệm ấy sẽ trở thành động lực cho lớp sinh viên trẻ trên hành trình vào nghề.

Chia sẻ về trải nghiệm đáng nhớ nhất tại Đại học Quảng Tây, bạn Thu Hiền cho biết: “Mình ấn tượng nhất với trải nghiệm được trở thành biên tập viên lên sóng trực tiếp tại trường quay ảo tại Đại học Quảng Tây. Dù chỉ là hoạt động học tập nhưng mình cảm thấy đang được làm việc trong một môi trường truyền thông thực sự.”
 
DDA 26
Sinh viên Thu Hiền trải nghiệm ghi hình tại Đại học Quảng Tây (Ảnh: Nhật Anh)


Bên cạnh học hỏi, giao lưu và khám phá văn hóa nước bạn, hoạt động thực tế còn để lại cho sinh viên K67 Báo chí CLC những kỷ niệm quý giá bên thầy cô, bạn bè. Nhiều khoảnh khắc đáng nhớ giữa thầy và trò được vẽ nên xuyên suốt hành trình 5 ngày tại Quảng Tây, Trung Quốc.

"Chuyến đi đầu tiên của cô đến Trung Quốc, là chuyến đi thực tập chuyên môn cùng K67 Báo chí CLC, trở thành một trải nghiệm không thể quên của cô. Điều làm cô vui hơn nữa là chứng kiến sự quan tâm, chăm sóc của các bạn sinh viên trong lớp dành cho nhau, những tình bạn xuyên biên giới Trung - Việt, cùng sự đón tiếp nhiệt tình, ấm áp của thầy và trò Đại học Quảng Tây. Cô hy vọng chuyến đi thực tế này sẽ mở ra những chương trình thực tập chuyên môn, thực tập tốt nghiệp cho các bạn sinh viên Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, USSH Hà Nội không chỉ ở Trung Quốc mà cả các quốc gia khác, giúp các em có thêm những trải nghiệm mới mẻ và trau dồi kiến thức, kỹ năng và thái độ của nghề báo", TS. Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trường Bộ môn Quản trị Báo chí và Truyền thông, Viện Đào tạo báo chí và Truyền thông - Cố vấn học tập lớp K67 Báo chí CLC chia sẻ.

Sinh viên Đức Việt chia sẻ: “Chuyến đi là cơ hội quý giá để mình được trải nghiệm nhiều điều, đặc biệt là tác nghiệp và tham gia thực tế vào các tình huống báo chí.”

Chuyến đi khép lại với những niềm vui và sự hào hứng, đồng thời mở ra những triển vọng mới cho các chương trình thực tập quốc tế, hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội học tập và trải nghiệm thú vị cho các thế hệ sinh viên tiếp theo của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, USSH Hà Nội.

 

Tác giả: Nội dung: Bảo Ngọc, Chi Trịnh/Ảnh: Nhật Anh, Hiền Thu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây