Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thônghttps://sjc.ussh.vnu.edu.vn/uploads/sjc/logo-sjc_1.png
Thứ tư - 15/03/2023 19:54
Sáng 10/3, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông nhiệm kỳ 2023-2028 đã họp phiên thứ nhất để ra mắt Hội đồng, đồng thời thảo luận, góp ý một số nội dung quan trọng về chương trình đào tạo, về tuyển sinh sau đại học và các khóa phi chính quy.
Tham dự phiên họp có PGS.TS. Đinh Văn Hường (Chủ tịch Hội đồng), TS. Phan Văn Kiền (Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông – Phó Chủ tịch Hội Đồng), PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền (Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông), PGS.TS. Bùi Chí Trung (Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông) cùng các nhà khoa học trong và ngoài Viện.
Nhiều điểm mới trong Dự thảo chương trình đào tạo Báo chí theo định mức kinh tế kỹ thuật
Các thành viên hội đồng đã thảo luận, góp ý về một số nội dung: Dự thảo chương trình Báo chí xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật; Dự thảo chương trình Quan hệ công chúng xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật; Dự thảo đề cương nội dung phỏng vấn tuyển sinh Sau đại học; Dự thảo các chương trình ngắn hạn.
Theo TS. Phan Văn Kiền, chương trình đào tạo Báo chí xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật dựa vào hai chương trình đào tạo hiện có của Viện gồm hệ chuẩn và hệ chất lượng cao (CLC).
Dự thảo chương trình mới có một số điểm nổi bật như tổng khối lượng gồm 139 tín chỉ (chương trình CLC hiện có 154 tín chỉ gây vất vả cho người học). Chương trình mới dự kiến có 6 học phần được giảng dạy bằng tiếng Anh; tăng thời lượng thực tập, thực tế của sinh viên; các định hướng chuyên ngành mở rộng hơn, gồm: Báo chí; Truyền thông đa phương tiện; Quan hệ công chúng - Quảng cáo; Quản trị truyền thông; một số học phần được gộp lại, rút gọn như Lịch sử báo chí Việt Nam và Lịch sử báo chí thế giới thành Lịch sử báo chí.
Chương trình đào tạo Báo chí xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật được Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm định. Sau đó các trường đại học có thể tự định giá đưa ra mức học phí cao hơn (học phí chương trình chuẩn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay là 9,8 triệu/năm).
Cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo
Góp ý cho Dự thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền cho rằng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH KHXH&NV) cần có những văn bản pháp lý để hướng dẫn cụ thể việc xây dựng Chương trình định mức kinh tế kỹ thuật theo Nghị định 81 của Chính phủ; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo mới cần mô tả cụ thể hơn, đặc biệt về kiến thức và kỹ năng của sinh viên. Bên cạnh đó, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền đánh giá khung chương trình gồm 139 tín chỉ vẫn còn quá nặng; cần cân nhắc tính khả thi đối với các học phần dạy bằng tiếng Anh…
PGS.TS. Bùi Chí Trung cho rằng Dự thảo cần chú ý vào 3 chiều cạnh: các học phần chỉ có Trường ĐH KHXH&NV mới có; các học phần chỉ có Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông mới có; không nên chú trọng vào các học phần dạy bằng tiếng Anh mà liên thông với các trường đại học trong nước và trên thế giới.
TS. Đỗ Anh Đức cho rằng chuẩn đầu ra của chương trình mới cần cụ thể hoá theo thang đo Bloom; cần bổ sung các học phần mới đón đầu xu hướng của báo chí và truyền thông hiện đại; học phần Kỹ năng viết cho báo in và báo điện tử nên tách ra, hoặc tăng tín chỉ nếu giữ nguyên…
PGS.TS. Nguyễn Văn Dững góp ý Viện nên mở thêm ngành Truyền thông đa phương tiện; Dự thảo chương trình đào tạo mới cần diễn đạt chính xác và cụ thể hơn, đặc biệt ở phần mục đích; cần nêu rõ người học khi hoàn thành chương trình đào tạo sẽ được cung cấp những kiến thức gì, có thể thực hành những kỹ năng nào. Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Dững cho rằng Dự thảo cần bổ sung và điểu chỉnh tên gọi của một số học phần.
Theo PGS.TS. Vũ Văn Hà, chương trình mới cần giảm tải, tập trung vào đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng.
Thông qua Dự thảo chương trình đào tạo Quan hệ công chúng theo định mức kinh tế kỹ thuật
PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền trình bày Dự thảo chương trình Quan hệ công chúng xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật. Chương trình Quan hệ công chúng mới có một số điểm nổi bật như: đảm bảo 100% sinh viên có cơ hội thực tập và giới thiệu việc làm; bỏ hai môn tiên quyết của hai học phần…
Trong phiên họp, các thành viên tham dự Hội đồng nhất trí thông qua Dự thảo. Bên cạnh đó, các thành viên thảo luận và cho ý kiến về Dự thảo đề cương nội dung phỏng vấn tuyển sinh sau đại học.
Sau khi thống nhất, PGS. TS. Đinh Văn Hường - Chủ tịch Hội đồng phát biểu tổng kết phiên họp với một số nội dung chính:
1. Nhất trí thông qua có chỉnh sửa Dự thảo chương trình Báo chí xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật. Đề nghị Ban Lãnh đạo Viện có cơ sở pháp lý từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để xây dựng chương trình đào tạo theo định mức kinh tế kỹ thuật.
2. Nhất trí thông qua Dự thảo chương trình Quan hệ công chúng xây dựng theo định mức kinh tế kỹ thuật.
3. Đề nghị Ban Lãnh đạo Viện tiếp thu ý kiến, chỉnh sửa Dự thảo đề cương nội dung phỏng vấn tuyển sinh sau đại học, tập trung vào các nhóm vấn đề, ứng viên cần có chương trình học tập.
4. Dự thảo chương trình ngắn hạn: nhất trí về mặt chủ trương, đề nghị Ban Lãnh đạo Viện có chương trình cụ thể. Chú ý về vấn đề nhân lực, phát huy tối đa nguồn nhân lực trong và ngoài Viện.
5. Hội đồng Khoa học và Đào tạo: tư vấn, góp ý cả hai mảng khoa học và đào tạo. Đề nghị Ban Lãnh đạo Viện kiên toàn các bộ môn, rà soát nhân sự các bộ môn. Hội đồng Khoa học và Đào tạo tham mưu, tư vấn các hướng nghiên cứu gắn với chương trình đào tạo.
Cũng trong khuôn khổ phiên họp, PGS.TS. Đinh Văn Hường - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của Viện nhiệm kỳ 2023-2028 đã ra mắt các thành viên trong hội đồng. TS. Phan Văn Kiền đại diện ban lãnh đạo Viện tặng hoa chúc mừng Chủ tịch.