Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỉ nguyên số

Thứ năm - 11/06/2015 09:30
Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỉ nguyên số
Trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỉ nguyên số

Đó là chủ đề của hội thảo khoa học do Khoa Báo chí và Truyền thông phối hợp với Viện KAS (Đức) tổ chức ngày 10/6 vừa qua. Hội thảo là hoạt động hướng tới kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, 21/6

69
Toàn cảnh hội thảo
Hội thảo diễn ra trong một ngày với sự tham dự của các chuyên gia đến từ Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Viện Konrad Adenauer Stiftung (Đức), đông đảo các tổng biên tập, các nhà báo và phóng viên, sinh viên báo chí... Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau trao đổi, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, đề xuất những giải pháp, cơ chế, phương thức điều hành quản lý và tác nghiệp báo chí nhằm nâng cao chất lượng nội dung tác phẩm, hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội và gìn giữ sự trong sáng của đạo đức nghề nghiệp, xây dựng được niềm tin với công chúng. Nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí trong kỷ nguyên số được mổ xẻ dưới nhiều góc nhìn từ đó hướng tới những nguyên tắc để đảm bảo trách nhiệm xã hội và làm thế nào để khai thác mặt tích cực, hạn chế những tác động tiêu cực từ những thông tin thiếu trách nhiệm của báo chí...
70
Nhà báo Hữu Thọ phát biểu tại Hội thảo
Nhà báo Hữu Thọ - nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, trong “thế giới phẳng” về thông tin như hiện nay, tâm lý trong xã hội muốn tiếp nhận thông tin từ nhiều chiều chứ không phải một chiều, tuy nhiên nhiều nguồn thông tin trên mạng internet thật giả lẫn lộn khó kiểm định, thì người làm báo là phải luôn đặt tiêu chí sự thật lên hàng đầu. “Thông tin nhiều chiều bắt chúng ta phải chọn lựa. Điều này phụ thuộc bản lĩnh của nhà báo, không ai thay thế được”- Nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh. Nói về trách nhiệm trong mỗi thông tin trên báo, nhà báo lão thành khẳng định: Trách nhiệm đầu tiên vẫn thuộc về tổng biên tập. Trọng trách ấy không thể đẩy lên quản lý cấp trên, cũng không thể đổ dồn xuống cấp dưới. Tổng biên tập sát sao, nghiêm túc, thì không có chuyện cấp dưới làm ẩu. “Anh nắm vận mệnh của phóng viên trong tay, kỷ luật hay không, sa thải hay không, đăng bài hay không là do anh. Nếu anh nêu cao trách nhiệm, giám sát thì phóng viên không thể đưa tin ẩu”, nhà báo Hữu Thọ nhấn mạnh. Trong khi đó, nhà báo Lê Duy Truyền - Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - nêu quan điểm: Trong biển thông tin nhiều chiều hiện nay, phải giữ vững được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống. Đó là sức mạnh của nền báo chí cách mạng. Trước đây, TTXVN có khẩu hiệu “Nhanh-Đúng-Trúng-Hay”, nhưng nay đứng trước một sự thay đổi mạnh mẽ của báo chí, cách thức truyền tin và tiếp nhận thông tin của bạn đọc, khẩu hiệu ấy cũng phải được điều chỉnh cho phù hợp là: “Đúng-Nhanh-Trúng-Hay”. Tức là chữ “Đúng” đã được đưa lên tiêu chí hàng đầu.
71
Ông Lưu Đình Phúc (Vụ Phó Vụ báo chí, Bộ Thông tin Truyền thông) trình bày tham luận
Nhà báo Đỗ Văn Dũng, Phó Tổng biên tập Báo Tuổi trẻ trong tham luận của mình nhấn mạnh vấn đề tạo niềm tin với công chúng. "Không cách nào khác là phải lấy sự thật và lợi ích của bạn đọc để chinh phục niềm tin của họ. Dĩ nhiên, để làm điều đó, đội ngũ làm báo phải chấp nhận dấn thân, thậm chí chấp nhận nguy hiểm".Nói về đạo đức của người làm báo phát thanh, TS Trần Thị Tri (Giám đốc Hệ VOV2 Đài Tiếng nói Việt Nam) cảnh báo về những vi phạm bắt đầu từ sự dễ dãi với chương trình, thiếu trách nhiệm với thính giả, tạo ra những chương trình nhàm chán, thiếu thông tin hoặc cũ rích, lỗi thời, thiếu đầu tư cho lời dẫn, âm nhạc... Những chương trình đó không có gì sai nhưng cũng không mời mẻ, khiến người nghe muốn tắt radio. Khía cạnh này rất khó bắt bẻ, quy lỗi để xử lý nhưng nó khiến uy tín của chương trình, của cơ quan báo chí bị suy giảm. PGS TS Nguyễn Thị Trường Giang (HV Báo chí- tuyên truyền) tham luận về vai trò tự giáo dục, tự hoàn thiện đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, cho rằng: Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp là quá trình bền bỉ suốt đời thông qua hoạt động thực tiễn nghề nghiệp, là sự tiếp tục giáo dục đạo đức ở bên trong nhà báo... Yếu tố quan trọng nhất giúp nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà báo là sự tự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi nhà báo. Cũng tại hội thảo, nhiều đại biểu cùng chung quan điểm, trong kỷ nguyên bùng nổ thông tin, việc nắm bắt được những thông tin nhanh, bản sắc, luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định sự sống còn của mỗi cơ quan báo chí. Và để tăng tính nhân văn, nâng cao trách nhiệm cũng như đạo đức báo chí, quan trọng nhất là người làm báo phải có lập trường, tư tưởng vững vàng trước cái sai - đúng, có óc phân tích vấn đề và sự khéo léo để truyền tải thông tin một cách đúng mực, hấp dẫn và có lợi cho xã hội. Nền tảng cơ bản để đạt được những mục tiêu đó chính là trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí.
fjc.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây