Viện ĐTBC&TT gặp mặt tri ân và lắng nghe góp ý của giảng viên nhân dịp 20/11
SJC - Ảnh: Việt Hà - Ngọc Lưu
2023-11-18T18:30:25+07:00
2023-11-18T18:30:25+07:00
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/vi/news/tin-hoat-dong/vien-dtbc-tt-gap-mat-tri-an-va-lang-nghe-gop-y-cua-giang-vien-nhan-dip-20-11-4469.html
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/news/2023_11/sjc.jpg
Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông
https://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ bảy - 18/11/2023 13:15
Sáng 15/11, Viện ĐTBC&TT tổ chức buổi gặp mặt “Kết nối giảng đường - thực tiễn” với sự tham gia của hơn 30 chuyên gia, giảng viên trong và ngoài Viện. Bên cạnh những lời chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Viện đã nhận được nhiều chia sẻ, đề xuất giúp nâng cao chất lượng đào tạo.
Đại diện Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đến tham dự buổi gặp mặt có GS.TS Hoàng Anh Tuấn – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường, ThS. Phạm Văn Huệ - Phó Trưởng phòng Đào tạo.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn ghi nhận và gửi lời cảm ơn đặc biệt đến những cán bộ, giảng viên thỉnh giảng của Viện ĐTBC&TT. Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, báo chí và truyền thông là ngành đặc thù khi vừa xây dựng và phát triển trên nền móng lý thuyết khoa học xã hội, vừa yêu cầu mức độ cập nhật, bắt nhịp kiến thức thực tế rất cao. Bởi vậy, việc tham gia giảng dạy của các thầy cô đang trực tiếp công tác tại các cơ quan báo chí, truyền thông ngoài trường là đóng góp rất quan trọng.
TS. Phan Văn Kiền, PGS.TS Bùi Chí Trung, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Huyền chủ trì phần lắng nghe ý kiến và đề xuất của giảng viên.
Nhà báo, TS. Trần Thị Tri (Đài Tiếng nói Việt Nam) gửi lời cảm ơn đến Viện ĐTBC&TT vì đã tổ chức buổi gặp mặt rất có ý nghĩa. Cô Tri chia sẻ mình luôn hài lòng về cách Viện ĐTBC&TT quan tâm, hỗ trợ giảng viên thỉnh giảng. Góp ý về chương trình đào tạo, nhà báo Trần Thị Tri mong muốn nhà trường không ngừng cải thiện chất lượng cơ sở vật chất để giảng viên và sinh viên có điều kiện dạy và học tốt hơn.
MC - Tiến sĩ Trịnh Lê Anh (Khoa Du lịch - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn) là giảng viên phụ trách môn Tổ chức sự kiện tại Viện ĐTBC&TT. Thầy Lê Anh chia sẻ luôn sẵn lòng và tràn đầy năng lượng bất kể khi nào nhận được lời mời giảng từ Viện.
Nhà báo, TS. Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư ký Biên tập, Đài Tiếng nói Việt Nam là giảng viên phụ trách môn Kỹ năng viết cho Phát thanh - Truyền hình. Thầy Mạnh Hùng chia sẻ thường xuyên tiếp nhận các đoàn sinh viên của Viện đến thăm và thực tập tại VOV. Nếu sinh viên thiếu chủ động liên hệ và làm việc với các anh chị phóng viên hướng dẫn sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “lang thang” và kỳ thực tập 3 tháng sẽ trôi qua rất nhanh mà không hiệu quả.
Vấn đề thực tập của sinh viên cũng nhận được góp ý từ nhiều giảng viên khác. Nhà báo, ThS. Nguyễn Thu Hoà đề nghị có thể kéo dài thời gian thực tập, đa dạng hơn cơ quan thực tập như có thể gửi sinh viên về địa phương để trực tiếp công tác và sáng tạo các sản phẩm có chất lượng và gắn với cơ sở. Nhà báo Thu Hoà mong muốn Viện ĐTBC&TT tạo được sợi dây liên kết tốt hơn với các cơ quan thực tập để có cơ sở đánh giá và đảm bảo sinh viên học tập và thực hành hiệu quả.
ThS. Nguyễn Thị Hương Giang (giữa ảnh) - Giảng viên phụ trách môn Kỹ năng viết cho PR chia sẻ mình là cựu sinh viên của Viện, nay rất vui khi có cơ hội về lại mái nhà xưa hướng dẫn các lớp sinh viên tiếp sau. ThS. Nguyễn Thị Hương Giang đánh giá sinh viên ngày nay cập nhật các xu hướng mới nhanh, nhưng khả năng hiểu sâu về một vấn đề và kỹ năng viết còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ phải đào tạo bổ sung nhiều khi tiếp nhận sinh viên mới ra trường. Cô Hương Giang đề nghị nhà trường sắp xếp số lượng sinh viên mỗi lớp không quá đông, để khi giao bài tập, giảng viên có thể sát sao, nắn chỉnh từng câu chữ cho sinh viên. Ngoài ra, năng lực tự học tập, tự nghiên cứu của sinh viên cũng rất quan trọng. Sinh viên có năng lực nghiên cứu tốt khi đi làm có thể nhanh chóng bắt nhịp và hoà nhập với thị trường lao động.
ThS. Trần Anh Tú – Phó Tổng biên tập phụ trách Tạp chí Thông tin và Truyền thông đánh giá sinh viên Viện ĐTBC&TT có chiều sâu về mặt lý luận nhưng dường như vẫn còn “lành”, thiếu cá tính mạnh. Nhà báo Anh Tú chia sẻ trong bối cảnh hiện nay, thị trường báo chí ngày càng thu hẹp, cơ hội việc làm ngày càng ít, sinh viên vì thế phải nỗ lực hơn. Phía Viện cần kết nối nhiều hơn với các cơ quan báo chí, có thể đề xuất sinh viên của Viện sẽ phụ trách một mảng nội dung. Viện cũng cần tăng cường các hoạt động nhằm khích lệ tinh thần làm việc và sáng tạo như có thể trao giải cho các sản phẩm báo chí của sinh viên.
PGS.TS Bùi Chí Trung – Phó Viện trưởng Viện ĐTBC&TT chia sẻ, trong thời gian qua, Viện đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kết nối sinh viên với thực tiễn theo phương trâm “Đưa toà soạn đến giảng đường và đưa giảng đường đến toà soạn”. Trong thời gian tới, Viện sẽ xây dựng mô hình “Vườn ươm”, nhằm có những toà soạn thực tế ngay trong Viện để sinh viên có thể thực tập ngay trên ghế nhà trường. Viện dự định sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý tổ chức và duy trì một giải báo chí dành riêng cho sinh viên, nhằm khích lệ tinh thần học tập và làm việc của các em.
Buổi gặp mặt còn ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi giá trị khác, như việc Viện nên mở thêm một số học phần liên quan đến ngành Marketing, cải thiện thù lao giảng dạy, hay thiết lập một mạng lưới cựu sinh viên để có thể kết nối, hỗ trợ hai chiều giữa Viện và các cơ quan, doanh nghiệp bên ngoài…
Kết thúc phần trao đổi, ThS. Phạm Văn Huệ - Phó Trưởng phòng Đào tạo ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đòng góp của các thầy, cô. Nhà trường và Viện ĐTBC&TT mong muốn các thầy cô sẽ luôn đồng hành, gắn bó với Viện và tiếp tục góp ý, đề xuất giúp hoàn thiện chương trình đào tạo.
Các chuyên gia, giảng viên tham gia buổi gặp mặt chụp ảnh kỷ niệm.
Tác giả: SJC - Ảnh: Việt Hà - Ngọc Lưu