Những góc tiếp cận nghiên cứu mới trong truyền thông số

Thứ sáu - 17/05/2024 09:50
Chiều 15/5, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông tổ chức seminar học thuật với chủ đề "Truyền thông số: Những góc tiếp cận nghiên cứu mới". Seminar thảo luận về những vấn đề mới hiện nay trong nghiên cứu truyền thông số trên 3 phương diện: lý thuyết, phương pháp và chủ đề nghiên cứu.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số, hàng loạt câu hỏi nghiên cứu đã được đặt ra. Những câu hỏi này không chỉ nhằm đánh giá và đo lường thực tiễn, mà quan trọng hơn, còn để thông báo, dự báo, và cảnh báo về những thay đổi cũng như thách thức mà con người phải đối mặt trong kỷ nguyên số.

Diễn giả của seminar là các giảng viên, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông số tại Việt Nam: TS. Phạm Chiến Thắng, Trưởng khoa Báo chí - Truyền thông, Trường Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên; TS. Trần Duy, giảng viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và TS. Đỗ Anh Đức, Trưởng Bộ môn Truyền thông Đa phương tiện, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học KHXH&NV.

Tham dự seminar có PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Trưởng Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam cùng hơn 50 giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên quan tâm đến truyền thông số.
 
DDA
PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền gửi lời cảm ơn đặc biệt đến các diễn giả đã nhận lời chia sẻ buổi seminar. Ảnh: Việt Hà.

Hệ hình chi phối truyền thông số

Bắt đầu buổi trình bày, TS Đỗ Anh Đức đi từ những lý thuyết cơ bản nhất của truyền thông. Trong đó, TS Đức đưa ra khái niệm về hệ hình (Research Paradigm), mô thức, phạm thức, mẫu thức, dẫn đến khung của nhận thức. Hệ hình được thể hiện là hệ quả của ba phạm trù: Ontology (bản thể luận), Epistemology (nhận thức luận) và Methodology (phương pháp luận).
 
DDA 3
TS Đỗ  Đức nhấn mạnh rằng không có một mẫu duy nhất cho cách con người nói chuyện với nhau, nhận thức và hiện thực khách quan phức tạp ra sao. Ảnh: Việt Hà.

TS Đỗ Anh Đức mạnh dạn đưa ra khái niệm về khách thể số, bởi sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Internet, hay điện thoại thông minh là không thể dùng lại. TS Đức nhận định rằng sự khác biệt của nghiên cứu Việt Nam với thế giới là Việt Nam có những cách tiếp cận khác và cách tiếp cận này thường bị cũ; vì vậy, cần phải lưu ý khi chọn hệ hình, chọn vị trí đứng.

Ví dụ với vấn đề quấy rối tình dục, nghiên cứu hành vi sẽ quan tâm đến khía cạnh "Thế nào được coi là hành vi 'quấy rối tình dục'?", còn nghiên cứu phê phán sẽ chú trọng "Sau phong trào chống quấy rối tình dục ở nơi làm việc, các 'sếp' nam ở Mỹ ngày càng ngại tiếp xúc phụ nữ dưới quyền".
 
3D8A8350
TS Đỗ Anh Đức mạnh dạn đưa ra khái niệm về khách thể số, bởi sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, Internet, hay điện thoại thông minh là không thể dùng lại. . Ảnh: Việt Hà.
Theo TS Đỗ Anh Đức, chuyển đổi trong môi trường truyền thông số gắn với năm chữ I: Immersive (nhập vai), Interconnected (kết nối), Individualized (cá nhân hóa), Iteration (lặp lại, tuần hoàn) và Instantaneous (tức thời). 
Không gian số luôn ở đó, lặp đi lặp lại, không biết mở ở đâu, kết ở đâu; ngược lại với báo chí và tivi khi chỉ cần tắt chúng đi là hết. Theo TS. Đức, trong tương lai, tiếp cận phê phán sẽ tiếp tục phát huy trong bối cảnh truyền thông số. 

TS. Đỗ Anh Đức còn đề cập đến sự tha hóa số (digital alienation), khi tất cả chúng ta trở thành content creator (người sáng tạo nội dung). “Nếu không đăng gì lên Facebook, liệu người khác có nhớ đến chúng ta?”, TS. Đức đặt câu hỏi.

Phương pháp nghiên cứu trong truyền thông số

TS Phạm Chiến Thắng đưa ra những phân tích, so sánh chuyên sâu giữa nghiên cứu định tính và định lượng. Nghiên cứu định lượng sử dụng các phương pháp khác nhau, chủ yếu là thống kê, để lượng hóa, đo lường, phản ánh và diễn giải các mối quan hệ giữa các nhân tố (các biến) với nhau. Từ dữ liệu thô, phân tích định lượng sẽ cho ra thông tin có nghĩa.

“Các phương pháp nghiên cứu định lượng trở nên phổ biến trong giới nghiên cứu và được ứng dụng rộng rãi trong gần như tất cả các ngành khoa học, từ khoa học tự nhiên đến khoa học xã hội. Điều này nhờ sự phát triển của các phương pháp thống kê và các công cụ hỗ trợ, cùng với tính tin cậy của phân tích định lượng”, TS Thắng nhận định.
 
DDA 4
TS Phạm Chiến Thắng khuyến khích sử dụng các công cụ như Monkey Surveys để đạt độ tin cậy tốt hơn trong nghiên cứu. Ảnh: Khánh Vi.
Một số phép kiểm định thống kê mà TS Phạm Chiến Thắng gợi ý bao gồm: phân tích phương sai (ANOVA), Chi bình phương (Chi-Square), tương quan (Pearson và Spearman), phân tích nhân tố, phân tích hồi quy, T-Test, Chuỗi thời gian và SEM (CB và PLS). “Cuốc đất trồng cây thì tay không cũng được, nhưng có công cụ vẫn sẽ nhanh và hiệu quả hơn, trong nghiên cứu khoa học cũng vậy”, diễn giả này chia sẻ.

Với TS Phạm Chiến Thắng, dữ liệu (data) quan trọng hơn mô hình (model) trong nghiên cứu.

Công nghệ trong báo chí hiện đại từ góc nhìn nghiên cứu xã hội

TS Trần Duy đã thảo luận về vai trò của công nghệ trong báo chí hiện đại từ góc nhìn nghiên cứu xã hội, đặt ra những câu hỏi quan trọng về trí tuệ nhân tạo (AI) và vai trò của nó trong ngành báo chí. “Liệu AI có thể trở thành một nhà biên tập thực sự hay không, và liệu AI có thể tham gia vào báo chí như một thành viên chính thức?”, diễn giả đặt ra câu hỏi.

Chia sẻ câu chuyện của một người đồng nghiệp tại báo Nhân dân, TS. Trần Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của báo chí truyền thông trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi các tòa soạn đang chuyển dần sang mô hình tòa soạn hội tụ.

Khi Kenny G, nhạc sĩ saxophone người Mỹ, đến Việt Nam, báo Nhân dân đã có những tác phẩm báo chí đặc sắc ngay sau đó. Người đồng nghiệp này chia sẻ rằng AI đã giúp đỡ rất nhiều trong các công việc bóc băng, soạn nội dung, và lên dàn bài. Điều này khiến TS Duy trăn trở: "Nhà báo có nhận thức được sự tồn tại của mình khi làm việc với AI không?"
DDA 5
TS Trần Duy chia sẻ về những cơ hội và thách thức của báo chí trong bối cảnh AI phát triển mạnh mẽ.  Ảnh: Khánh Vi.
TS Duy nhấn mạnh việc sử dụng báo chí tự động trong tương lai và lấy ví dụ từ các nhà báo Tây Ban Nha. Các nhà báo tại đây đã tiến hành 28 cuộc phỏng vấn bán cấu trúc và bốn cuộc phỏng vấn sâu với các giảng viên báo chí về việc đưa AI vào các chương trình đào tạo tại châu Âu. Kết quả cho thấy báo chí đã bị ảnh hưởng đáng kể bởi AI trong vài năm nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực như tạo văn bản tự động cho thông tin thời tiết, kết quả thể thao và cập nhật tài chính. AI cũng được sử dụng để tương tác với người đọc và đề xuất nội dung cùng với các mục đích khác.

“Những lo ngại về quyền riêng tư liên quan đến việc sử dụng dữ liệu cũng đặt ra thách thức khi các tổ chức truyền thông ngày càng thu thập nhiều thông tin hơn về độc giả. Cuối cùng, cần lưu ý rằng AI có thể tạo ra lỗi, đặc biệt khi sử dụng để thu thập dữ liệu. Bởi vậy, sự tham gia của con người với các quy trình xác minh mạnh mẽ luôn cần thiết khi báo chí sử dụng AI”, TS Duy nhấn mạnh.

Sự tiếp nhận của công chúng với các sản phẩm báo chỉ số cũng là một vấn đề cần được quan tâm. TS Trần Duy chia sẻ rằng đã những học giả nghiên cứu các công nghệ thực tế ảo như những công cụ học tập tiềm năng cả trong môi trường giáo dục các tổ chức tin tức.

Chẳng hạn, nghiên cứu mà diễn giả tìm thấy cho rằng các tổ chức như CNN hay New York Times đang đầu tư và sản xuất báo chí nhập vai bao gồm thực tế ảo (VR) thực tế tăng cường (AR) và video 360 độ.

Phần cuối của seminar, ba diễn giả nhận được nhiều câu hỏi từ các nhà nghiên cứu tham dự. Phần hỏi đáp diễn ra sôi nổi, buổi seminar kết thúc muộn hơn gần một giờ so với dự kiến.
 
DDA 6
TS Nguyễn Thanh Thuỷ, Phó Trưởng Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam gửi lời cảm ơn đến Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông và các diễn giả vì buổi seminar với chủ đề hấp dẫn.
DDA 9
PGS.TS Đinh Văn Hường, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chia sẻ bản thân rất mong muốn tham gia buổi seminar hôm nay.
 
DDA 2
PGS.TS Nguyễn Văn Dững, thành viên Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện phát biểu tại seminar.
 
3D8A8572
ThS Quách Cảnh Toàn, Trưởng phòng Marketing và Truyền thông, Quỹ Giải thưởng VinFuture đặt câu hỏi cho diễn giả về các phương pháp nghiên cứu mới trong truyền thông số.
DDA 10

Tác giả: Minh Ngọc - Việt Hà - Trần Vi

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây