Cuốn sách ‘25 năm nghiên cứu và đào tạo báo chí truyền thông’ vừa phát hành là ấn bản đặc biệt nhân dịp kỉ niệm 25 năm thành lập Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Đây là ấn phẩm nghiên cứu chuyên ngành về lĩnh vực báo chí truyền thông nhằm mục đích tổng kết những thành tựu về nghiên cứu của Khoa trong suốt một phần tư thế kỷ, cũng như cập nhật các xu hướng nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực Báo chí và Truyền thông.
Cuốn sách này đã tuyển chọn những bài nghiên cứu tâm huyết của các thế hệ giảng viên, giáo sư tiến sỹ của Khoa và các giáo sư thỉnh giảng (những học giả, chuyên gia nghiên cứu, nhà quản lý báo chí, nhà báo trong cả nước) ; qua đó phần nào tái hiện được những thành tựu về mặt nghiên cứu trong sự phát triển chung của khoa Báo chí và Truyền thông.
Ấn phẩm này đã bao quát từ những vấn đề lí luận cơ bản (dư luận xã hội, phương pháp nghiên cứu truyền thông, báo chí Hồ Chí Minh…) cho đến những vấn đề thực tiễn “nóng” nhất (đạo đức báo chí trong kỉ nguyên kĩ thuật số, Đề án quy hoạch báo chí 2025, báo chí chống tham nhũng,…); từ đó cung cấp cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh về vai trò quan trọng của việc nghiên cứu báo chí truyền thông không chỉ trong việc đào tạo nhà báo, luận giải các hiện tượng, xây dựng hệ thống lý thuyết mà cả trong việc tác nghiệp báo chí cũng như quản lí vĩ mô; nhất là trong bối cảnh hệ thống báo chí Việt Nam hiện nay đang trước nhiều thời cơ và thách thức lớn.
Cùng với chín tập “Báo chí những vấn đề lý luận và thực tiễn” trước đó, cuốn sách này thể hiện sự chú trọng của Khoa Báo chí và Truyền thông vào việc nghiên cứu truyền thông, gắn nghiên cứu với thực tiễn tác nghiệp và hoạt động đào tạo. Phương châm này đã tạo nên bản sắc của Khoa trong suốt chặng đường phát triển của mình.
Cuốn sách cũng là sự tri ân của Khoa dành cho các giảng viên cơ hữu cũng như thỉnh giảng của Khoa trong suốt thời gian qua, những người đã không ngừng chuyển tải các tri thức hàn lâm của mình thành những bài giảng sinh động, cập nhật. Sự thành công của các thế hệ sinh viên nói riêng và của Khoa nói chung có một phần không nhỏ từ những nghiên cứu học thuật công phu, uy tín, hiệu quả của quý thầy/cô.
Khoa Báo chí và Truyền thông mong nhận được thêm những ý kiến trao đổi, chia sẻ từ quý độc giả, quý đồng nghiệp để cuốn sách này trở thành một diễn đàn chuyên môn mang tính gợi mở, định hướng nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu báo chí truyền thông, tiếp nối truyền thống nghiên cứu xuyên suốt 25 năm qua.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách đến bạn đọc!