Đất đón em về gieo tiếp những mầm xuân

Thứ sáu - 20/03/2015 11:34
Đất đón em về gieo tiếp những mầm xuân
Đất đón em về gieo tiếp những mầm xuân

Chiếc máy tính ấy tại Khoa Báo chí và Truyền thông gần 4 năm nay không hề thay tên và password đăng nhập. Rất nhiều người đã sử dụng và bàn giao nó cho người kế tiếp, nhưng chẳng hiểu sao, không ai thay đổi. Có lẽ mọi người quá bận và không ai kịp nghĩ tới việc đó. Nhưng, tôi tin là vì một điều khác: Nó từng gắn bó với một con người đáng kính và đáng thương như đất, như chính tên chị: Nguyễn Khánh Thương. Hôm nay, chị đã về với đất sau 3 năm kiên cường chống chọi với căn bệnh ung thư vú.

18a
Đại hội chi bộ khoa Báo chí chiều 18/3/2015, bí thư chi bộ Đặng Thị Thu Hương đã không kìm được tiếng khóc nức nở khi nhắc đến người đồng nghiệp thân thương từng gắn bó với mọi người. Không chỉ chị Đặng Hương, hầu hết mọi người trong Khoa Báo chí và Truyền thông và Trung tâm Nghiệp vụ Báo chí và Truyền thông cũng đã từng khóc nghẹn khi biết tin người con gái ấy ra đi. Các chị em trong khoa từng ôm nhau khóc hết nước mắt khi nhận email của chính Khánh Thương gửi về từ Úc, biết tin tế bào ung thư đã di căn vào xương, không thể cứu chữa. Khóc bởi thương! Bởi con người ấy là một tâm hồn thánh thiện, một trái tim nhân hậu, luôn nồng nhiệt, hết mình với mọi người, mà cuộc sống thì quá nghiệt ngã. Ai từng làm việc với Khánh Thương đều cảm nhận được sự nhẹ nhàng, chu đáo và hết mình trong công việc của chị. Tôi còn nhớ, mỗi lần đi công tác hoặc có dịp, chị đều có quà cho mọi người. Điều khiến tôi nhớ nhất là trong mỗi lần tặng quà, món quà của chị không giống nhau với từng người và đều phù hợp với từng hoàn cảnh. Lần vợ chồng tôi mới cưới, chị từ Bali về, quà cho chúng tôi là một bộ nước hoa để phòng tân hôn. Một lần khác, biết tin chúng tôi có con, chị tặng một dụng cụ để em bé tập nhai khi mọc răng mang về từ Úc… Có cảm giác chị mua quà riêng cho từng người, từng người một. Chuyến đi công tác Trung Quốc của cả khoa, đôi chân nhỏ bé ấy cứ thoăn thoắt khắp mọi hành trình mà nụ cười vẫn tươi rói trên mắt, trên môi. Chị phăm phăm leo lên Vạn lý trường thành. Chị háo hức khám phá Bắc Kinh, Thượng Hải, Tô Châu, Hàng Châu. Chị nhiệt tình chụp ảnh lưu niệm cho mọi người. Bộ ảnh kỷ niệm trước khi cưới của vợ chồng tôi tại Trung Quốc chủ yếu do chị cầm máy. Chị luôn là niềm cảm hứng để mọi người tiến lên phía trước. Trước khi trở thành giảng viên, chị từng là người khởi xướng rất nhiều chương trình từ thiện, hoạt động cộng đồng cho nhóm Vòng tay yêu thương. Khi bị bệnh, cùng với hành trình chống chọi bệnh tật, đớn đau, chị lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam với ước mong tất cả mọi người đều khỏe. Chia sẻ, quan tâm tới mọi người ở mọi lúc, mọi nơi dường như là bản tính của người con gái kiên cường ấy rồi. Chị tâm sự: “Tôi không chia sẻ để thoả mãn sự tò mò của đám đông hay khi chồng tôi không phải là đàn ông Việt. Tôi cũng chẳng lên tiếng để gây sốc hay tìm kiếm danh tiếng khi thực tế là chưa có một phụ nữ Việt nào lại "bô bô" kể ra những khổ sở và buồn đau sâu kín của mình và rất dễ dàng bị quy kết vạch áo cho người xem lưng. Tôi chia sẻ chân thành để bạn tự có câu trả lời và suy ngẫm riêng mình về những nỗi đau có thật của những người phụ nữ trẻ mắc ung thư vú. Nỗi đau đớn hiển hiện như một cơ thể sống nhưng luôn bị rất nhiều phụ nữ Việt Nam chôn chặt, cố gắng giấu diếm và đối đầu với nó trong đơn độc, tối tăm. Và để một lúc nào đó, một ngày nào đó bạn sẽ thông cảm và yêu thương được những phụ nữ phải chiến đấu với căn bệnh như tôi, ở giai đoạn như tôi và yêu lấy mình để không bao giờ phải kinh qua những đoạn trường gian khó ấy”. Có một may mắn rất lớn trong cuộc đời người con gái ấy. Đó là chị đã tìm được cho mình một người bạn đời tuyệt vời như chính chị, anh Aaron Sobey, một chàng trai Úc. Vừa kết hôn thì chị nhận tin sét đánh. Hai vợ chồng khăn gói trở về Úc để chữa trị. Một đám cưới đầm ấm cũng được họ tổ chức. Những ngày cuối đời, chị hạnh phúc trong vòng tay chăm sóc của anh. Đôi bạn trẻ ấy đã vượt qua tất cả khó khăn để cùng nhau chống chọi bệnh tật.
19a
Khánh Thương và chồng,anh Aaron Sobey Khóc bởi tiếc! Bởi sự ra đi của chị không chỉ là nỗi đau, mà còn là mất mát của nhiều người, không chỉ gia đình, bạn bè. Được đào tạo bài bản ở nước ngoài về Quan hệ công chúng, khi về Khoa Báo chí và Truyền thông, Khánh Thương đã thể hiện và phát huy rất tốt năng lực của mình vào công việc. Chị bắt tay vào các dự án của Khoa, tham gia giảng dạy, truyền cảm hứng và tri thức cho sinh viên, chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi với các giảng viên trẻ trong khoa… Tham gia dự án Nâng cao năng lực cho nhà báo trẻ do Đại sứ quán Mỹ tài trợ, chị để lại ấn tượng trong lòng mọi người bởi sự nhẹ nhàng, nụ cười luôn rạng rỡ trên khuôn mặt và thái độ làm việc hết mình.
Ths. Nguyễn Khánh Thương đã qua đời vào hồi 4h sáng ngày 17/3/2015 tại thành phố Brisbane, bang Queensland, Australia (tức 1h30p sáng giờ Việt Nam). Tang lễ của cô Khánh Thương sẽ được tổ chức vào 13h ngày 20/3/2015 tại Úc. Lễ hỏa táng sẽ diễn ra vào lúc 15h cùng ngày. Khoa Báo chí và Truyền thông xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình Ths. Nguyễn Khánh Thương
Nhà trường cho phép các giảng viên trong trường thể nghiệm thực hiện website môn học với các môn đang giảng dạy. Website môn học của Khánh Thương được đánh giá tốt nhất trường. Chúng tôi hiểu, kết quả đó không chỉ nằm ở năng lực chuyên môn của người giảng viên, mà còn là sự truyền cảm hứng, năng lực tổ chức để thu hút sinh viên tham gia. Người con gái kiên cường và nhân hậu ấy hôm nay đã về với đất. Trái tim luôn sục sôi nhiệt huyết ấy hôm nay đã ngừng đập. Nước mắt đã chảy dài trên mắt, trong lòng hàng triệu người từng được chị truyền lửa. Chị Thanh Hà, một đồng nghiệp cũng đang chiến đấu với căn bệnh ung thư chia sẻ trên facebook Khánh Thương: “Chị đã gặp được em khi cả hai cùng hoàn cảnh , nhưng em luôn luôn động viên chị , hướng dẫn chỉ bảo cho chị. Từ nay hết những đau đớn rồi em nhỉ. Ở nơi đây nhiều , nhiều người trong đó có chị sẽ luôn nhớ về em. Cám ơn những gì em đã mang lại niềm tin vào cuộc sống cho những người tưởng đã đi đến cuối con đường. Cảm ơn người chiến binh dũng cảm đã truyền hết mọi yêu thương đến tất cả mọi người . Em đi thanh thản và bình an em nhé. Nếu có kiếp sau hãy cho chị em mình gặp mặt em nhé. Vĩnh biệt em, người con gái kiên cường”. Trong thư chia buồn với gia đình chị, bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến viết: “Những gì Khánh Thương để lại cho cuộc đời này như một lời nhắc nhở âm thầm và dịu dàng, giúp tôi quyết tâm thực hiện tốt hơn nữa những chính sách y tế mới nhằm chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”. Những ngày này, hàng chục trang báo đang khóc chị. Hàng ngàn trang facebook cá nhân đăng ảnh, chia sẻ thông tin và cảm xúc về chị. Tôi tin, người ta khóc chị không chỉ bởi tiếc thương. Chị đã sống một cuộc đời như đất. Bao dung, nhân hậu, luôn mở rộng vòng tay với bất kỳ ai. Cái khí cốt của đất ấy cũng đã giúp chị đủ mạnh mẽ chống lại đớn đau từ căn bệnh quái ác. Hôm nay, chị sẽ hòa mình vào đất để gieo tiếp những hy vọng cho cuộc đời. Sống như đất, chết hòa mình trong đất Đất đón em về, gieo tiếp những mầm xuân Vĩnh biệt chị Khánh Thương, người con gái nhân hậu và kiên cường. Chị đã sống nhiều hơn thời gian chị có trên cõi đời này!

