“Sống đơn giản là một hành trình đi về cái chết… Có người hỏi tôi có sợ chết ko? Tôi sợ chứ. Sự thật là tôi nghĩ đến cái chết hàng ngày. Tôi đã phải chứng kiến nhiều cái chết của rất nhiều người, cả thân lẫn sơ”(*). Vậy mỗi người sẽ làm gì nếu biết cái chết của mình đã được báo trước và đang cận kề?
Hazel Grace Lancaster trong cuốn tiểu thuyết Khi lỗi thuộc về những vì sao, lúc đối mặt với căn bệnh ung thư và có dấu hiệu di căn, ở trong thời điểm của sự lo lắng, sợ hãi về cái chết, đã chọn cách kể về căn bệnh của mình khi tặng người yêu thương một cuốn sách.
Nỗi đau tột cùng, tên cuốn sách mà Hazel rất yêu thích lúc đó chứa đầy những hình ảnh khổ sở và đau đớn của một cô gái đang chống chọi vật lộn với căn bệnh ung thư. Ám cảnh trong từng trang giấy có lẽ giúp Hazel nói được một cách đầy đủ và rõ ràng về những sợ hãi mà cô đang phải trải qua trong những ngày tháng cuối cùng.
Mỗi người chắc chắn sẽ có sự lựa chọn khác nhau khi đối mặt với những giông bão của cuộc sống, và đặc biệt lại là đối diện trước điều tuyệt vọng nhất: Bệnh tật và cái chết.
Nhiều người có thể chọn cách co rúm mình trong nỗi sợ hãi. Người khác đi tìm kiếm sự sẻ chia, đồng cảm bằng cách kể ra nỗi đau đớn với những người xung quanh như chuyện của Hazel trên kia. Nhưng có người đã chọn đối mặt, kiên cường chống chọi, thậm chí còn tận dụng để tạo ra những điều tốt đẹp hơn từ trong giông tố.
Những người của khoa Báo chí có lẽ sẽ biết tôi đang nói về Nguyễn Khánh Thương, một người chị đầy nghị lực, một người Thầy giàu tâm huyết của Khoa, cựu sinh viên K45, và là một người đã đi qua cuộc sống bằng những ngày cuối cùng “Vượt Qua Sợ Hãi” trước căn bệnh ung thư vú.
Khánh Thương lúc còn sống
Tôi biết đến chị Khánh Thương trong những ngày mà chị đang đẹp nhất. Cuối năm 2011, khi tôi vừa kết thúc chương trình ở Khoa Báo chí để bắt đầu bước đi đầu tiên trong ngành Truyền thông, chị lúc đó là cái tên đã được nhiều bạn trẻ mới vào ngành ngưỡng nể. Duyên từ khoa Báo đã khiến tôi được biết đến, tự hào và chia sẻ với chị trong những ngày tháng đó.
Khi ấy, chị đang có một gia đình tình cảm làm chỗ dựa…
Chị đang có kế hoạch về một đám cưới, về tương lai yên bình cùng vị hôn phu tâm ý...
Chị đang ấp ủ những dự định tiếp theo trong sự nghiệp với đam mê, với một kiến thức vững vàng mà chị từng phải rất cố gắng để trau dồi và rèn rũa…
… ở tuổi 30.
Với chị Khánh Thương, ngày mà thế giới ngoài kia hạnh phúc và tưng bừng nhất (19-10-2012) lại là thời điểm mang đến cho bản thân chị những đen tối và xám xịt, là ngày đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của chị.
Khi nhận về tin mình mắc ung thư vú, chị bảo, “cuộc sống này tươi đẹp và cũng thật bất trắc. Sự bất trắc nhiều ít là đương nhiên, nhưng bất trắc là thật và trong toán học, chẳng quan trọng bạn giàu hay nghèo, đẹp hay xấu, ở nước phát triển hay nước đói nghèo...” Bất trắc, hay hơn thế nữa là giông tố đã tìm đến với chị khi đó.
Để rồi sau mỗi cuộc xét nghiệm, thử máu và nhận kết quả bệnh tình, cuộc đời lại dồn thêm cho chị những cơn “cuồng phong” lớn hơn, mạnh hơn và lấy đi mỗi lúc một chút hi vọng đang mỏng dần từ chị, từ một người con, một người vợ, một người phụ nữ bình thường.
Đứng trước những điều ấy, tôi tự hỏi điều gì đã giúp chị quên đi, dù là tạm thời thôi, những nỗi đau về thể xác và nỗi sợ hãi trong tâm hồn, để mạnh mẽ đối diện và tiếp tục những dự án cộng đồng hữu ích, đặc biệt rất thiết thực là BCNV - Mạng lưới ung thư vú Việt Nam?.
Chị bảo rằng, “nỗi sợ hãi của con người là chẳng có giới hạn. Cái sợ này qua đi, cái sợ khác lại xuất hiện. Và nếu chẳng thể làm cho nỗi sợ hữu hạn được, thì mình chỉ còn cách là làm cho bản thân mình không bao giờ đầu hàng trước những thách thức, bất hạnh và khổ đau, không bao giờ làm cho ý chí biết nhún nhường sợ hãi”(*).
Cũng có lúc chị còn tếu táo, “Có bao nhiêu thứ trong cuộc đời mỗi chúng ta đang (phải) làm mà đó là điều chúng ta chẳng thích, chẳng muốn”. Chị vì thế chọn cách vẫn làm những điều không thích, mà lại làm bằng một cách dễ chịu và hoan hỉ.
Khi kể cho những người bạn nơi tôi đang sống về chị, tôi từng nói rằng trong cái cách mà chị Khánh Thương đối mặt và đi qua từng cơn giông bão như thể có điều gì đó là của riêng “sinh viên Báo chí” chúng tôi.
Cũng có thể đó chỉ là cách mà riêng tôi tự huyễn hoặc để tỏ thiện ý đồng cảm với những gì chị đã và cố gắng làm bấy lâu. Nhưng chắc hẳn, những người đã và sẽ bước ra từ khoa Báo cũng đồng ý với tôi rằng: Chúng tôi đã và sẽ học cách không bỏ cuộc, giống như chị.
Di ảnh của Khánh Thương trên bàn thờ tại quê nhà
Chị Khánh Thương đã vững vàng, giấu đi nỗi sợ hãi để tiếp tục sống, làm việc nghiêm túc, thậm chí còn miệt mài hơn cả trước đó. “Làm việc để cho mình cảm nhận rằng mình vẫn còn sống, mình đang có ích, mình còn có ý nghĩa. Là để trong sự tồn tại của mình sẽ không hoàn toàn chỉ có nước mắt, tuyệt vọng và những cơn đau”, như chị từng chia sẻ.
Chị đã không lựa chọn đầu hàng, bởi chị biết còn có thể để lại cho cuộc sống điều gì tốt đẹp hơn chính từ cơn giông bão, từ căn bệnh quái ác và thậm chí là cả từ cái chết của chính mình. “Dù bệnh tật có làm cho hình hài, thân thể bạn ra sao đi chăng nữa, bạn vẫn còn nhiều việc phải làm và vẫn phải sống thay vì ngồi một chỗ khóc thương chính mình. Nếu bạn không ngồi khóc thương chính mình trong khi chờ đợi, thì mỗi ngày qua đi sẽ là một ngày sống trọn vẹn cho mình và cho những người thân yêu” (*).
Khánh Thương đã bước đến, trải qua những ngày cuối cùng trong việc hiểu rõ rệt về sự sống, cái chết. Nên tôi hiểu rằng, cách mà chị đối mặt với bi kịch ấy của bản thân chính là cách mà con người chị xác định và chọn lựa.
Từng bước vượt qua được cảm giác bất lực trước biến cố của cuộc đời, chị đã học cách làm quen với căn bệnh ung thư, phác đồ điều trị, với thuốc và những đêm dài mất ngủ. Với Khánh Thương, tôi hiểu rằng, tiếp tục bước đi sau từng cơn giông bão như thế phải là cách mà chị “chơi được với những cơn đau”, cách “yêu thương một thân hình không còn nguyên vẹn”, cách “quý trọng những vết sẹo trên người” và cách ghi khắc những “nợ ân tình” từ cuộc sống cho dù nó đã vô cùng khắc nghiệt với chị.
Căn bệnh kia dù là của riêng chị, nhưng những người bên cạnh đã được tiếp thêm nhiều nghị lực, niềm tin và sự mãnh mẽ chính nhờ cách mà chị đối đãi với nó. Và tôi tin rằng, ai đã từng cùng làm việc và biết đến chị, sẽ học được cách biết ơn cuộc sống, trân trọng thời gian và nghĩa tình như chính con người Khánh Thương trước và sau khi chị đi qua giống tố… để đến với bình yên…
(*) - Những tâm sự của chị Khánh Thương trên diễn đàn BCNV.org.vn
Hạnh Nhân