GS.TS Thomas Beke (Giảng viên Đại học Stirling, Vương quốc Anh) là chuyên gia hàng đầu về QHCC trong lĩnh vực luật pháp và truyền thông doanh nghiệp. Trong những ngày ở Việt Nam thực hiện chương trình hợp tác về quản trị truyền thông giữa Đại học Stirling và Khoa Báo chí và Truyền thông, ông đã chia sẻ với phóng viên fjc về ngành QHCC.
GS.TS Thomas Beke là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực Quan hệ công chúng của Vương quốc Anh (Ảnh: Hiếu Lương).
- Xin cảm ơn giáo sư vì đã dành thời gian quý báu của mình để tham gia cuộc phỏng vấn này. Giáo sư là một chuyên gia trong lĩnh vực quan hệ công chúng, vậy khi sang Việt Nam ông nhận thấy điểm đặc trưng gì trong môi trường quan hệ công chúng (QHCC) ở nơi đây?
Tôi cho rằng Việt Nam có một xã hội phân mảnh, có nhiều tầng lớp công chúng khác nhau. Vì vậy, những thách thức đặt ra cho ngành quan hệ công chúng cũng khác nhau. Truyền thông hiện nay đang diễn ra trong một thế giới toàn cầu hóa và Việt Nam nằm trong vòng xoay của xu thế ấy. Những người làm truyền thông hay QHCC không thể tránh được Việt Nam, vì vậy họ phải
tư duy toàn cầu và ứng xử bản địa để phù hợp với văn hóa, xã hội Việt Nam. Tất nhiên truyền thông trong bối cảnh này là yếu tố đóng vai trò quan trọng và những hoạt động truyền thông phải được các chuyên gia truyền thông và chuyên gia QHCC điều chỉnh để làm sao truyền tải thông tin đúng thông tin, đúng đối tượng chứ không phải lợi dụng họ. Trên hết, chúng ta cũng phải tạo được sự hiểu biết lẫn nhau, giữa Chính phủ với người dân, giữa báo chí với công chúng.
- Quan hệ công chúng là một ngành còn khá mới mẻ ở Việt Nam, ông có những lời khuyên gì đối với những đồng nghiệp ở nơi đây để họ có thể trở thành một người thực hành QHCC giỏi?
Theo tôi, có hai tiêu chí để trở thành một người làm QHCC tốt. Thứ nhất, bạn phải đọc và hiểu biết thật nhiều điều về thế giới; phải hiểu những thách thức trong xã hội của bạn; hiểu biết về khoa học xã hội; khoa học pháp lý, hành vi của con người. Làm sao bạn có thể tác động tới công chúng cũng như thuyết phuc họ làm theo mục tiêu của mình, đấy chính là khía cạnh tâm lý xã hội của QHCC.
Yếu tố thứ hai là bạn phải có một tính cách “mở”, phải làm sao tiếp nhận công chúng một cách không thiên vị, thậm chí phải yêu mến người khác hơn bản thân mình. Những người làm quảng cáo thì không như vậy, họ yêu bản thân mình hơn, yêu công ty của mình hơn. Những người làm QHCC không được phép như thế. Bạn phải yêu công chúng hơn và trả lời được những câu hỏi mà công chúng đặt ra.
Giáo sư Thomas rất gần gũi và thân thiện trong hành động và giao tiếp (Ảnh: Hiếu Lương).
- Ông có nhắc đến khoa học pháp lý trong QHCC, vậy việc am hiểu và thực thi luật pháp có ảnh hưởng như thế nào đến thực hành QHCC?
Đương nhiên, việc hiểu những vấn đề pháp lý cơ bản sẽ giúp chúng ta hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực của mình. Có rất nhiều luật pháp liên quan đến QHCC như luật pháp về truyền thông, luật pháp về bản quyền, luật riêng tư, luật thương hiệu,… Hay ví dụ về luật xúc phạm danh dự, nếu chúng ta hiểu về loại luật này chúng ta có thể bảo vệ tốt hơn khách hàng của mình khi họ vi phạm.
Trong chương trình học, chắc chắn các bạn sẽ phải học những nội dung về luật pháp cơ bản. Các bạn có thể tìm hiểu thêm về luật pháp liên quan đến lĩnh vực mình theo đuổi. Vì có hiểu biết về pháp luật chúng ta mới có thể tránh được rủi ro và làm tốt được công việc trong ngành QHCC.
- Là một người có nhiều năm tư vấn cho khách hàng và nghiên cứu về QHCC, điều gì khiến giáo sư tâm đắc nhất trong quá trình làm công việc này?
Khi tham gia vào lĩnh vực QHCC, điều tôi tâm đắc nhất là có được nhiều mối quan hệ khác nhau, tham gia vào những mối tương tác khác nhau giữa công ty và khách hàng của mình với công chúng. Tôi rất thích truyền tải hay diễn giải những mục tiêu của công ty mình cho công chúng. Đó là một điều mà có lẽ quảng cáo không thể làm được. Và để làm một người thưc hành PR tốt bạn phải là một người gan dạ, phải dám đặt mình vào vị trí cầu nối giữa công ty và khách hàng của mình với công chúng.
Tuy gan dạ, nhưng bạn không được đặt mình trên khách hàng hay công chúng. Bạn phải đặt mình ở vị trí ở dưới và lợi ích của khách hàng hay công chúng ở trên, bởi vì QHCC liên quan đến con người mà. Tôi thường có một câu nói vui là
“Khi còn trẻ bạn sẽ làm quảng cáo tốt hơn, khi bạn già hơn bạn sẽ làm QHCC tốt hơn”. Vì khi bạn già dặn hơn bạn sẽ thường quan tâm đến mọi người và PR cần sự quan tâm đó.
Tôi cũng muốn chia sẻ rằng làm QHCC không phải là lợi dụng công chúng một cách tùy tiện. Làm QHCC cũng phải có đạo đức, cho nên tôi tự hào rằng tôi luôn hành xử một cách có đạo đức chứ tôi không lợi dụng công chúng một cách phi đạo đức.
Cuối cùng, tôi chỉ muốn nói rằng tôi yêu PR!
- Xin cảm ơn những chia sẻ của giáo sư, và xin chúc giáo sư sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho ngành QHCC!