Phan Kiền

Nguyễn Khánh Thương sinh năm 1982 tại Thạch Thất, Hà Nội. Cô là cựu sinh viên K45 Khoa Báo chí và Truyền thông, Giảng viên Khoa Báo chí truyền thông Trường ĐHKHXH&NV. Sau khi mắc bệnh ung thư vú, cô chuyển sang Australia sống và điều trị. Năm 2006, Khánh Thương sáng lập “Vòng tay yêu thương” (Free Hugs Group - FHG). Chiến dịch đầu tiên "Yêu thương trong những vòng tay" của FHG được tổ chức cuối năm 2006 tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, bệnh viện Bạch Mai, khu phố đi bộ trung tâm và ga Hà Nội.. Sau thành công của chiến dịch "Yêu thương trong những vòng tay" là những chương trình gây tiếng vang khác như "Kết nối yêu thương", "Trao cho em ngày mai", "Giao thừa yêu thương", "Công trình Hy vọng" hay "Một giờ làm người khiếm thị"... Chương trình "Trao cho em ngày mai" được thực hiện năm 2008 như một món quà đón Tết sớm dành tặng các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn thuộc hai bệnh viện K và Bệnh viện Nhi Trung ương, động viên các em trong thời gian điều trị dài ngày tại bệnh viện. Năm 2007, cô được chọn làm đại diện cho thanh niên Việt Nam dự Hội nghị Quốc tế về văn hóa châu Á và châu Âu tại Malaysia. Năm 2008, cô tham dự Hội nghị Quốc tế Thanh niên với các chính sách phát triển quốc gia tại Campuchia. Năm 2010, cô được Hội đồng ung thư của Úc tại bang NewsSouth Wales tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong chiến dịch gây quỹ phòng chống và nghiên cứu ung thư. Cô cũng là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2012. Tháng 10/2012, sau lễ ăn hỏi, cô phát hiện mình bị ung thư. Từ đó, Thương dồn tâm huyết sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam với nhiều chiến dịch, hoạt động từ thiện như Vượt qua sợ hãi, Kể chuyện qua video... Mạng lưới ung thư vú Việt Nam đã mang lại nhiều món quà tinh thần cho chị em phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Đến nay, mạng lưới đã làm được nhiều việc: hàng triệu phụ nữ Việt Nam được hưởng lợi từ 02 chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư vú năm 2013- 2014 mang tên “Vượt qua nỗi sợ hãi” và “Mạnh hơn sợ hãi”; hàng ngàn phụ nữ được hưởng lợi từ 13 hội thảo nâng cao nhận thức về ung thư vú do BCNV tổ chức; hàng trăm phụ nữ Việt mắc ung thư vú được hỗ trợ miễn phí bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật tách u và đoạn nhũ; hàng trăm phụ nữ Việt mắc ung thư được cho mượn, tặng tóc giả trong thời gian điều trị hóa chất; hàng trăm phụ nữ được hỗ trợ làm đẹp trong quá trình hóa, xạ trị, tập yoga nâng cao thể chất; rất nhiều các hỗ trợ thông tin, tâm lý và nhận thức khác cho người ảnh hưởng bởi căn bệnh và cộng đồng khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây