Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ năm - 04/04/2024 19:09
Nhằm tạo ra không gian thảo luận về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí và truyền thông, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông đã phối hợp cùng Công ty TMCP truyền thông Media21 tổ chức tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo trong báo chí và truyền thông”.
Các vấn đề chính được đặt ra tại toạ đàm bao gồm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực báo chí truyền thông, cơ hội và thách thức của những người làm nghề, bài toán về pháp luật và đạo đức báo chí trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Diễn giả chính của toạ đàm là ông Lê Hoài Trung - CEO, chuyên gia công nghệ truyền thông của Công ty TNHH Kỹ thuật Công nghệ & Chuyên dụng Protech. Ngoài ra, toạ đàm còn thu hút sự tham dự của nhiều nhà báo, học giả quan tâm đến trí tuệ nhân tạo cùng hơn 40 thầy cô và sinh viên Viện ĐTBC&TT.
Khoa học công nghệ phát triển là “bà đỡ” cho báo chí truyền thông
Chia sẻ về tác động của công nghệ đến ngành báo chí và truyền thông, diễn giả Lê Hoài Trung khẳng định: “Trong thời đại chuyển đổi số, vai trò của công nghệ là điều không thể phủ nhận. Báo chí không thể phát triển được nếu không có công nghệ song hành, đặc biệt trong một thế giới “Digital First” luôn thay đổi một cách nhanh chóng”.
Diễn giả Lê Hoài Trung cũng giới thiệu một số ứng dụng thực tế của AI như công nghệ “học máy”, “xử lý ngôn ngữ tự nhiên” và “học sâu”. Trong đó, hệ thống chatbot được sử dụng để đề xuất, hỗ trợ phóng viên tự động sản xuất tin bài chỉ với những câu lệnh chứa thông tin (prompt). Trí tuệ nhân tạo đã được đưa vào sử dụng để sản xuất các bài viết, phân tích xu hướng và các nhóm dữ liệu lớn.
Đối với việc thực hiện phóng sự hiện trường, các phóng viên hoàn toàn có thể nhờ sự trợ giúp của AI để sản xuất một phóng sự ngắn có âm thanh hiện trường, hình ảnh, giọng nói, chuyển động của họ.
Làm chủ hay làm nô lệ của công nghệ?
“Mặc dù có những điểm ưu việt, trí tuệ nhân tạo cũng có những gót chân Achilles của riêng mình. AI không có khả năng cập nhật tin tức đời sống một cách nhanh chóng. Nắm thóp được điểm yếu này là điều quyết định con người sẽ làm chủ hay làm nô lệ của công nghệ”, ông Lê Hoài Trung chia sẻ.
Cũng theo diễn giả, cơ hội công việc sẽ dành cho những người thông thạo AI chứ không phải những người chỉ làm báo đơn thuần. Sinh viên báo chí không những cần có khả năng sản xuất tin bài mà còn yêu cầu kỹ năng biên tập và chọn lọc những thông tin từ AI.
“Các bạn cần có tinh thần cầu thị, không ngừng cập nhật xu hướng, nâng tầm trình độ của mình để thích ứng với những thay đổi công nghệ. Đồng thời, sinh viên nên trau dồi khả năng tư duy phản biện nếu không muốn bị tụt hậu”, ông Lê Hoài Trung khẳng định.
Cần cải biến những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, hoàn thiện về mặt pháp lý
Tại toạ đàm, nhiều nhà báo, học giả tham dự toạ đàm cũng đóng góp ý kiến, đưa ra nhiều quan điểm về những khía cạnh khác nhau của trí tuệ nhân tạo. Đạo đức nghề nghiệp và khung pháp lý về quyền sở hữu tác phẩm khi sử dụng AI trở thành chủ đề nhận được nhiều góp ý.
Nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng biên tập Phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông chia sẻ: “Ở Việt Nam đã có những đơn vị sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để sản xuất kịch bản. Tuy nhiên, rất khó để xác định về tính xác thực của thông tin, nhuận bút của phóng viên.
AI có hàng loạt các khoảng trống trong vấn đề về pháp luật và đạo đức báo chí. Do đó, giữa lựa chọn một tập đoàn công nghệ AI và những sinh viên trong các cơ sở đào tạo báo chí, các tòa soạn cần phải có sự cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.”
Liên quan đến vấn đề này, TS Đỗ Anh Đức, giảng viên Viện ĐTBC&TT cho rằng: “Việc áp dụng tiêu chuẩn đạo đức cũ với sự phát triển của thời đại là không còn phù hợp, thậm chí là tụt hậu. Chúng ta cần cải biến những quy tắc đạo đức nghề nghiệp, hoàn thiện về mặt pháp lý để có thể tạo ra sự phù hợp trong việc ứng dụng công nghệ mới vào các lĩnh vực của đời sống xã hội".
“Cảm xúc, chân lý, lẽ phải” để làm chủ AI
Làm chủ, chiến thắng AI là kỹ năng được nhiều nhà báo và sinh viên Viện ĐTBC&TT quan tâm.
Nhà báo Trung Thành, phóng viên báo Quân đội Nhân dân chia sẻ: “Bản thân mình là người có quyền đưa ra quyết định về phần trăm tham gia của AI trong tiến độ công việc của mình. Trong quá trình tác nghiệp, cần đặt ra những giới hạn để hạn chế nhất có thể những rủi ro của AI để tránh những thông tin sai lệch”.
TS Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, Học viện Ngoại giao cũng nhấn mạnh: “Lĩnh vực báo chí truyền thông có thể áp dụng được những ưu việt của AI. Tuy nhiên, đối với những thông tin nằm ngoài cơ sở dữ liệu của hệ thống chưa cập nhật, AI sẽ không thể cung cấp những thông tin mới nhất.
Thậm chí, đôi khi AI sẽ đưa ra thông tin không chính xác. Điều này đòi hỏi sinh viên, nhà báo cần có đủ năng lực, đủ trình độ để xác minh thông tin AI cung cấp là thật hay là giả”.
Nhà báo Trần Anh Tú cho rằng: “Ngoài kiến thức, tình cảm, tư duy, nhà báo có thể liên kết những chi tiết sự vật hiện tượng vào thông điệp bài viết theo góc nhìn chủ quan của người nhà báo. Sinh viên có thể trở thành một nhà báo có kiến thức vững vàng mà không quá phụ thuộc vào AI thông qua việc liên tục học hỏi những lĩnh vực mình yêu thích một cách chuyên sâu”
PGS.TS Bùi Chí Trung, Phó Viện trưởng Viện ĐTBC&TT chia sẻ: “Suy cho cùng, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí nói chung và ứng dụng trí tuệ nhân tạo nói riêng, cảm xúc, chân lý, lẽ phải luôn là cốt lõi của nghề báo”.
Theo PGS.TS Bùi Chí Trung, trong cuộc đua với trí tuệ nhân tạo, những kỹ năng như khả năng xác minh thông tin, tư duy sáng tạo, và khả năng kết nối các sự kiện từ góc nhìn cá nhân sẽ là chìa khóa giúp nhà báo vượt qua những thách thức. Bằng việc không ngừng nâng cao kiến thức, tư duy và kỹ năng của mình, nhà báo có thể duy trì sức mạnh của mình và tạo ra những sản phẩm thông tin chất lượng, phản ánh đúng nhu cầu và mong muốn của độc giả.