Mô tả CÁC MÔN HỌC THUỘC KHỐI KIẾN THỨC LĨNH VỰC M2

Thứ ba - 03/12/2013 21:40
  1. Các phương pháp nghiên cứu khoa học 3 TC MNS1053
Cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về khoa học và nghiên cứu khoa học, về bản chất của nghiên cứu khoa học cũng như cấu trúc lôgic của một công trình khoa học, đồng thời cũng giúp sinh viên nắm vững các thao tác nghiên cứu khoa học, biết xây dựng, chứng minh và trình bày các luận điểm khoa học. Qua đó sinh viên có thể nắm vững phương pháp trình bày một báo cáo khoa học, viết được một công trình khoa học và bước đầu biết vận dụng kỹ năng nghiên cứu khoa học vào việc học tập ở đại học.
  1. Nhà nước và pháp luật đại cương 2TC THL1057
Môn học cung cấp các khái niệm, các phạm trù chung cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật. Trên cơ sở đó môn học đi vào phân tích cấu trúc của bộ máy Nhà nước cũng như chức năng, thẩm quyền và địa vị pháp lý của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước CHXHCN Việt Nam; Tính chất pháp lý và cơ cấu của hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật. Từ cách nhìn tổng quát về hệ thống các ngành luật trong hệ thống luật của Nhà nước ta một học trình được dành để nghiên cứu những nội dung cơ bản của Luật hiến pháp ( Luật Nhà nước ) với tư cách là ngành luật chủ đạo của hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật hành chính, Luật dân sự và tố tụng dân sự, Luật hình sự và tố tụng hình sự, Luật lao động, Luật kinh tế với tư cách là các ngành luật chủ yếu để từ đó người học có thể dễ dàng tự tiếp cận với các ngành luật khác phảt sinh từ các ngành luật chủ yếu này
  1. Lịch sử văn minh thế giới 3TC HIS1053
Cung cấp những hiểu biết cơ bản về lịch sử văn minh thế giới. Trong đó làm rõ đặc trưng riêng và tính phong phú, đa dạng của các nền văn minh trên thế giới; những đóng góp to lớn của nó cho sự phát triển không ngừng và thịnh vượng của xã hội loài người. Rút ra nguyên nhân phát triển, hạn chế và những bài học kinh nghiệm nhằm vận dụng vào công cuộc đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta hiện nay.
  1. Cơ sở văn hóa Việt Nam 3TC     HIS1056
Môn học trang bị cho sinh viên những tri thức cơ bản về văn hóa và văn hóa Việt Nam, về hệ thống các thành tố và các đặc trưng cơ bản của văn hóa Việt Nam, mối quan hệ giữa văn hóa với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, các khái niệm cơ bản về tiếp xúc và giao lưu văn hóa. Ngoài ra môn học còn trang bị cho sinh viên phương pháp luận tiếp cận vấn đề văn hóa Việt Nam.
  1. Xã hội học đại cương 2TC     SOC1050
Môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về xã hội học, bao gồm đối tượng, phương pháp nghiên cứu, lý thuyết, lịch sử hình thành và phát triển của ngành, những khái niệm và một số chủ đề quan trọng trong xã hội học.
  1. Tâm lý học đại cương 2TC     PSY1050
 Nội dung chương trình Tâm lý học đại cương bao gồm: Những vấn đề khái quát về tâm lý học với tư cách là một khoa học; cơ sở tự nhiên và cơ sở xã hội của tâm lý người; sự hình thành và phát triển tâm lý – ý thức; hoạt động nhận thức; ngôn ngữ và nhận thức; tình cảm và ý chí; nhân cách và các thuộc tính tâm lý của nhân cách.
  1. Logic học đại cương 2TC PHI1051
Môn học trang bị cho sinh viên những kiến thức căn bản và có hệ thống về các hình thức tồn tại của tư duy như: khái niệm, phán đoán, suy luận, chứng minh và các quy luật lô gích hình thức cơ bản của tư duy như : Luật đồng nhất; Luật cấm mâu thuẫn; Luật bài trung; Luật lý do đầy đủ. Từ đó sinh viên hình dung được một cách cụ thể vai trò và tác động của tư duy lô gích trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn; giúp người học có khả năng tìm kiếm, nhận dạng và khắc phục những lỗi lô gích của tư duy trong quá trình phản ánh, đồng thời xây dựng được phương pháp tư duy chính xác chặt chẽ, khoa học cho mình. Môn học không chỉ trang bị cho sinh viên những phương pháp tư duy đúng đắn mà còn giúp người học có thể vận dụng nó trong việc lĩnh hội các khoa học khác và dùng nó trong hoạt động thực tiễn một cách có hiệu quả.
  1. Kinh tế học đại cương 2TC INE1014
Cung cấp kiến thức về các khái niệm cơ bản của kinh tế học, các học thuyết kinh tế và thảo luận việc áp dụng các học thuyết này để giải thích một số vấn đề trong kinh tế và phát triển.
  1. Môi trường và phát triển 2 TC EVS1001
Môn học giúp sinh viên hiểu các vấn đề cơ bản của môi trường, các biện pháp bảo vệ môi trường, giảm thiểu ô nhiễm, vì sự phát triển của cộng đồng, vai trò của yếu tố môi trường trong các đề án xây dựng và phát triển cũng như tác động của truyền thông trong việc xây dựng và bảo vệ môi trường phát triển bền vững.   21.Thống kê cho khoa học xã hội                                                2 TC          MAT1078 Môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, bao gồm các khái niệm, các phương pháp, kỹ thuật về điều tra thống kê cho khoa học xã học, bao gồm các vấn đề như: qui trình và độ tin cậy của một cuộc điều tra thống kê, về cách so sánh độ tương hợp của các kết qủa thống kê, về sự tương quan giữa những yếu tố cùng ảnh hưởng tới một sự kiện, về cách kiểm tra những giả thuyết thống kê trong nghiên cứu khoa học xã hội.  
  1. Báo chí truyền thông đại cương 3TC JOU1051
          Môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về hoạt động truyền thông và các phương tiện truyền thông nói chung, truyền thông đại chúng nói riêng, như khái niệm, đặc điểm, bản chất và chức năng xã hội, nguyên tắc hoạt động thế mạnh và hạn chế cũng như cách thức tiếp cận, khai thác các kênh truyền thông này cho hoạt động nghề nghiệp; mô hình nhân cách chủ thể truyền thông; những khuyến nghị về cách thức giao tiếp, ứng xử của người làm truyền thông và đối tượng của truyền thông, các phương thức tiếp cận, sàng lọc, phân tích, tiếp nhận thông tin từ báo chí truyền thông của công chúng truyền thông trong xã hội... Đồng thời, các khái niệm, kiến thức cơ bản về báo chí cũng sẽ được cung cấp và thảo luận, bao gồm khái niệm về báo chí, báo chí học, nhà báo, bản chất, chức năng, vị trí, vai trò của hoạt động báo chí trong đời sống xã hội.
  1. Chính trị học đại cương 3TC POL1005    
Môn học cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về vấn đề quan hệ giữa các giai cấp trong việc giành, xây dựng và sử dụng quyền lực nhà nước. Từ những lý luận cơ bản, học phần đi vào một số lĩnh vực cụ thể và phân tích các mối quan hệ chính trị trong xã hội đương đại. Những nội dung trên đều có liên hệ với thực tế Việt Nam trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chỉ ra chức năng và nhiệm vụ của chính trị học ở Việt Nam hiện nay.
  1. Quan hệ công chúng đại cương 3TC JOU1052
Môn học giới thiệu một cái nhìn tổng quát về nghề Quan hệ công chúng chuyên nghiệp, giúp người học có cơ sở học tiếp các học phần khác của chuyên ngành trong chương trình đào tạo bậc cử nhân chính quy ngành Quan hệ công chúng. Phần khái quát Quan hệ công chúng sẽ giúp người học hiểu được vai trò, vị trí của QHCC trong tổ chức và xã hội, những chức năng, nhiệm vụ và những hoạt động cơ bản của QHCC. Phần lược sử QHCC  điểm qua lịch sử hình thành và phát triển của nghề Quan hệ công chúng trên thế giới và tại Việt Nam. Tiếp đó, học phần giúp sinh viên so sánh QHCC với Quảng cáo, Marketing, Dân vận, Tuyên truyền. Phần Lý luận chung về Quan hệ công chúng sẽ giúp người đọc hiểu được cốt lõi cơ bản của hoạt động Quan hệ công chúng, cơ sở khoa học của nó. Nghiên cứu và đánh giá hiệu quả hoạt động Quan hệ công chúng như là một trong những giai đoạn quan trọng của Quan hệ công chúng chuyên nghiệp sẽ được đề cập trong phần cuối của môn học. Xem thêm chi tiết tại đường link http://fjc.ussh.vnu.edu.vn/product/2015-bao-chi/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây